Xây dựng Luật Nhà giáo để thực hiện những nhiệm vụ vẻ vang của ngành Giáo dục
Sáng 19/1, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng Luật Nhà giáo tại TPHCM.
Dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Giám đốc Đại học Quốc gia Vũ Hải Quân và đại diện các trường đại học, cao đẳng sư phạm.
Xây dựng nguồn nhân lực cho tương lai
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, nhà giáo giữ vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo.
Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng đã xác định ba khâu đột phá chiến lược của nước ta: Hoàn thiện đồng bộ thể chế; xây dựng hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông; xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ở cả ba khâu này, nguồn nhân lực là yếu tố rất quan trọng.
Đối với ngành giáo dục, để có học sinh giỏi, nguồn nhân lực tốt góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, cần có những thầy cô giáo tốt. Do đó, xây dựng đội ngũ nhà giáo chính là xây dựng nguồn nhân lực cho tương lai.
Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT xác định việc xây dựng Luật Nhà giáo là nhiệm vụ quan trọng, phải tiến hành sớm trong nhiệm kỳ này.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, việc xây dựng Luật Nhà giáo là nhiệm vụ khó khăn bởi đây là việc xây dựng một luật mới, không phải là sửa đổi, bổ sung. Ngoài ra, nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nhà giáo như Luật Viên chức, Bộ luật Lao động…Theo thống kê, có gần 200 văn bản liên quan đến nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Thứ trưởng cũng phân tích những nội dung cơ bản trong việc xây dựng Luật Nhà giáo. Chẳng hạn, với nội dung định danh nhà giáo, cần làm rõ đặc trưng giữa nhà giáo trong khối chính quyền, khối tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, quan điểm cốt lõi trong việc xây dựng Luật Nhà giáo là tạo điều kiện để phát triển nhà giáo về số lượng, chất lượng, cơ chế chính sách; không phải là quản lý nhà giáo. Việc này cũng phải đặt trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo…để có những quy định phù hợp.
Thứ trưởng cho biết, thời gian cho việc xây dựng Luật Nhà giáo không còn nhiều. Dự kiến khoảng cuối tháng 3/2024, toàn bộ hồ sơ xây dựng Luật Nhà giáo phải được hoàn thiện, gửi về Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, sau đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“Chúng ta đang xây dựng luật cho đội ngũ của mình. Việc này không chỉ là trước mắt mà còn lâu dài, để phát triển đội ngũ, phát triển lực lượng trong ngành, thực hiện những nhiệm vụ hết sức vẻ vang, cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao. Đó là đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo mục tiêu mà các kỳ đại hội Đảng đã nêu”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
Dự kiến có giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo
Tại hội nghị, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) báo cáo đề dẫn hội thảo tham vấn chuyên môn về việc xây dựng Luật Nhà giáo.
Ông Vũ Minh Đức khẳng định việc xây dựng Luật Nhà giáo rất cần thiết, xuất phát từ vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo với sự nghiệp giáo dục. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo trong việc xây dựng luật này.
Tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thường trực Chính phủ về đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT tập trung thực hiện 9 nội dung khi xây dựng Luật Nhà giáo.
Các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng đã thể hiện quan điểm, sự quyết tâm của Chính phủ trong thể chế hóa các chủ trương của Đảng về nhà giáo, tháo gỡ các vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và kiến tạo các chính sách mới nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà giáo phát triển.
Bộ GD&ĐT đề xuất 5 chính sách đã được Chính phủ thống nhất thông qua tại Nghị quyết 95-NQ/CP ngày 7/7/2023, bao gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo tạo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.
Trong đó, chính sách định danh nhà giáo nhằm định nghĩa tường minh về nhà giáo, xác định rõ vị trí, vai trò của nhà giáo và tính đặc trưng trong hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo khác biệt so với các ngành nghề khác. Việc này làm căn cứ xây dựng các chế độ, chính sách tương xứng, phù hợp với nhà giáo.
Chính sách này cũng nhấn mạnh hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo là đặc biệt, có sản phẩm là nhân cách người học; có tính chuyên nghiệp trong việc dạy học, tổ chức, hướng dẫn, tư vấn việc tìm kiếm tri thức,…
Về chính sách tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo là điểm mới dự kiến được đưa vào luật.
Theo đó, giấy chứng nhận này là văn bản do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo; thay thế cho quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhà giáo hiện nay.
Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo được cấp miễn phí và có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam.
Liên quan đến chế độ làm việc, theo chính sách được Bộ GD&ĐT đề xuất, hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo được thể hiện thành chế độ làm việc đối với nhà giáo từng cấp học, trình độ đào tạo và được quy đổi đảm bảo thời giờ làm việc 40 giờ/tuần.
Trong đó, thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo (kể cả nhà giáo giữ chức vụ quản lý) bao gồm: nghỉ hè 8 tuần thay cho nghỉ hàng năm theo quy định của bộ luật Lao động. Việc bố trí 8 tuần nghỉ hè hàng năm do cơ sở giáo dục quy định trong kế hoạch giáo dục hàng năm phù hợp điều kiện cơ sở giáo dục.
Băn khoăn về định danh, chế độ nhà giáo
Góp ý nội dung dự kiến quy định tại Luật Nhà giáo, lãnh đạo các trường đại học tập trung vào nội dung định danh nhà giáo, chuẩn nghề nghiệp, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, chế độ làm việc…
ThS Nguyễn Hải Ninh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen đề xuất Luật Nhà giáo nên làm rõ khái niệm nhà giáo áp dụng với cán bộ quản lý ở các trường đại học.
Theo dự kiến, chức danh nhà giáo với giảng viên ở khối công lập gồm: giảng viên, giảng viên chính, giảng viên cao cấp. Ông Ninh đề nghị nên đưa quy định này áp dụng cho cả khối đại học tư thục, bởi hoạt động trao đổi giảng dạy giữa 2 khối trường này hiện diễn ra khá mạnh.
TS Diệp Phương Chi, Giảng viên chính - Viện Sư phạm Kỹ thuật (Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM) đóng góp ý kiến về bồi dưỡng nhà giáo.
Theo TS Chi, do công tác bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng mới cho nhà giáo là giáo viên và nhà giáo là giảng viên khác nhau về nội dung, phương thức và hình thức bồi dưỡng nên luật cần có những quy định chung và riêng cho hai nhóm nhà giáo.
Với nhóm nhà giáo là giảng viên, Luật Nhà giáo nên có quy định rõ về các lĩnh vực bồi dưỡng gắn với đặc điểm 3 nhiệm vụ cơ bản của giảng viên là giảng dạy, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
PGS. TS Lê Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Ngoại thương góp ý về quy định đào tạo nhà giáo; hợp tác quốc tế; chế độ làm việc.
Trong đó, với trường tự chủ, việc quy định học phí đào tạo giảng viên do cơ sở giáo dục chi trả là không phù hợp, khó triển khai thực hiện. PGS Thủy cho rằng, nên quy định việc này là hỗ trợ sẽ hợp lý. Tại Trường Đại học Ngoại thương, giảng viên đào tạo ở nước ngoài được hỗ trợ mức tối đa bằng chi phí đào tạo thạc sĩ.
Hội thảo nhận được 12 ý kiến đóng góp từ lãnh đạo các trường đại học. Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận và đánh giá, hầu hết các ý kiến đóng góp xây dựng Luật Nhà giáo đều tâm huyết, chất lượng.
Thứ trưởng đề nghị Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện các quy định dự thảo Luật Nhà giáo. Khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, dự thảo sẽ được đăng tải, lấy ý kiến rộng rãi.