Xây dựng mô hình bảo tàng, phát huy giá trị văn hóa làng nghề Bát Tràng
Đề án xây dựng mô hình Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng ra đời là một mô hình mới, trong đó, sự đồng thuận của cộng đồng Bát Tràng có vai trò quyết định, mang ý nghĩa sống còn cho sự phát triển bền vững của bảo tàng.
Đóng góp tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, bà Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội đề cập tới mô hình Bảo tàng sinh thái làng cổ Bát Tràng. Đây là mô hình đoàn kết cộng đồng, phát huy giá trị làng nghề truyền thống, góp phần phát triển du lịch địa phương.
Thực hiện 5 chương trình hành động của MTTQ Việt Nam trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, bám sát các Nghị quyết của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, trên cương vị là Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công Mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, bà Hà Thị Vinh đã cùng tập thể anh chị em trong Hiệp hội tập trung chỉ đạo và triển khai nhiều hoạt động, trong đó có việc xây dựng mô hình khai thác, phát huy các giá trị văn hóa ở các làng nghề truyền thống mà Bát Tràng là một ví dụ tiêu biểu.
Theo bà Vinh, cả nước hiện có hơn 4.000 làng có nghề, trong đó Hà Nội có tới 1.350 làng nghề với 327 làng nghề truyền thống và làng có nghề được thành phố công nhận. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, các làng nghề vẫn giữ được lửa nghề để mưu sinh và phát triển không ngừng, trong đó có làng nghề cổ truyền gốm Bát Tràng.
Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” xác định mục tiêu xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam.
Trong nhiệm kỳ 2019-2024, MTTQ Việt Nam đã có chương trình hành động vận động nhân dân thi đua lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước.
Là hậu duệ đời thứ 15 của một trong 19 dòng họ gốc đang sinh sống và làm nghề tại Bát Tràng, với tình yêu quê hương, bà Vinh luôn trăn trở và suy nghĩ làm thế nào để làng gốm cổ truyền Bát Tràng phát triển thịnh vượng, bền vững, các giá trị di sản văn hóa làng được bảo vệ và phát huy tốt hơn nữa, góp phần phát triển du lịch địa phương, để mọi người dân đều có thể tham gia và có thêm thu nhập từ chính di sản văn hóa của làng.
Được sự trợ giúp của các chuyên gia, Đề án xây dựng mô hình Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng đã ra đời. Làng cổ Bát Tràng là một mô hình mới, trong đó, sự đồng thuận của cộng đồng Bát Tràng có vai trò quyết định, mang ý nghĩa sống còn cho sự phát triển bền vững của bảo tàng. Sự tham gia của cộng đồng là một trong những nguyên tắc sáng lập của Bảo tàng sinh thái.
Bảo tàng đóng vai trò cùng lúc là: Một tổ chức xã hội; một ngôi làng cổ; một bảo tàng; một nơi sinh sống hằng ngày của cư dân địa phương; đảm nhiệm tốt vai trò của một ngôi làng và một bảo tàng độc đáo với tính đa dạng của các hoạt động mà trọng tâm là nghề gốm, được thể hiện sống động bởi chính dân làng Bát Tràng.
Bà Vinh cho biết, Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng là mô hình mới, chưa có tiền lệ nên trên bước đường thực hiện, chắc chắn có nhiều khó khăn, trở ngại. Vạn sự khởi đầu nan, làm cái mới bao giờ cũng khó nhưng không vì khó mà chúng ta không làm.
Bà Vinh tin rằng, với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, với khát vọng và tinh thần đoàn kết của cộng đồng cư dân của ngôi làng ngàn năm tuổi, mô hình Bảo tàng sinh thái Làng cổ Bát Tràng nhất định thành công. Trở thành mô hình bảo tàng sinh thái đầu tiên của cả nước, một ví dụ sống động trong việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.