Xây dựng khung pháp lý để áp thuế tài sản số

Theo ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, tài sản số sắp tới sẽ là xu hướng tại Việt Nam. Hiện nay có nhiều giao dịch liên quan đến tài sản số, về nguyên tắc các giao dịch ấy cũng như các hàng hóa khác phải nộp thuế. Trong khi đó, nghĩa vụ thuế liên quan đến tài sản số cùng nhiều nội dung được nêu ra trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Chính vì vậy, cơ quan nhà nước cần nghiên cứu xây dựng khung pháp lý để áp thuế tài sản số.

Tài sản số có thể được luật hóa trong Luật Công nghiệp công nghệ số. Ảnh tư liệu

Tài sản số có thể được luật hóa trong Luật Công nghiệp công nghệ số. Ảnh tư liệu

Tài sản số đã đạt mức 120 tỷ USD

Tại tọa đàm "Chính sách thuế - tài sản số và trách nhiệm của doanh nghiệp" được tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung đã phác họa bức tranh về tài sản số hiện nay tại Việt Nam.

Ông Trung cho hay, có rất nhiều con số nói về tài sản số tại Việt Nam, điển hình theo báo cáo của tổ chức Chainalysis chuyên về phân tích thị trường, năm 2022, dòng tài sản số hay là tài sản mã hóa vào thị trường Việt Nam khoảng 100 tỷ USD. Con số này tăng trưởng đến năm 2023 là 120 tỷ USD. Năm 2021 - 2022, Việt Nam luôn nằm trong top 3 trên toàn cầu về người dân sở hữu tài sản số (nghĩa là 21% dân số Việt Nam), chỉ sau UAE và Hoa Kỳ. Năm 2023, Việt Nam tụt 5 hạng, đứng thứ 7. Đặc biệt, 2 quốc gia nhỏ, sát với chúng ta là Thái Lan và Singapo đã vươn lên đứng thứ 5 và 3.

CẦN SỰ THAM GIA CỦA NHIỀU BỘ, NGÀNH

Tài sản số có thể sử dụng với nhiều mục tiêu khác nhau. Để quản lý được vấn đề này, chúng ta thừa nhận và quản lý nó như tài sản thì đòi hỏi không chỉ sự tham gia của Bộ Tài chính mà của rất nhiều bộ, ngành có liên quan và phía Bộ Tài chính, trường hợp dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính sẽ triển khai thực hiện các vấn đề liên quan, bao gồm cả hoàn thiện chính sách về thuế - Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính)

Để quản trị dòng tiền này, rất nhiều quốc gia trong khu vực ban hành luật lệ, chính sách để thúc đẩy, tạo ra hành lang pháp lý cho những dòng tài sản này đóng góp vào nền kinh tế mang giá trị tích cực, chứ không thể có cách nhìn tiêu cực làm ảnh hưởng tới ổn định kinh tế từng quốc gia nói riêng. Nắm bắt xu thế này, Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi các cấp, các ngành đối với dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số để trình Quốc hội xem xét và thông qua vào kỳ họp sắp tới.

Dự thảo luật này có nhiều điểm nổi bật về quản lý, hành lang pháp lý, phát triển công nghệ số, trong đó tài sản số lần đầu tiên được định nghĩa tại Điều 8 của dự thảo luật. Theo đó, dự thảo luật khẳng định: "Tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan". Quy định của luật về tài sản số dự kiến được ban hành cũng đặt ra các yêu cầu quan trọng trong việc hoàn thiện các hành lang pháp lý đầy đủ, đi cùng với các quy định về quyền sở hữu, nghĩa vụ thuế của các cá nhân, tổ chức hoạt động trong ngành.

Đồng thuận với quan điểm nêu trên, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, một trong những điểm mới và tương đối nổi bật trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số là: Lần đầu tiên đưa ra khái niệm về tài sản số. Mặc dù tài sản số hay tiền ảo trên thực tiễn đã rất phát triển, nhưng về mặt pháp lý, Việt Nam chưa có một khung khổ pháp lý cho loại tài sản này. Chính vì thế, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số lần đầu tiên tại Điều 8 có quy định về tài sản số.

“Theo chúng tôi, khi có khung khổ chính thức thì hoạt động đầu tư kinh doanh theo lĩnh vực này mới có thể hình thành và phát triển được. Đã có rất nhiều giao dịch liên quan tới tài sản số, nếu chúng ta chưa có khung khổ pháp lý thì giao dịch này trở nên rủi ro, mong manh, những người liên quan không được bảo vệ. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng, nhu cầu có khung khổ pháp lý cho tài sản số, cho các giao dịch liên quan tới tài sản số là điều Việt Nam cần cân nhắc và nhanh chóng thúc đẩy” - ông Tuấn nói.

Đã đến lúc phải đánh thuế

Theo Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số có nêu: "Bộ Tài chính chủ trì với các cơ quan ngành ban hành, hoặc xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định quản lý tài sản số, tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số".

Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện nay nước ta chưa có khung pháp lý liên quan đến tài sản số, nhưng các giao dịch về tài sản số vẫn diễn ra thông qua sàn giao dịch nước ngoài và cá nhân. Vì vậy, cần thiết phải có khung pháp lý liên quan đến tài sản số. Trong đó, phải xác định và làm rõ được định nghĩa tài sản số là gì, cũng như vị trí pháp lý của tài sản số và những đặc trưng, đặc tính của tài sản số. Như vậy, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan mới có các biện pháp, chính sách để hình thành khung pháp lý đồng bộ.

Đề cập đến việc xây dựng khung pháp lý để áp thuế tài sản số, ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ, đối với vấn đề mới như tài sản số, trước hết phải khẳng định đây là tài sản không bị pháp luật cấm giao dịch, cấm sở hữu hay cấm đề cập đến. Người dân, doanh nghiệp được làm những việc mà pháp luật không cấm. Nhưng sẽ phát sinh một điều, mặc dù có giao dịch, có thu nhập từ giao dịch ấy nhưng không thu thuế được.

"Từ nhu cầu thực tế, đã đến lúc chúng ta phải tính chuyện đánh thuế. Vì có những người sở hữu tài sản ấy, có nhiều người thu nhập rất lớn từ tài sản ấy, mà về nguyên tắc một người đang sinh sống ở Việt Nam phải có trách nhiệm đóng thuế phần thu nhập. Hiện nay, có những giao dịch liên quan đến tài sản số. Về nguyên tắc, các giao dịch ấy cũng như các hàng hóa khác phải nộp thuế. Chúng ta có thuế GTGT, đối với lĩnh vực này, nếu đây được coi là tài sản thì Nhà nước có thể thu thuế giao dịch, thuế thu nhập. Chúng tôi cho rằng đây cũng là nhu cầu rất chính đáng từ thực tiễn” - ông Đậu Anh Tuấn khẳng định.

Doanh nghiệp mong sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam mong muốn, hành lang pháp lý về tài sản số sớm được hoàn thiện.

Đồng thuận quan điểm này, ông Trần Huyền Dinh - CEO Công ty AlphaTrue cũng chia sẻ, trong thời gian qua, doanh nghiệp đã nhận được khá nhiều sự quan tâm từ Chính phủ, thông qua các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, cũng như phát triển kinh tế số, đơn cử Quyết định 194/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm giúp Việt Nam ra khỏi danh sách xám, dự thảo Nghị định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát - Sandbox cho ngành Fintech tại Việt Nam và đặc biệt là dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn đáng kể trong lĩnh vực tài sản số. Theo ông Dinh, hiện nay, hành lang pháp lý về tài sản số chưa được hoàn thiện, cho nên dẫn đến tình trạng thiếu rõ ràng trong việc xác lập quyền sở hữu và trách nhiệm thuế của doanh nghiệp. Rất nhiều trường hợp doanh nghiệp để phát triển dễ dàng hơn buộc phải qua các địa bàn lân cận như Singapore, Hong Kong. Điều này không chỉ tạo ra thách thức cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật, mà còn gây khó khăn trong việc thu hút vốn, đặc biệt vốn đầu tư nước ngoài.

Đối với dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và các luật liên quan đến tài sản số sắp tới, đại diện AlphaTrue kỳ vọng, các quy định này sẽ mang lại sự minh bạch, cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đồng thời hạn chế sự chảy máu chất xám, cũng như thu hút nhiều dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam. Doanh nghiệp mong muốn thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình cho các doanh nghiệp thử nghiệm, cũng như ứng dụng công nghệ mới, có sự kiểm soát nhất định./.

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xay-dung-khung-phap-ly-de-ap-thue-tai-san-so-157920-157920.html