Xây dựng hành lang khởi nghiệp định hướng hội nhập quốc tế sâu rộng
Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã có đầy đủ các thành phần quan trọng như: Cá nhân, tổ chức khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư 'thiên thần', quỹ đầu tư mạo hiểm… Các thành tố trong hệ sinh thái như chính sách, tài chính, văn hóa, thị trường, nhân lực… ngày càng liên kết, tương tác và hỗ trợ nhau thúc đẩy tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo và sự phát triển của nền kinh tế.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đang bước vào giai đoạn hội nhập. Do đó, việc tạo dựng hành lang pháp lý để kết hợp hiệu quả nguồn lực trong nước và nước ngoài là vấn đề hết sức quan trọng.
Hệ sinh thái có tiềm năng tăng trưởng
Là start-up đoạt nhiều giải thưởng trong nước cho sản phẩm nhựa làm từ rác hữu cơ, Công ty Nhựa Sinh học BUYO đang phát triển thị trường tại châu Âu và Mỹ. Bà Đỗ Hồng Hạnh, Giám đốc công ty cho biết, thị trường nước ngoài rất tiềm năng, họ đón nhận sản phẩm, chấp nhận giá thành cao hơn và nhu cầu rất lớn, bởi sản phẩm có nguồn gốc 100% từ hữu cơ, an toàn cho môi trường.
Cũng vậy, sau bốn năm đưa sản phẩm máy lọc không khí ra thị trường trong nước, Công ty TNHH Tree OTek đang dồn lực cho việc bán sản phẩm này tới thị trường Australia, Thái Lan, Mỹ, và gọi đầu tư để mở rộng thị trường. Ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Tree OTek chia sẻ, thị trường nước ngoài dễ chấp nhận thử nghiệm những sản phẩm công nghệ mới, và đề cao tính bảo vệ môi trường, đó là thuận lợi cho các start-up khi vươn ra thị trường quốc tế.
Nhiều start-up cho biết, hội nhập là bắt buộc chứ không phải là xu hướng, bởi đi ra “biển lớn” mới nhìn thấy mình cần hoàn thiện, nâng cấp những gì, và khi sản phẩm đã phát triển ở thị trường nước ngoài sẽ dễ dàng mở rộng ở trong nước.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, đối chiếu với thang đánh giá về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Việt Nam đã trải qua ba giai đoạn: Kích hoạt, toàn cầu hóa và thu hút.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ - đơn vị chủ trì về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đang phối hợp các bộ, ban, ngành và các địa phương trên cả nước đẩy mạnh các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam đi tới giai đoạn hội nhập.
Với lực lượng lao động dồi dào, hạ tầng công nghệ ngày càng được đầu tư và phát triển, vị thế của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam ngày càng được cải thiện trên trường quốc tế. Theo Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) công bố năm 2023, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo, tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 48 lên 46 trong 132 quốc gia xếp hạng.
Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, chỉ sau Ấn Độ. Chỉ số xếp hạng của bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu StartupBlink năm 2023 cũng cho thấy, hệ sinh thái của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có những bước cải thiện, tiếp tục tăng trưởng, đưa Việt Nam xếp hạng thứ 58 trên thế giới.
Sau thời kỳ Covid-19, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam đã dần tăng trưởng trở lại, với 634 triệu USD năm 2022, và đạt 413 triệu USD trong nửa đầu năm 2023. Theo StartupBlink, với đà tăng trưởng hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có khả năng vươn lên vượt Thái Lan, trở thành hệ sinh thái đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các địa phương khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam, Nghệ An, Bình Dương, Cần Thơ… đang có tiềm năng phát triển lớn, cần được chú trọng với mục tiêu nâng cao số lượng, chất lượng khởi nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, lọt tốp các hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên toàn cầu.
Với mục tiêu hội nhập, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam hướng đến các giải pháp giải quyết các thách thức của khu vực, toàn cầu như chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải các-bon…, đồng thời tham gia các diễn đàn, sự kiện đổi mới sáng tạo quốc tế để thúc đẩy hoạt động đầu tư, chuyển giao công nghệ, gọi vốn, phát triển thị trường.
Thời gian qua, nhiều hoạt động của Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy cho mục tiêu này, như khuyến khích các sản phẩm công nghệ hướng đến phát triển bền vững tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Quốc gia); hỗ trợ kết nối với các chuyên gia nước ngoài cho các dự án “xanh” tại một số địa phương để xây dựng tổ hợp đổi mới sáng tạo mở, mở ra cơ hội cho các start-up giải quyết các bài toán của các dự án đó.
Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tiến tới tổ chức chương trình gọi vốn và ươm tạo quốc gia, đưa ra sáng kiến liên hiệp các quốc gia khởi nghiệp… Thời gian tới, Hội đồng quốc gia về Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo sẽ là động lực tạo ra những quyết sách, chính sách quốc gia tạo điều kiện cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam phát triển và hội nhập mạnh mẽ và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.
Cần chính sách đổi mới sáng tạo “mở”
Để các ý tưởng nhanh chóng được thử nghiệm và ứng dụng, các start-up đang mong chờ những chính sách đổi mới sáng tạo “mở”. Bà Đỗ Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Nhựa Sinh học BUYO chia sẻ, hiện nay, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) đang có những chính sách để cạnh tranh, thu hút các start-up công nghệ tới lập trụ sở, phòng lab, thực hiện nghiên cứu và mở rộng sản xuất, kinh doanh tại nước họ.
Châu Âu là cái nôi của những công nghệ mới, và họ đang tích cực thu hút công nghệ nhựa sinh học của Công ty Nhựa Sinh học BUYO với những chính sách hết sức hấp dẫn như: Được tài trợ 80% kinh phí lập phòng lab, hỗ trợ visa làm việc, thẻ cư trú, doanh thu tạo ra từ công nghệ mới được giảm thuế, thủ tục đăng ký sáng chế nhanh, sử dụng văn phòng làm việc miễn phí, được kết nối với các tập đoàn có nhu cầu chuyển đổi sang sử dụng vật liệu “xanh”… Từ thực tế đó, nhiều start-up cho rằng, Việt Nam đi sau càng cần những chính sách thu hút hơn để “giữ chân” được start-up và đón nhân tài nước ngoài đến khởi nghiệp.
Theo ông Chu Quang Thái, Thường trực phía nam, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, để sớm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp, hướng đến trở thành một hệ sinh thái năng động trong khu vực thì cần có chính sách ngang tầm nhiệm vụ, với cơ chế đặc thù dành riêng cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, để không chỉ tham gia sâu vào sân chơi quốc tế, xuất khẩu sản phẩm công nghệ mà còn thu hút được người tài đến Việt Nam khởi nghiệp.
Tạo ra hành lang khởi nghiệp có tính toàn cầu sẽ thúc đẩy sự gặp gỡ giữa các start-up, kết hợp nhân lực, nguồn lực bên trong và bên ngoài, phát triển các dự án chung. Từ đó tạo tác động chuyển dịch về kinh tế, giúp các nhà khởi nghiệp hiểu biết thêm về thị trường, văn hóa toàn cầu, về tiêu chuẩn quốc tế của doanh nghiệp để nâng cấp, hoàn thiện và hội nhập.
Cục trưởng Phạm Hồng Quất cho biết, nhiều nước đã có những chính sách đặc thù, chính sách đổi mới sáng tạo vùng để tận dụng nguồn lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thí dụ như thành phố Toronto và Vancouver (Canada) liên kết vùng trở thành thị trường hấp dẫn cho nhà đầu tư và khởi nghiệp quốc tế; liên kết giữa các nước như New Zealand và Australia; giữa Singapore, Philipines và Indonesia… để tạo thị trường chung, hệ sinh thái khởi nghiệp chung.
Theo xu thế này, thời gian qua, Việt Nam đã có những cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như: Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó đưa ra các cơ chế chính sách đặc thù hội nhập với khu vực, thế giới, thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, cho khởi nghiệp sáng tạo, cơ chế đặc thù cho các sáng lập viên, huấn luyện viên khởi nghiệp sáng tạo…
Các nghị quyết phát triển kinh tế-xã hội vùng của Trung ương đều nhấn mạnh xây dựng các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo vùng để liên kết vùng, tối ưu hóa nguồn lực. Việc tham gia các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở nước ngoài cũng để hội nhập về cơ chế chính sách.
Tuy nhiên, cần có những chính sách đủ hấp dẫn để hội nhập với xu hướng hiện nay của thế giới như: thúc đẩy start-up tham gia vào hệ sinh thái của các tập đoàn công nghệ thế giới; hình thành các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ (spin-off) tại các viện nghiên cứu, trường đại học; thúc đẩy chuyển đổi số gắn liền với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; xây dựng cơ chế thử nghiệm, thí điểm các sản phẩm, dịch vụ mới (sand-box)…
Các chuyên gia nhấn mạnh, muốn phát triển ra nước ngoài, gọi vốn thành công thì start-up cần nâng cao năng lực, nhìn nhận vấn đề của khu vực, toàn cầu để đưa ra các giải pháp giải quyết; tập hợp lực lượng start-up quốc gia giải quyết bài toán quốc tế.
Xu hướng của một số nước là các tập đoàn, tổ chức đưa ra nhiều thách thức đổi mới sáng tạo để start-up xác định được thị trường, tranh thủ được nguồn lực từ các tập đoàn, tổ chức đó. Đó cũng là cơ hội để start-up Việt Nam tham gia. Ngoài ra, cần tạo ra các hạ tầng khởi nghiệp, trong đó quan trọng nhất là thị trường vốn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.