Xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) để giải quyết kịp thời các hạn chế, bất cập của thực tiễn

Việc xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) là rất cần thiết nhằm giải quyết kịp thời các hạn chế, vướng mắc, bất cập trong các quy định của Luật; xác định và đề cao trách nhiệm của cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm, nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn và chất lượng sản phẩm thực phẩm...

Chiều 21/7, tại trụ sở Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Phó Tổ trưởng Thường trực Tổ soạn thảo dự án Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) đã chủ trì hội nghị trực tiếp và trực tuyến góp ý về hồ sơ xây dựng Luật.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì điểm cẩu Bộ Y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì điểm cẩu Bộ Y tế.

Tham dự hội nghị, tại điểm cầu trực tiếp có các đại biểu lãnh đạo đại diện một số Bộ thuộc Trung ương, Văn phòng Chính phủ; các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; các thành viên Tổ soạn thảo và Tổ biệt phái Bộ Y tế. Tại các điểm cầu trực tuyến có đại diện lãnh đạo UBND, lãnh đạo các Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh, thành phố.

Tại hội nghị, sau khi nghe đại diện Cục An toàn thực phẩm trình bày tóm tắt nội dung dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) và báo cáo các bước quy trình thực hiện xây dựng Luật, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý về nội dung Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) .

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu.

Theo dự thảo, Luật An toàn thực phẩm sửa đổi gồm 11 Chương, 51 Điều. Ngoài Quy định chung và Điều khoản thi hành, Luật quy định những vấn đề về: Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn, chất lượng; điều kiện của cơ sở kinh doanh; nhập khẩu và xuất khẩu; quảng cáo, ghi nhãn; kiểm nghiệm; phân tích và quản lý nguy cơ và khắc phục cự cố đối với thực phẩm, nguyên liệu làm thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến làm thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; Quản lý Nhà nước về thực phẩm.

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Minh Hằng thay mặt tổ soạn thảo báo cáo dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi).

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Minh Hằng thay mặt tổ soạn thảo báo cáo dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, để triển khai xây dựng Luật An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã nhanh chóng ban hành kế hoạch, xây dựng đề cương và có báo cáo đánh giá tổng kết 12 năm thực hiện Luật. Đến thời điểm này, Bộ Y tế - ban soạn thảo đã hoàn thiện dự thảo Luật An toàn thực phẩm phiên bản lần thứ 6.

"Hiện dự thảo Luật đã được đăng tải và xin ý kiến rộng rãi trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế, gửi tới các Bộ, ban, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết và nhấn mạnh: trong hội nghị đã có 20 ý kiến góp ý của các đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, đề nghị Tổ biên tập, Tổ biệt phái của Bộ Y tế tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu để bổ sung dự thảo; chủ động phân công, phân cấp cho các thành viên và xây dựng dự thảo Nghị định kèm theo Dự án Luật để trình Chính phủ và Quốc hội.

Đại biểu các bộ, ngành phát biểu.

Đại biểu các bộ, ngành phát biểu.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục nghiên cứu, tham gia ý kiến góp ý cho dự thảo Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi); các Sở Y tế tỉnh, thành phố khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố có văn bản tham gia góp ý cho Dự thảo gửi về Bộ Y tế để Bộ tổng hợp, báo cáo Chính phủ theo kịp tiến độ.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng lưu ý trong dự thảo luật cần chú ý nghiên cứu những vấn đề cụ thể về đầu mối quản lý an toàn thực phẩm; vấn đề cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, hậu kiểm, cấp phép lưu hành thực phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực: Cơ sở dữ liệu, đánh giá nguy cơ, cảnh báo… phù hợp với chính quyền địa phương hai cấp; đưa vào Luật cả hai yếu tố: Đảm bảo an toàn và đảm bảo chất lượng thực phẩm; vấn đề quảng cáo; tăng cường xử phạt hành chính; quản lý về kinh doanh điện tử; trách nhiệm của các Bộ, ngành trong tổ chức thực hiện…

Theo Kế hoạch, Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2025.

Các điểm cầu kết nối hội nghị.

Các điểm cầu kết nối hội nghị.

Theo Bộ Y tế, sau hơn 15 năm thi hành, Luật An toàn thực phẩm đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện đã phát sinh một số tồn tại, vướng mắc, bất cập:

Thứ nhất, một số quy định còn chưa bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, không còn bảo đảm tính khả thi trên thực tiễn.

Thứ hai, hệ thống quản lý chưa kiểm soát được chất lượng của sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chức năng trong quá trình sản xuất, lưu thông trên thị trường.

Thứ ba, hệ thống quản lý, mô hình tổ chức bộ máy quản lý về an toàn thực phẩm trên toàn quốc chưa tinh gọn, thống nhất, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao.

Thứ tư, công tác hậu kiểm, kiểm tra, giám sát sau khi thực phẩm tự công bố và đăng ký bản công bố còn chưa thường xuyên; tình trạng thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng diễn ra phổ biến gây bức xúc dư luận trong thời gian vừa qua.

Thứ năm, còn thiếu cơ chế để cơ quan nhà nước thu hồi các giấy chứng nhận đã cấp hoặc tạm dừng cung cấp các dịch vụ công khi tổ chức, cá nhân bị phát hiện vi phạm.

Thứ sáu, chưa quy định tổ chức, cá nhân đứng tên công bố sản phẩm là tổ chức, cá nhân kinh doanh, sản xuất thực phẩm và phải chịu trách nhiệm đến cùng về an toàn, chất lượng sản phẩm thực phẩm khi được lưu thông trên thị trường. Trường hợp cơ sở sản xuất không đứng tên công bố phải ủy quyền cho cơ sở khác và vẫn phải chịu trách nhiệm đến cùng về sản phẩm do cơ sở mình sản xuất.

Thứ bảy, chưa quy định doanh nghiệp bắt buộc phải đáp ứng quy định về áp dụng các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến trong sản xuất (HACCP) đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, thực phẩm bổ sung...

Do đó, việc xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi) là rất cần thiết nhằm giải quyết kịp thời các hạn chế, vướng mắc, bất cập trong các quy định của Luật; xác định và đề cao trách nhiệm của cơ quan quản lý, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm, nâng cao hiệu quả bảo đảm an toàn và chất lượng sản phẩm thực phẩm.

Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về quản lý thực phẩm, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thái Bình/Ảnh: Trần Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/xay-dung-luat-an-toan-thuc-pham-sua-doi-de-giai-quyet-kip-thoi-cac-han-che-bat-cap-cua-thuc-tien-169250722002156022.htm