Xây dựng cuộc sống không còn hủ tục

Là địa bàn xa và khó khăn nhất của huyện Sìn Hồ, xã Nậm Hăn còn tồn tại một số hủ tục, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con. Trước tình hình trên, cấp ủy, chính quyền xã vào cuộc, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để xóa bỏ hủ tục, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn.

Nhiều hủ tục lạc hậu ảnh hưởng đến cuộc sống
Đến xã Nậm Hăn, chúng tôi thấy nơi đây dù có bước chuyển mình nhưng vẫn còn gian khó từ đường giao thông nông thôn, việc lao động sản xuất, nếp sinh hoạt của người dân và nhất là khi có công, có việc là cúng bái với nhiều tục lệ rườm rà mà không mang lại kết quả. Cuộc sống thì nghèo đói, cả năm nuôi được con lợn, thu hoạch được bao thóc, bao ngô mà đem cúng bái hết.
Ở Nậm Hăn có 3 dân tộc: Thái, Dao, Khơ Mú sinh sống ở 15 bản, mỗi dân tộc có tập tục khác nhau. Điển hình như hủ tục người mất không đưa vào quan tài của người Khơ Mú. Khi có người thân qua đời, người dân để ở nhà từ 3 - 4 ngày, ngày nào cũng bón cơm, cho uống nước, trong khi đó thì người thân bày mâm cơm mời khách uống rượu ngay cạnh người đã khuất. Không có quan tài cho vào, tử thi bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường. Đến ngày đẹp, giờ đẹp mới mang đi chôn, có khi còn để 5 - 6 ngày vì chưa chọn được giờ tốt.
Hoặc là tục cấp sắc (tủ cải) của người Dao tổ chức trong 1 tuần để làm lễ trưởng thành cho người con trai. Nhà nào có con nối dõi khi đến tuổi trưởng thành phải mổ 7 - 8 con lợn, nếu không đủ lợn thì không được làm và người con đó không được coi là trưởng thành. Có lợn xong rồi mời thầy mo cúng bái làm lễ, cúng xong đa số con lợn chia hết cho thầy cúng, người nhà chỉ giữ lại một phần thịt để dùng. Trong khi đó, cả tuần liên tiếp, người nhà phải làm cơm thiết đãi người đến làm lễ, tiêu hao nhiều tiền của.

Người dân bản Co Sản (xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ) xóa bỏ hủ tục, giữ gìn nét đẹp văn hóa.

Người dân bản Co Sản (xã Nậm Hăn, huyện Sìn Hồ) xóa bỏ hủ tục, giữ gìn nét đẹp văn hóa.

Bên cạnh đó còn nhiều hủ tục như: thách cưới cao, cưới xin nhiều lần, hỏa táng đem tro cốt vào chum đặt ở kho thóc, đầu giường hoặc rượu chè bê tha, lười lao động, chỉ muốn hưởng thụ vào các nguồn hỗ trợ…
Anh Phàn A Linh (bản Co Sản) nói: Cuộc sống của dân bản nghèo khó cũng vì những hủ tục, nhiều hộ phải đi vay mượn hoặc bán con trâu, con bò, công cụ lao động là tài sản quý giá của gia đình để làm các nghi lễ. Đến khi xong xuôi thì gánh trên vai những khoản nợ, chi phí không đủ sức trả, khiến cuộc sống đã nghèo càng nghèo thêm. Chúng tôi cũng muốn bỏ lắm nhưng vì đã có từ lâu đời, nếu không làm cả bản sẽ nghi kỵ, xa lánh.
Với những quan niệm xưa cùng với trình độ nhận thức hạn chế, người dân ít được giao tiếp với bên ngoài, hiểu biết về khoa học kỹ thuật khiến hủ tục càng gắn sâu vào cuộc sống, khó “nhổ” được gốc rễ.
Xóa bỏ hủ tục,xây dựng cuộc sống văn minh
Nhận thấy hủ tục là tảng đá lớn ngăn chặn sự phát triển, cấp ủy, chính quyền xã vào cuộc yêu cầu cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu thực hiện, tuyên truyền người thân làm trước mới vận động dân bản. Cán bộ xã tăng cường xuống bản, nắm chắc tình hình cơ sở, thường xuyên họp bản, họp dân để chỉ ra tác hại của hủ tục, không chỉ làm mất đi nét văn hóa mà còn sụt giảm kinh tế, ảnh hưởng sức khỏe. Các cán bộ còn gặp già làng, trưởng bản, người có uy tín, phát huy vai trò của lực lượng này để tuyên truyền, thuyết phục người dân, đồng thời, tìm hiểu các nét văn hóa, phong tục tập quán để tham mưu, đề xuất lên UBND huyện phục dựng, duy trì. Thành lập các đội văn nghệ, khuyến khích thế hệ trẻ tham gia, khôi phục các ngành nghề truyền thống như: đan lát, rèn, may mặc và sưu tầm truyện, thơ cổ, chữ viết, nhạc cụ dân gian.
Bám dân, bám bản, không chỉ vận động dân xóa bỏ hủ tục, lưu giữ nét văn hóa mà cán bộ xã khuyến khích người dân tăng gia sản xuất, nâng cao nguồn thu nhập. Với việc đưa giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng vào sản xuất, phối hợp mở các lớp dạy nghề, dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi theo phương pháp khoa học đã từng bước thay đổi cuộc sống. Ruộng, nương được khai hoang với diện tích 530ha, lúa, ngô tăng vụ, đưa tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.465,11 tấn/năm. Xen kẽ với đó, 500ha sắn đạt năng suất 2 tấn/ha, bán trên thị trường với giá 19 nghìn đồng/kg. Chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, phương pháp thay đổi, kỹ thuật được áp dụng, nên tổng đàn gia súc, gia cầm đạt gần 18.000 con. Người dân các bản luôn đồng tâm hiệp lực, giúp nhau lúc khó khăn, ủng hộ vốn, con giống, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau làm giàu. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 48,05%, thu nhập bình quân đạt 28 triệu đồng/người/năm.
Điện lưới, sóng điện thoại phủ sóng ở các bản, người dân nắm bắt nhiều thông tin qua các thiết bị điện tử, biết về nét đẹp văn hóa của dân tộc mà chung sức bảo tồn. Các nhà văn hóa bản được tu sửa, nâng cấp, có nơi sinh hoạt cộng đồng, điểm vui chơi thể thao. Đặc biệt là 15/15 bản của xã có đội văn nghệ với thành viên ngày càng trẻ hóa. Các đội thường xuyên luyện tập, truyền dạy nhau các điệu múa, bài hát. Nhiều bạn trẻ sau khi tham gia, có sự hiểu biết đã về tuyên truyền người thân trong gia đình lưu giữ nét đẹp, xóa bỏ hủ tục. Bên cạnh đó, xã tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao giữa các bản để tăng tình đoàn kết dân tộc, đồng thời quảng bá nét văn hóa của các dân tộc trong cộng đồng. Hiện nay, toàn xã có 10/15 bản, 875/1.206 hộ đạt danh hiệu văn hóa.
Anh Lù Văn Vấn - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Để hiện thực hóa mục tiêu đến hết năm 2025, xóa bỏ trên 90% hủ tục, xã sẽ tăng cường nhiều biện pháp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, tuyên dương cá nhân, tập thể có đóng góp trong giữ gìn văn hóa truyền thống.

Thái Hà

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/v%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%81-h%C3%B4m-nay/x%C3%A2y-d%E1%BB%B1ng-cu%E1%BB%99c-s%E1%BB%91ng-kh%C3%B4ng-c%C3%B2n-h%E1%BB%A7-t%E1%BB%A5c