Xây dựng huyện Lạng Giang trở thành đô thị xanh, giàu bản sắc

Ngày 28/2, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị tư vấn, phản biện Đề án định dạng và phát triển thương hiệu, xây dựng huyện Lạng Giang trở thành đô thị xanh, giàu bản sắc. Đồng chí Ngô Chí Vinh, Chủ tịch Liên hiệp hội chủ trì.

Đồng chí Ngô Chí Vinh chủ trì hội thảo.

Đồng chí Ngô Chí Vinh chủ trì hội thảo.

Theo đồng chí Thân Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạng Giang, Đề án nhằm xây dựng huyện theo định hướng riêng, tận dụng điều kiện sinh thái đa dạng độc đáo và con người trong hệ sinh thái đó, định hướng phát triển Lạng Giang trở thành đô thị xanh; đồng thời là một trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa phía Bắc của tỉnh.

Tại đây, các đại biểu đánh giá Đề án cơ bản phù hợp với Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phù hợp với xu thế phát triển chung của đất nước và thế giới.

Đề án đã đề xuất được định dạng thương hiệu Lạng Giang “Xanh từ cội nguồn, sáng tới tương lai”; đề xuất các nội dung định vị thương hiệu.

Tuy nhiên, về sự cần thiết lập Đề án mới chỉ nêu định tính, chưa có định lượng; cần bổ sung làm rõ hiện trạng thu hút đầu tư hiện nay, so với tiềm năng thế mạnh, mong muốn thu hút đầu tư trong thời gian tới (đến năm 2030) là bao nhiêu?

Các đại biểu cũng nhấn mạnh, Đề án cần bổ sung, làm rõ số lượng khách du lịch hiện tại, mong muốn khách du lịch trong thời gian tới. Bổ sung giá trị xuất nhập khẩu hiện tại, mong muốn kim ngạch xuất nhập khẩu trong thời gian tới…

Về mục tiêu Đề án, theo đại biểu Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các mục tiêu cần có định lượng rõ ràng. Trong đó tập trung vào thu hút nhà đầu tư kinh doanh; thu hút khách du lịch; tăng lượng xuất khẩu hàng hóa; thu hút dân cư về địa phương sinh sống.

Đồng chí Nguyễn Cường phát biểu tại hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Cường phát biểu tại hội thảo.

Về định vị thương hiệu cần kết cấu lại. Đối với Lạng Giang nên định vị thương hiệu một số nội dung như: Thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, logistics xanh; xây dựng phát triển đô thị xanh; phát triển nông nghiệp sạch, sinh thái; phát triển các khu du lịch sinh thái, tâm linh gắn với các lễ hội; sản phẩm đặc trưng của địa phương. Bổ sung nội dung thiết kế thương hiệu, nghiên cứu đưa ra khẩu hiệu đặc trưng (Slogan).

Theo đánh giá của PGS.TS Bùi Thanh Thủy, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, việc định vị thương hiệu rất khó, cần có mục tiêu, giải pháp theo từng giai đoạn, nhất là cân đối giữa giải pháp phát triển công nghiệp, kinh tế với giải pháp phát triển xanh.

Việc lấy văn hóa gắn với cây xanh làm nền tảng để xây dựng huyện Lạng Giang sáng, xanh, giàu bản sắc, là điểm đến, là nơi đáng sống thì cần tập trung vào yếu tố như quy hoạch vùng trồng cây, công viên xanh, bảo tồn di tích lịch sử địa phương gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Các đại biểu cũng đề nghị làm rõ phạm vi, đối tượng nghiên cứu; đánh giá đầy đủ yếu tố hội tụ thương hiệu Lạng Giang như danh thắng, con người, lịch sử văn hóa, hạ tầng, sản phẩm dịch vụ… Qua đó đưa ra được bộ nhận diện thương hiệu cho địa phương.

Qua các ý kiến thảo luận, đồng chí Ngô Chí Vinh đề nghị đơn vị chủ trì giải trình, tiếp thu nội dung đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia; đồng thời sớm chỉnh sửa, hoàn thiện Đề án.

Tin, ảnh: Trung Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/khoa-hoc-cong-nghe/419942/xay-dung-huyen-lang-giang-tro-thanh-do-thi-xanh-giau-ban-sac.html