Xây dựng con người Vĩnh Phúc tiên phong, sáng tạo, khát vọng, đổi mới

Trên cơ sở kế thừa quan điểm của Đảng “Lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để xây dựng con người Vĩnh Phúc phát triển toàn diện, trong đó, phát huy những đặc tính nổi trội: Tiên phong, sáng tạo, khát vọng, đổi mới.

Đồng bào dân tộc Dao thôn Thành Công, xã Lãng Công (Sông Lô) luôn có ý thức gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Trà Hương

Đồng bào dân tộc Dao thôn Thành Công, xã Lãng Công (Sông Lô) luôn có ý thức gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ảnh: Trà Hương

Vĩnh Phúc là vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, là một trong những cái nôi của người Việt cổ gắn với nền văn hóa, văn minh sông Hồng rực rỡ. Trong tiến trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã cùng với nhân dân cả nước đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ bờ cõi, non sông.

Những giá trị lịch sử - văn hóa nhờ đó được kết tinh, bồi đắp qua thời gian, tạo thành điểm tựa, sức mạnh tinh thần để hình thành nên những đặc điểm của con người Vĩnh Phúc. Ngày nay, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển văn hóa, tạo môi trường để hoàn thiện nhân cách con người.

Năm 2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 15 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, trong đó xác định mục tiêu phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.

Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, mang phẩm chất người Việt Nam, đồng thời phát huy những đặc điểm nổi trội của người Vĩnh Phúc: Tiên phong - sáng tạo - khát vọng - đổi mới.

Sau 2 năm triển khai nghị quyết, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc trong thời kỳ mới đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, văn minh ở cơ sở, động viên nhân dân hăng hái tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đấu tranh đẩy lùi các tệ nạn xã hội và tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan.

Các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa, làng văn hóa, cơ quan văn hóa… được triển khai sâu rộng, góp phần xây dựng nên một cộng đồng văn hóa, ở đó, các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, xã hội được gìn giữ, phát huy; người dân nêu cao ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; sống yêu thương, chan hòa, giao tiếp, ứng xử có văn hóa, đoàn kết, nghĩa tình.

Năm 2024, tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh đạt trên 93%; tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa đạt trên 95%; 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng và thực hiện tốt quy định văn hóa công sở.

Hằng năm, Nhà hát nghệ thuật tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức từ 200 - 300 buổi biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim miễn phí phục vụ người dân khu vực nông thôn, miền núi và công nhân các khu công nghiệp; dàn dựng, biểu diễn nhiều vở diễn về con người và văn hóa Vĩnh Phúc như “Quốc mẫu Tây Thiên”, “Người Vĩnh Phúc”...

Qua các chương trình, vở diễn góp phần khơi gợi trong mỗi người dân niềm tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương, hướng con người đến các giá trị chân - thiện - mỹ.

Môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú còn được thể hiện qua hoạt động văn hóa ở cộng đồng. Tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao (TDTT) diễn ra sôi nổi.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 556 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ và hơn 2.000 câu lạc bộ TDTT quần chúng duy trì hoạt động thường xuyên. Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từ tỉnh đến cơ sở được xây dựng, hoàn thiện, phát huy hiệu quả.

Các thiết chế Bảo tàng, Văn miếu, Thư viện tỉnh tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và du khách; tổ chức nhiều chương trình, hoạt động giáo dục truyền thống hiếu học, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và ý chí, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ, thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Nhiều khu thiết chế văn hóa - thể thao được đầu tư, góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong nhân dân. Ảnh: Trà Hương

Nhiều khu thiết chế văn hóa - thể thao được đầu tư, góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong nhân dân. Ảnh: Trà Hương

Phong trào thể thao quần chúng phát triển mạnh mẽ, trở thành hoạt động thường xuyên của mỗi người dân, mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị. Toàn tỉnh hiện có 50% người dân tập luyện thể thao thường xuyên, 42% gia đình thể thao.

Cùng với phong trào TDTT quần chúng, thể thao thành tích cao của tỉnh cũng có những bước tiến đáng kể. Các vận động viên thể thao thành tích cao tham gia nhiều giải đấu trong nước và quốc tế, đem về nhiều huy chương danh giá.

Năm 2024, vận động viên Vĩnh Phúc tham gia thi đấu 31 giải thể thao quốc gia, quốc tế, đoạt được 208 huy chương, trong đó, 74 Huy chương Vàng, 47 Huy chương Bạc, 87 Huy chương Đồng. Việc phát triển TDTT quần chúng và thể thao thành tích cao đã góp phần nâng cao sức khỏe, thể trạng, tầm vóc của con người Vĩnh Phúc.

Môi trường văn hóa lành mạnh tạo tiền đề để xây dựng con người Vĩnh Phúc phát triển toàn diện cả về đức - trí - thể - mỹ. Các giá trị văn hóa tốt đẹp được lan tỏa trong đời sống góp phần củng cố niềm tin, tạo động lực để mỗi người dân tiếp tục hoàn thiện, phát huy bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo, tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Bạch Nga

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/123001//xay-dung-con-nguoi-vinh-phuc-tien-phong-sang-tao-khat-vong-doi-moi