Xây dựng các giải pháp đột phá đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics hàng đầu khu vực và thế giới
Ngày 2.12, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 (VLF 2024) với chủ đề 'Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics' với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Cùng dự còn có Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Minh, cùng đại diện các ban, bộ, ngành, địa phương và các tổ chức quốc tế.
Theo Bộ Công Thương, ngành logistics Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14-16%/năm, với quy mô 40-42 tỷ USD. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 5 quốc gia dẫn đầu ASEAN về hiệu quả logistics và được xếp hạng 43/155 quốc gia theo chỉ số của Ngân hàng Thế giới.
Dù đạt nhiều thành tựu, logistics Việt Nam vẫn đối mặt với các "điểm nghẽn" như chi phí cao, nguồn nhân lực thiếu hụt, hạ tầng chưa đồng bộ và kết nối yếu. Những thách thức này càng trở nên cấp bách trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược toàn cầu, biến đổi địa chính trị và sự bùng nổ của thương mại điện tử.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam có nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển logistics nhờ vị trí địa lý chiến lược, hệ thống cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế và mạng lưới giao thông rộng khắp. Tuy nhiên, cần hoàn thiện thể chế, tăng cường hợp tác công tư và xây dựng các khu thương mại tự do hiện đại để tận dụng tối đa lợi thế.
Hiện Bộ Công Thương đang trình Thủ tướng dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ như phát triển hạ tầng, cải thiện năng lực cạnh tranh và giảm chi phí logistics từ 18% xuống 15% GDP vào năm 2025.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, tham gia tích cực vào các hiệp định thương mại tự do, cùng với lợi thế về địa kinh tế, việc nghiên cứu và phát triển mô hình các khu thương mại tự do thế hệ mới là yếu tố quan trọng. Điều này sẽ giúp ngành logistics Việt Nam mở rộng vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo ông Thanh, mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ và liên vùng đã được đầu tư mạnh mẽ trong những năm qua với sự quan tâm từ Trung ương. Các dự án trọng điểm như cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng biển Cái Mép - Thị Vải đang được hiện đại hóa để trở thành cảng trung chuyển quốc tế tầm cỡ. Đặc biệt, việc phát triển mô hình "cảng xanh, logistics xanh" góp phần đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
“Việc xây dựng khu thương mại tự do gắn liền với cảng biển Cái Mép Hạ là một chiến lược quan trọng để hoàn thiện hạ tầng logistics vùng Đông Nam Bộ. Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ sẽ được kết nối đồng bộ với cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, tạo lợi thế cạnh tranh quốc gia vượt trội. Đây là động lực mới trong thu hút đầu tư thế hệ mới, phát triển không gian dịch vụ - công nghiệp - đô thị trên hành lang kinh tế Đông Tây từ Mộc Bài đến Cái Mép - Thị Vải,” ông Thanh nhấn mạnh.
Ông cũng cho biết, thời gian qua, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, kiên định với chiến lược thu hút đầu tư chọn lọc, ưu tiên công nghệ hiện đại, tự động hóa cao, bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng hiệu quả. Nhờ đó, kinh tế tỉnh luôn giữ vững đà tăng trưởng. Riêng năm 2024, GRDP của tỉnh ước đạt mức tăng trên 10,52%, với GRDP bình quân đầu người vượt 9.000 USD/người/năm. Đến nay, tỉnh đã thu hút vốn đầu tư quy đổi khoảng 50 tỉ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 34 tỉ USD.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hạ tầng giao thông đã được đầu tư, nâng cấp và đạt nhiều bước đột phá, góp phần giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics. Tuy nhiên, ngành này vẫn đối mặt với nhiều thách thức như chi phí cao, quy mô nhỏ so với nền kinh tế và thế giới, cùng những hạn chế trong công tác quản lý.
Thủ tướng nhận định: "Để phát triển ngành logistics, chúng ta cần sáng tạo để bay cao, đổi mới để vươn xa, và hội nhập liên kết để phát triển. Logistics không chỉ là xu thế của thế giới mà còn là nền tảng quan trọng cho một đất nước phát triển."
Nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, Thủ tướng đề ra 3 mục tiêu chính: giảm chi phí logistics từ 18% xuống 15%, tăng tỷ trọng ngành trong GDP từ 10% lên 15%, hướng tới 20%; nâng quy mô ngành dịch vụ logistics toàn cầu từ 0,4% lên 0,5%, phấn đấu đạt 0,6%; đồng thời nâng tốc độ tăng trưởng từ 14%-15% lên 20%.
Để thực hiện các mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao nhận thức về vai trò của logistics trong phát triển kinh tế, tận dụng vị trí chiến lược của Việt Nam tại khu vực Thái Bình Dương để khai thác tối đa tiềm năng. Trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thể chế thông thoáng, giảm thủ tục hành chính, phát triển hạ tầng logistics đồng bộ, giảm chi phí đầu vào, và tăng cường khả năng cạnh tranh.
Ngoài ra, cần chú trọng phát triển hàng không, đường sắt tốc độ cao, quản trị thông minh, đào tạo nhân lực chất lượng cao, hiện đại hóa logistics nội địa và thúc đẩy ngoại giao logistics. Việc kết nối các phương thức giao thông và các khu thương mại tự do trên thế giới cũng được xem là yếu tố quan trọng.
Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu với lợi thế cảng biển cần chủ động đẩy mạnh kết nối và đi đầu trong phát triển logistics. Thủ tướng kỳ vọng, với sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực từ doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số, nâng tỷ trọng GDP lên 15%, hướng tới trở thành trung tâm logistics khu vực, góp phần định hình vị thế Việt Nam trên bản đồ logistics toàn