Xây dựng luật để không đẩy khó khăn cho người dân, doanh nghiệp
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu, công tác xây dựng pháp luật phải luôn bám sát thực tiễn, nâng cao năng lực phản ứng chính sách, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.
Thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, phục vụ kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là điều được lãnh đạo Đảng, Nhà nước xác định. Trung ương cũng đã ra nhiều quyết sách quan trọng để Quốc hội (QH) thể chế hóa nhằm phục vụ tốt nhất công cuộc này.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM trước thềm kỳ họp bất thường lần thứ 9, QH khóa XV, đại biểu QH Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, cho hay mục tiêu hướng đến của lập pháp là đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả nhằm tạo lập hệ thống pháp luật hoàn thiện, bảo đảm nền tảng pháp lý vững chắc, tạo động lực mạnh mẽ, bứt phá cho phát triển.
![Đại biểu QH Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_114_51452710/ad418fd5b99b50c5098a.jpg)
Đại biểu QH Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH.
Chính sách phải phản ánh kịp thời thực tiễn
. Phóng viên: Các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của QH thời gian qua được bổ sung liên tục cho phù hợp thực tiễn. Theo ông, đây là sự thay đổi về tư duy hay kỹ thuật lập pháp?
+ Đại biểu QH Hoàng Minh Hiếu: Điểm đặc biệt của giai đoạn hiện nay là việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật được xác định mục tiêu rõ ràng nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Yêu cầu đổi mới mạnh mẽ tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Công tác xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, nâng cao năng lực phản ứng chính sách và giải quyết hiệu quả, kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra, lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm, chủ thể. Cùng với đó, bảo đảm cơ sở pháp lý và các điều kiện để đẩy mạnh thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền; cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ. Phải dứt khoát bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, không đẩy khó khăn cho người dân, DN trong ban hành và tổ chức thi hành pháp luật.
Một số kỹ thuật lập pháp cũng được tăng cường sử dụng để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản luật, nghị quyết. Chẳng hạn như lần đầu tiên trong nhiệm kỳ này QH đã tổ chức các kỳ họp QH bất thường để thông qua các dự án luật, trong đó có những dự án luật rất quan trọng như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng…
Kỹ thuật dùng một luật sửa nhiều luật cũng được ưu tiên sử dụng để sửa đổi, bổ sung đồng thời một số nội dung có liên quan, ví dụ như một luật sửa các luật liên quan đến đầu tư, một luật sửa các luật liên quan đến tài chính - ngân sách…
![Quy trình xây dựng pháp luật cần tối ưu hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: NGUYỆT NHI](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_114_51452710/327a13ee25a0ccfe95b1.jpg)
Quy trình xây dựng pháp luật cần tối ưu hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: NGUYỆT NHI
Bảo đảm tính dự đoán của luật pháp
. Trung ương, Chính phủ, QH đã xác định cách thức xây dựng pháp luật rằng luật chỉ quy định những nguyên tắc chung, còn những gì biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ linh hoạt điều hành.
+ Mục tiêu chính của định hướng này là để bảo đảm tính ổn định của luật pháp, đồng thời cho phép điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội.
Về nguyên tắc, luật quy định những vấn đề nền tảng, mang tính ổn định lâu dài, có tác động sâu rộng đến xã hội như quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người dân, nguyên tắc quản lý nhà nước, định hướng chính sách… Chính phủ có nhiệm vụ tổ chức thi hành luật và có quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn, cụ thể hóa luật, quy định những nội dung có tính chất kỹ thuật, thường xuyên thay đổi theo thực tiễn.
Luật quy định những vấn đề cơ bản nhưng cần đủ chi tiết để bảo đảm tính dự đoán trước của pháp luật, tránh việc Chính phủ phải ban hành quá nhiều văn bản hướng dẫn, thiếu minh bạch, khó thực thi, gây rủi ro pháp lý cho DN và người dân.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế để giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thông qua quá trình điều hành nền kinh tế, Chính phủ cần tăng cường việc rà soát, đánh giá và báo cáo QH về việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật theo định kỳ hoặc theo yêu cầu để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của luật khi cần thiết.
Phân định rõ tồn tại, điểm nghẽn khi xây dựng luật
Lập pháp là một công việc hết sức phức tạp, từ quy trình, thủ tục cho đến nội dung của các chính sách. Do vậy, xây dựng pháp luật cần phải xuất phát từ việc phân định rõ những tồn tại, điểm nghẽn trong thực tế.
Từ đó, xác định rõ mục tiêu của chính sách cần điều chỉnh, tiến hành phân tích và hoạch định chính sách dựa trên những số liệu, chứng cứ khoa học cụ thể để tìm ra những giải pháp chính sách phù hợp nhất.
Quá trình này cần có những chuyên gia giỏi, có năng lực chuyên sâu cả về nội dung được luật điều chỉnh và cả về khoa học pháp lý.
Đại biểu QH HOÀNG MINH HIẾU
. Theo ông, năm 2025, công tác lập pháp cần đặt trọng tâm vào những lĩnh vực nào, những khâu nào để thực sự thúc đẩy đất nước cất cánh?
+ Với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 đã được QH thông qua và những định hướng gần đây có thể nhận thấy trọng tâm hoạt động lập pháp trong năm nay là các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết tập trung vào việc phục vụ việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng xây dựng bộ máy “tinh gọn, mạnh”. Đồng thời, tập trung thể chế hóa các quy định của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trong quá trình xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, cần tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ, thời gian và chi phí cho người dân và DN. Bên cạnh đó là có các giải pháp ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư, phát triển DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa; chủ động để kịp thời đón bắt những xu thế mới trong sự phát triển khoa học công nghệ trên thế giới.
Đặc biệt, trong số các dự án luật này chúng tôi mong chờ những cải tiến, đổi mới về quy trình xây dựng pháp luật được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Theo đó, mục tiêu hướng đến là đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả nhằm tạo lập hệ thống pháp luật hoàn thiện, bảo đảm nền tảng pháp lý vững chắc, tạo động lực mạnh mẽ, bứt phá cho phát triển.
. Xin cảm ơn ông.
Hoàn thiện thể chế, pháp luật
Chúng ta phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Trong đó, một số luật như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi)… cần tiếp tục được rà soát, sửa đổi.
Đồng thời, cần tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số. Chủ động, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Đối với các thị trường như tài chính, chứng khoán, khoa học công nghệ, lao động, bất động sản, cần tạo khung khổ pháp lý phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả.
Đặc biệt, ngoài việc hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phục vụ triển khai cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước thì cần ban hành ngay cơ chế, chính sách đủ mạnh, quy định pháp luật cụ thể, minh bạch để khắc phục, xử lý tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, tạo không gian sáng tạo.
Các cơ chế này cũng đồng thời phải khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG