Xây dựng cơ chế thực sự hữu hiệu cho công tác giám sát lãng phí của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân

Phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thành viên và Nhân dân. Bài viết đề cập đến vai trò, vị trí quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên và Nhân dân trong giám sát lãng phí, đồng thời làm rõ thêm một số nhiệm vụ, giải pháp trong phòng, chống lãng phí hiện nay.

Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan trong triển khai các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực - Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan trong triển khai các nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực - Ảnh: TTXVN

Nâng cao nhận thức về chống “giặc nội xâm”

Vừa qua, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt kết quả rất tích cực, Nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Tuy nhiên phòng, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng lãng phí diễn ra ở nhiều cấp, nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, tác động tiêu cực đến sự phát triển đất nước, không những gây lãng phí các nguồn lực, mất cơ hội và kéo chậm sự phát triển mà còn gây bức xúc và giảm lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.

Tham nhũng, lãng phí, quan liêu là “giặc nội xâm”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ” , “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”1. Đã là “giặc” thì phải toàn dân tham gia phòng, chống. Vì là “giặc nội xâm” nên rất phức tạp và cam go. Chính vì thế, phải ra sức phòng, chống, phải đặt ngang hàng như nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cơ sở chính trị và pháp lý

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ tăng cường vai trò “nòng cốt” của Mặt trận Tổ quốc để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ. Ngày 21/8/2006, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí nêu rõ: “Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên chỉ đạo thực hiện tốt công tác giám sát, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí”2.

Nghị quyết Trung ương 4 các khóa XI, XII, XIII đều xác định vai trò của Mặt trận và Nhân dân trong xây dựng, chính đốn Đảng, chống suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi rõ “Mặt trận là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân”3, có quyền và trách nhiệm phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi bổ sung năm 20184 quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, công dân trong giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó Điều 6 ghi rõ:

(1) Công dân có quyền giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua hình thức tố giác, khiếu nại, tố cáo hoặc thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; phát hiện và kịp thời phản ánh cho tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về các hành vi gây lãng phí;

(2) Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội;

(3) Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu Hội đồng nhân dân giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại địa phương theo quy định của pháp luật;

(4) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật.

Điều 72 ghi rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại cơ quan, tổ chức của nhà nước; giám sát việc xử lý hành vi gây lãng phí theo quy định của pháp luật hiện hành. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn hướng dẫn Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; Ban Chấp hành công đoàn cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước chỉ đạo Ban Thanh tra nhân dân tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước tổ chức hoạt động giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động giám sát và phản biện xã hội trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân thời gian qua

Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đã quan tâm đến phòng, chống tham nhũng, lãng phí, ban hành Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2018 - 2020 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 24/NQ-MTTW-UB ngày 22/1/2018 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định về phòng, chống lãng phí như: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn thi hành, các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chế, quy ước, hương ước... Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Nhiều tổ chức, đoàn thể có các chương trình về tiết kiệm, chống lãng phí, thân thiện với môi trường, có nhiều sáng kiến và thực hành tiết kiệm về điện, nước, vật tư, thời gian, xây dựng các sản phẩm hàng hóa giảm chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh; hình thành nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, chống lãng phí.

Đồng chí Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đại biểu các hội quần chúng về dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029. ẢNH: QUANG VINH

Đồng chí Ngô Sách Thực, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng đại biểu các hội quần chúng về dự Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029. ẢNH: QUANG VINH

Chú trọng việc vận động Nhân dân tham gia chủ động, tích cực và có hiệu quả trong việc giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện quy định về nêu gương, về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kiến nghị sửa đổi cơ chế, quy định để tạo điều kiện và phát huy tốt hơn nữa vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thông qua việc góp ý, phản biện xã hội Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, thể chế một bước nội dung, hình thức giám sát của Mặt trận trong Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi năm 2018.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp bước đầu đã chú trọng tập hợp ý kiến kiến nghị của cử tri và Nhân dân, nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả việc tham gia góp ý kiến, nhất là trước các kỳ họp Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, tập trung các lĩnh vực dễ xảy ra lãng phí như: Chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên, các quy định liên quan đến cơ chế phân cấp đầu tư, quản lý các nguồn lực, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; các dự án BOT, BT, các công trình đầu tư cả lĩnh vực công và tư chậm tiến độ hoặc không đưa vào sử dụng, gây lãng phí nhằm phát hiện những hạn chế, thiếu sót, kiến nghị khắc phục những “khe hở” dễ dẫn đến lãng phí, thất thoát, đề xuất cơ chế vận hành và hưởng lợi của người dân sau đầu tư.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tham gia phòng, chống lãng phí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn còn hạn chế. Nhiều cấp Mặt trận, các tổ chức thành viên của Mặt trận vẫn chưa thực sự quyết liệt trong việc tham gia phòng, chống lãng phí, sự phối hợp hành động phòng, chống lãng phí trong hệ thống Mặt trận chưa thật sự thống nhất, đồng bộ và hiệu quả; kết quả đạt được chưa cao; nhiều công trình, sự việc trên địa bàn rõ về lãng phí nhưng chưa có nhận diện, giám sát và kiến nghị của Mặt trận, của các tổ chức chính trị - xã hội.

Nguyên nhân chính của tình trạng trên là nhận thức về phòng, chống lãng phí chưa đầy đủ, chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền; chưa thực hiện công khai, minh bạch, nhận diện đầy đủ về lãng phí; thiếu thông tin và giải trình đầy đủ khi có ý kiến phản ánh, kiến nghị của Mặt trận, đoàn thể, người dân về địa chỉ lãng phí; chưa rõ trách nhiệm và chế tài để xảy ra lãng phí, lãng phí lớn chưa được xử lý nghiêm; chậm đưa ra các giải pháp khắc phục lãng phí, gây hoài nghi và bức xúc ở một số nơi.

Xây dựng cơ chế thực sự hữu hiệu cho giám sát lãng phí của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân

Bài viết: “Chống lãng phí” của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua rất sâu sắc và kịp thời. Lãng phí cũng nguy hại không kém tham nhũng, tiêu cực, phải tiến hành đồng thời. Đã là “giặc” thì toàn dân phải chống giặc, tính phức tạp, cam go của nó là “giặc nội xâm”, nó có ở trong mỗi con người. Mặt trận Tổ quốc có 2 nhóm nhiệm vụ quan trọng: một là, vận động toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; hai là, giám sát, phản biện xã hội để hoàn thiện thể chế, chính sách, thúc đậy cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đạt hiệu quả.

Để góp phần tích cực vào phòng, chống lãng phí, đáp ứng các yêu cầu đang đặt ra hiện nay, cần phải thực hiện tốt một số giải pháp:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp xây dựng và thực hiện tốt các kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, về mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp tham gia thực hiện, về ý thức trách nhiệm, ý nghĩa thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để mỗi cán bộ, hội viên, đoàn viên, hộ gia đình tích cực tham gia và gương mẫu thực hiện.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí như: Biên soạn, phát hành các tài liệu tuyên truyền pháp luật về phòng, chống lãng phí phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, bồi dưỡng; xây dựng và nhân rộng mô hình điểm tuyên truyền trực tiếp pháp luật về phòng, chống lãng phí cho cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống Mặt trận và Nhân dân; phối hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về phòng, chống lãng phí nhằm cung cấp thông tin, trao đổi, thảo luận, kiến nghị, đề xuất các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong các lĩnh vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí.

Hai là, xây dựng các tiêu chí, mô hình tiết kiệm, chống lãng phí, cổ vũ lan tỏa việc làm thiết thực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Cụ thể mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong tổ chức thực hiện tốt các cuộc vận động, phòng trào thi đua yêu nước của Mặt trận và các tổ chức thành viên, xuyên suốt là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng tiêu chí gia đình hạnh phúc, khu dân cư hạnh phúc, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, hình thành nếp sống văn hóa tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Hình thành lối sống, nếp sống văn minh, đáp ứng đủ nhu cầu đa dạng, ngày càng cao của con người nhưng không xa hoa, lãng phí.

Ba là, chủ động, tích cực tham gia vào việc xây dựng, phản biện xã hội nhằm góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả việc tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và về các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí như: Chính sách, pháp luật về quản lý đất đai, tài nguyên; công tác cán bộ; các quy định liên quan đến cơ chế phân công, phân cấp, xác định trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức và cá nhân; thủ tục hành chính liên quan đến thời gian, cơ hội tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn lực về đất đai, tài nguyên, nhân lực, các công trình đầu tư cả lĩnh vực công và tư nhằm phát hiện, kiến nghị hoàn thiện thể chế gắn liền với tổ chức thực hiện, rõ quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và điều kiện bảo đảm thực hiện.

Không chỉ sửa đổi các quy định của pháp luật còn bất cập, chưa đủ rõ, mà còn phải hoàn thiện các tiêu chuẩn, định mức, thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phân cấp, phân quyền, cơ hội tiếp cận và phân bổ các nguồn lực; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm, đủ mạnh mà còn phải có nhận diện cụ thể những biểu hiện lãng phí, đề ra các biện pháp kịp thời khắc phục lãng phí; hoàn thiện các quy chế, tiêu chuẩn về đạo đức, quy ước, hương ước ở khu dân cư để phát huy “tự soi”, “tự sửa” cả trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí.

Bốn là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức thành viên cần ban hành Chương trình mới về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí cho giai đoạn 2025 - 2030, đưa nhiệm vụ chống lãng phí như nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gắn liền với các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đổi mới phương thức giám sát trong việc thực hiện chính sách, pháp luật lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, các vụ việc mà dư luận và Nhân dân quan tâm, bức xúc, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân về lãng phí. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Năm là, tăng cường phối hợp và thống nhất hành động trong hệ thống Mặt trận và giữa các cơ quan, tổ chức trong hệ thống Mặt trận với các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước, cơ quan báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Bổ sung nội dung lãng phí trong Giải báo chí phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phát huy vai trò các cơ quan báo chí trong truyền thông, cổ vũ, động viên Nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; phát huy những nhân tố tích cực; trực tiếp phát hiện, đấu tranh với tham nhũng, lãng phí thông qua các tin, bài, phóng sự. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với các cơ quan báo chí trong việc trao đổi, cung cấp thông tin và phản ánh thông tin về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tổ chức thực hiện Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập 7, tr.357, 362.

2. Nghị quyết số 04-NQ/TW Ngày 21/8/2006 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

3. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015.

4. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi bổ sung năm 2018.

NGÔ SÁCH THỰC - Tiến sĩ, nguyên Phó Chủ tịch

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/giam-sat-phan-bien/xay-dung-co-che-thuc-su-huu-hieu-cho-cong-tac-giam-sat-lang-phi-cua-mat-tran-to-quoc-cac-doan-the-va-nhan-dan-59265.html