Xây dựng ngân hàng đề là rất cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Có ngân hàng đề thi chung sẽ giúp học sinh chuyển từ 'học để thi' thành 'học để phát triển năng lực toàn diện' và nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

.t1 { text-align: justify; }

Thời gian vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được một số phản ánh của bạn đọc về việc xuất hiện đề kiểm tra giữa kỳ môn Ngữ văn tại Trường Trung học Cơ sở Võ Trường Toản, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh có nội dung giống với tài liệu ôn tập; một giáo viên của Trường Trung học cơ sở Huy Khiêm, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận tiết lộ đề kiểm tra môn Ngữ Văn ở lớp học thêm.

Điều này khiến dư luận lo ngại về tính hình thức của kỳ thi và khả năng “học vẹt”, “học tủ” quay trở lại, dễ bào mòn lối suy nghĩ của học sinh, dễ khiến học sinh quay lại lối mòn học truyền thống, đi ngược với tinh thần đổi mới mà chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang hướng đến. Đồng thời, đặt ra yêu cầu cấp thiết về một ngân hàng đề thi chung nhằm hạn chế những bất cập, yếu tố tiêu cực trong thi cử.

Khi đề kiểm tra là bản sao của tài liệu ôn tập

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đông Phương - nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: “Phần lớn các hoạt động ôn tập từ trước đến nay đều theo hướng “học theo mẫu”, hay còn gọi là “học tủ”. Tuy nhiên, trong trường hợp đề ôn tập và đề kiểm tra trùng khớp hoàn toàn thì vấn đề không chỉ dừng lại ở việc ôn tập nữa, mà nghiêm trọng hơn là chạm đến tính đúng đắn và trung thực trong việc xây dựng đề kiểm tra.

Khi đề kiểm tra trùng khớp hoàn toàn với một đề ôn tập đã được học sinh làm quen từ trước, điều đó đặt ra rất nhiều băn khoăn về năng lực ra đề hoặc nghiêm trọng hơn khi đặt trong trường hợp đề thi có thể đã bị phổ biến ra bên ngoài một cách không chính thức và sau đó được sử dụng như tài liệu ôn tập. Nếu điều này thực sự xảy ra thì đây không còn đơn thuần là một lỗi kỹ thuật hay sự trùng hợp, mà là một vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, đòi hỏi phải được nhìn nhận nghiêm túc”.

 Tiến sĩ Lê Đông Phương - nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: giaoduc.net.vn

Tiến sĩ Lê Đông Phương - nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: giaoduc.net.vn

Tiến sĩ Lê Đông Phương cũng bày tỏ, với trường hợp trên, điều đáng lo ngại hơn là đằng sau những buổi ôn luyện cho học sinh, những mục tiêu quan trọng như “học sinh tiếp thu được gì, còn yếu ở đâu và cần hỗ trợ như thế nào để tiến bộ hơn” dường như không còn được đặt lên hàng đầu. Đề kiểm tra, đề thi lẽ ra lẽ ra phải là công cụ đánh giá năng lực tư duy, khả năng vận dụng kiến thức của học sinh thì nay lại trở thành một phép thử về trí nhớ.

Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Phúc Nga - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho rằng, việc đề ôn tập và đề kiểm tra giống hệt nhau không chỉ gây mất công bằng trong đánh giá, mà quan trọng hơn là đi ngược lại tinh thần đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo cô Nga chia sẻ: “Phụ huynh và dư luận hoàn toàn có cơ sở để lo ngại về tính minh bạch và tính hình thức của kỳ thi, bởi nếu biết chắc đề thi sẽ giống đề ôn tập, học sinh dễ quay về lối học vẹt, học tủ, học để đối phó.

Đề kiểm tra không đơn thuần là để “chấm điểm” học sinh, mà phải là công cụ để giáo dục, khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức, hình thành kỹ năng và phát triển tư duy.

Nếu đề thi chỉ là một bản sao từ đề ôn tập thì kiểm tra không còn ý nghĩa. Một đề kiểm tra tốt phải khiến học sinh phải nghĩ, phải áp dụng, không phải học thuộc lòng một cách máy móc. Và muốn làm được điều đó, chúng ta cần những ngân hàng đề thi chung có đầu tư đúng mức, không làm lấy lệ, không chạy theo thành tích”.

 Cô Nguyễn Thị Phúc Nga - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: website nhà trường

Cô Nguyễn Thị Phúc Nga - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: website nhà trường

Ngân hàng đề thi chung góp phần chuẩn hóa chất lượng đánh giá năng lực của học sinh

Thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về cải thiện quy trình ra đề theo hướng công bằng và chuyên nghiệp hơn. Theo lãnh đạo trường trung học phổ thông, việc xây dựng một ngân hàng đề kiểm tra, đề thi chung ở địa phương là một hướng đi rất cần thiết và tích cực.

Bày tỏ quan điểm về nội dung này, cô Nguyễn Thị Phúc Nga cho rằng: “Nếu có ngân hàng đề thi chung sẽ góp phần chuẩn hóa chất lượng đánh giá và đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng lại phương pháp giảng dạy, ôn tập của giáo viên. Đồng thời, nó giúp giảm tải đáng kể áp lực soạn đề cho từng trường, từng cá nhân, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng kiểm tra, đánh giá trong toàn hệ thống giáo dục.

Ngoài ra, giáo viên các trường sẽ có một kênh tài nguyên đáng tin cậy để tham khảo, từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập bám sát năng lực học sinh tốt hơn. Tất nhiên, khi sử dụng đề từ ngân hàng, nhà trường vẫn cần rà soát, chọn lọc để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế học sinh địa phương”.

Bên cạnh đó, cô Nga nhấn mạnh, chất lượng của ngân hàng đề thi phải là ưu tiên hàng đầu, bởi nếu không có quy trình thẩm định nghiêm túc thì ngân hàng đề rất dễ biến thành kho chứa “đề luyện”, gây phản tác dụng trong kiểm tra, đánh giá.

Việc xây dựng ngân hàng đề thi chung của địa phương, không phải cứ gom đề từ các trường lại là xong. Đầu tiên, phải xây dựng được đội ngũ ra đề có chuyên môn vững, hiểu rõ cách thiết kế ma trận, cấu trúc đề theo hướng phát triển năng lực cho học sinh. Đội ngũ này cũng cần dành thời gian và tâm sức để nghiên cứu, không thể làm theo kiểu phong trào.

Cùng với đó, cần có một tổ chức chuyên biệt gồm các chuyên viên, tổ trưởng chuyên môn phối hợp với sở giáo dục và đào tạo địa phương để thẩm định đề thi. Quá trình này không chỉ kiểm tra độ chính xác về kiến thức mà còn đánh giá năng lực phân hóa, tính ứng dụng, khả năng vận dụng kiến thức của từng câu hỏi.

Ngoài ra, yếu tố công nghệ cũng là một thách thức trong xây dựng ngân hàng đề thi chung. Hệ thống quản lý, truy xuất và bảo mật ngân hàng đề cần được thiết kế hiện đại, đảm bảo dữ liệu không bị rò rỉ, thất thoát.

Cùng bàn về vấn đề này, thầy Phạm Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Trường (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) đánh giá, việc xây dựng hệ thống ngân hàng đề thi chung theo chuẩn chương trình giáo dục mới là rất cần thiết, không chỉ giúp chuẩn hóa chất lượng đánh giá, mà còn góp phần đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong thi cử. Nếu làm được điều này sẽ tốt cho cả nhà trường và học sinh.

Theo thầy Phạm Văn Châu chia sẻ, ngoài một số kỳ kiểm tra khảo sát chung toàn tỉnh thì phần lớn các bài kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ đều do từng trường tự ra đề và tổ chức thực hiện.

Tại Trường Trung học phổ thông Xuân Trường, ban giám hiệu cũng cố gắng tổ chức việc ra đề một cách công tâm và minh bạch nhất có thể. Một số giải pháp được áp dụng như phân công chéo giáo viên giữa các khối lớp hoặc để giáo viên không dạy khối đó trực tiếp tham gia ra đề nhằm tránh tình trạng “lộ đề”, hạn chế những sai lệch trong quy trình kiểm tra, đánh giá.

Tuy nhiên, cách làm này vẫn còn hạn chế khi một số giáo viên cùng lúc phụ trách nhiều khối lớp. Khi đó, việc phân công chéo giáo viên không còn hiệu quả hoặc không thể thực hiện triệt để.

 Thầy Phạm Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Trường (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Ảnh: website nhà trường

Thầy Phạm Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Trường (huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Ảnh: website nhà trường

Cũng theo thầy Châu, muốn xây dựng ngân hàng đề thi chung cho toàn tỉnh cần một hệ thống đồng bộ và có kiểm định chất lượng. Phải có cơ chế rõ ràng, chế tài cụ thể để quy định về cách thức xây dựng và vận hành ngân hàng đề thi.

Bên cạnh đó, câu hỏi và nội dung trong đề không thể làm qua loa mà phải có quy trình kiểm định, thẩm định bài bản. Đội ngũ tham gia ra đề cũng phải được lựa chọn kỹ, đảm bảo chuyên môn vững vàng.

Đồng thời, muốn triển khai hiệu quả phải có kế hoạch lâu dài và đầu tư đúng mức, từ xây dựng tiêu chuẩn đề thi, tổ chức tập huấn cho giáo viên ra đề đến thiết lập quy trình kiểm tra, thẩm định và cập nhật thường xuyên ngân hàng câu hỏi. Nếu không rất dễ rơi vào tình trạng “làm cho có”, dẫn đến chất lượng đề không ổn định, thậm chí gây phản tác dụng.

Cùng với đó, ngân hàng đề thi chung cần được thiết kế theo hướng mở, có định hướng nhưng linh hoạt. Tức là thay vì ban hành một bộ đề cứng nhắc dùng cho mọi trường học, thì ngành giáo dục địa phương nên tạo ra một kho đề có phân loại, đánh giá năng lực, mức độ khó – dễ rõ ràng. Tổ chuyên môn từng trường có thể chọn lọc, điều chỉnh và lắp ghép phù hợp với năng lực học sinh của trường mình.

Nếu được thiết kế một cách bài bản, khoa học và bảo mật tốt, ngân hàng đề thi chung sẽ trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho nhà trường trong quá trình kiểm tra, đánh giá học sinh. Qua đó thúc đẩy sự thay đổi tích cực trong phương pháp dạy học, hướng tới phát triển năng lực thực chất của người học thay vì chạy theo thành tích.

Mặt khác, cần có cơ chế cập nhật và chia sẻ tài nguyên giữa các trường để tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, nơi thì làm bài bản, nơi thì làm đối phó.

“Muốn học sinh trung thực trong thi cử thì giáo viên và nhà trường trước hết phải minh bạch trong việc ra đề và kiểm tra, đánh giá. Ngân hàng đề thi không chỉ là chuyện kỹ thuật, đó còn là một lựa chọn giúp định hình tư duy giáo dục cho cả hệ thống”, thầy Châu nhấn mạnh.

Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Đông Phương nhận định, về mặt lý thuyết, xây dựng ngân hàng đề thi chung là hoàn toàn cần thiết nhưng không dễ thực hiện nếu thiếu các điều kiện chuyên môn và kỹ thuật.

Muốn có một ngân hàng đề thi chuẩn mực, trước hết phải huy động được đội ngũ chuyên gia có trình độ, am hiểu cả nội dung chương trình lẫn phương pháp thiết kế đề theo hướng phát triển năng lực. Mỗi câu hỏi không chỉ đúng về kiến thức mà còn phải có khả năng phân hóa và đo lường được mức độ tư duy của học sinh.

Thứ hai, một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua khi xây dựng ngân hàng đề thi chung là sự phù hợp với trình độ thực tế của học sinh ở từng khu vực tại địa phương. Bởi lẽ, đối tượng học sinh cũng như điều kiện dạy và học tại mỗi nơi có sự khác biệt đáng kể, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên cho đến nền tảng học lực của học sinh.

Do đó, ngân hàng đề thi chung cần được thiết kế theo hướng mở và linh hoạt, không phải là một hệ thống đề thi “cứng nhắc” áp dụng đồng loạt mà là một kho dữ liệu phong phú, đa dạng, cho phép tổ chuyên môn các trường chủ động lựa chọn, điều chỉnh và vận dụng sao cho phù hợp với thực tiễn giảng dạy và đặc thù học sinh của đơn vị mình.

Phương Thảo

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/xay-dung-ngan-hang-de-la-rat-can-thiet-gop-phan-nang-cao-chat-luong-giao-duc-post251344.gd