Xây dựng Chương trình GDMN mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Quá trình xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non mới được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, đảm bảo giá trị thực tiễn khi ban hành.
Đòi hỏi của thực tế
Theo GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam, Trưởng Ban biên soạn: Định hướng xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non (GDMN) mới đưa ra cấu trúc và các điểm mới. Ví như, Chương trình được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, trong đó coi “năng lực là những gì trẻ em có thể làm được sau quá trình giáo dục".
Mặt khác, quan điểm được chú trọng của Chương trình là năng lực của trẻ em được thể hiện thành Khung kết quả mong đợi, do đó không tập trung nhiều vào nội dung giáo dục mà tập trung vào tổ chức quá trình sư phạm để giúp trẻ “tự kiến tạo mình bằng hoạt động”, chính là vui chơi và trải nghiệm.
"Chương trình GDMN mới được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng con người, tự nhiên và xã hội; đồng thời tập trung vào trẻ em - dựa trên đặc trưng phát triển của độ tuổi, kỹ năng sống cơ bản và nền tảng là yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam". GS Lê Anh Vinh nhấn mạnh.
Chương trình GDMN mới được xây dựng sẽ tạo điều kiện cho việc thực hiện mục tiêu, nội dung giáo dục theo phương thức tích hợp, đồng thời triển khai phù hợp với đối tượng người học, điều kiện cụ thể trường, lớp, địa phương và mong đợi của cộng đồng/xã hội. Mặt khác, kế thừa các ưu điểm của Chương trình GDMN hiện hành với sự cập nhật các vấn đề hiện đại trong Chương trình GDMN thế giới, phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
Đặc biệt, việc xây dựng Chương trình GDMN mới cần bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa giáo dục nhà trẻ với mẫu giáo, liên thông tốt với Chương trình GDPT 2018, hỗ trợ tích cực cho trẻ mầm non chuyển tiếp thành công vào tiểu học. Song song với xây dựng Chương trình GDMN mới cần thiết lập hệ thống đánh giá Chương trình ở cấp quốc gia, tỉnh để nâng cao hiệu quả kiểm soát chất lượng giáo dục.
"Hiến kế" xây dựng Chương trình GDMN mới
Lấy ý kiến các chuyên gia về một số nội dung, định hướng xây dựng Chương trình GDMN, dự kiến cấu trúc Chương trình GDMN, kế hoạch triển khai hoạt động... hầu hết đều ghi nhận sự bài bản, công phu trong việc xây dựng chương trình, các nội dung liên quan đã đảm bảo yếu tố liên kết của Chương trình GDMN mới và Chương trình GDPT 2018.
Vụ trưởng Vụ GDMN Nguyễn Bá Minh nhận xét: Định hướng xây dựng Chương trình GDMN được đề xuất 5 nguyên tắc, 5 quan điểm phù hợp với các quy định pháp luật và thực tiễn Việt Nam, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Những quy định trong mục tiêu, nội dung, kết quả mong đợi/yêu cầu cần đạt trong chương trình dành cho trẻ là kỳ vọng của chúng ta ở trẻ nên cần được thể hiện rõ.
Tuy nhiên, góp ý cho việc xây dựng chương trình GDMN mới, nhiều chuyên gia cho rằng Chương trình phải là pháp lệnh, cần tập trung sâu về hướng dẫn thực hiện. Việc xây dựng Chương trình có sự rà soát các quy định ở các bộ Luật liên quan. Mặt khác, quan điểm tiếp cận phải phù hợp, đặc biệt chú trọng yếu tố phù hợp trẻ mầm non. Và theo căn cứ quy định tại Luật Giáo dục và thực tiễn Việt Nam thì nhất định phải có phần nuôi dưỡng chăm sóc sức khỏe trong Chương trình.
Theo TS Đặng Lộc Thọ, thành viên Tiểu ban GDMN, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực: Chương trình khung phải phù hợp, đảm bảo tiếp cận Chương trình GDMN các nước trong khu vực, nhóm đối tượng, hoàn cảnh gia đình. Không những thế, tính kế thừa trong xây dựng Chương trình phải được tính toán kỹ, làm rõ cách tiếp cận Chương trình GDMN 2009. Đảm bảo xây dựng quyền sao cho liên thông, phù hợp với tâm lý lứa tuổi từng cấp, bậc học.
Xây dựng Chương trình GDMN mới là việc làm khó, là chương trình khung, xây dựng chuẩn đầu ra theo độ tuổi. Do đó, cần tính toán, nghiên cứu chuẩn đầu ra, chỉ số phát triển, nghiên cứu đưa vào chương trình khung. Cách tiếp cận cần thể hiện định hướng, bám sát mục tiêu đặt ra, để trẻ phát triển toàn diện. Mặt khác, "Kết quả mong đợi" chuẩn đầu ra thể hiện mục tiêu và phải có tính liên kết. Cách tiếp cận phải dựa trên vùng miền, nhóm yếu thế, trải nghiệm đối với trẻ mầm non và trách nhiệm chủ thể của gia đình... chứ không phải là người phối hợp. - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh.