Xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu: Cân nhắc quy định nâng số ngày dự trữ lưu thông
Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu đề xuất nâng số ngày dự trữ lưu thông ở mức tối thiểu từ 20 ngày lên 30 ngày. Trước đề xuất này, nhiều ý kiến lo ngại, việc tăng số ngày dự trữ lưu thông thêm 10 ngày sẽ làm tăng chi phí, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
Đánh giá về vấn đề trên, ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đề nghị, ngày dự trữ lưu thông đối với thương nhân đầu mối duy trì ở mức tối thiểu 20 ngày. Bởi, hai nhà máy trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu nội địa, logistics từ hai nhà máy lọc dầu về các kho xăng dầu của thương nhân đầu mối khoảng 4 ngày.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã sử dụng công cụ kiểm soát bổ sung đối với các thương nhân đầu mối thông qua chỉ tiêu mức phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu hàng năm, đây là chỉ tiêu rất linh hoạt nhằm ổn định thị trường và sát với nhu cầu tiêu thụ của xã hội. Đồng thời, việc quy định tồn kho nằm trên lãnh thổ Việt Nam bản chất đã tăng số ngày dự trữ so với hiện hành vì hiện nay việc xác định ngày tồn kho đang được thực hiện theo chế độ kế toán (bao gồm hàng đi đường từ cảng xếp nước ngoài trước khi về đến lãnh thổ Việt Nam).
Theo tính toán của Petrolimex, nếu dự trữ 30 ngày, tăng 10 ngày so với hiện nay cần bổ sung chi phí khoảng 100 đồng/lít (hao hụt 0,22% và chi phí vốn tương ứng khoảng 0,21%). Theo mức phân giao nguồn 2024, toàn thị trường sẽ mất thêm chi phí khoảng 900 tỷ đồng trong một năm.
Còn theo ông Cao Hoài Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), dự trữ lưu thông an ninh quốc gia là trách nhiệm của Nhà nước, không thể dồn lên vai doanh nghiệp. Mức 20 ngày như hiện nay là hợp lý, tránh gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp.
Theo ông Dương, cơ quan soạn thảo đang bỏ qua vai trò lớn đó là dự trữ của 2 nhà máy lọc dầu. Thực tế, họ luôn luôn có lượng dầu thô đáp ứng 20-30% lượng dự trữ để đảm bảo vận hành của mình.
Cùng với vấn đề đã nêu, góp ý xây dựng dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến cũng đề nghị, làm rõ điều kiện để cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đối với các doanh nghiệp theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Đồng thời, đề nghị làm rõ khái niệm doanh nghiệp thành viên bởi Luật Doanh nghiệp không có khái niệm này.
Bên cạnh đó, xem xét điểm D, khoản 9, Điều 3 và khoản 3, Điều 15 về thương nhân bán lẻ xăng dầu được thỏa thuận mua hàng theo 3 hình thức, trong đó, hình thức thứ 3 quy định: Mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu để bán lẻ tại hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu của thương nhân. Bởi, hình thức này rất khó cho thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối trong việc quản lý hệ thống, quản lý chất lượng, công bố giá bán lẻ, cũng như dự trữ nguồn hàng để bán hàng theo hình thức nêu trên.
Cũng liên quan đến dự trữ xăng dầu, ông Phạm Ngọc Hùng - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả Việt Nam cũng cho rằng, việc dự trữ xăng dầu, Nhà nước cần thực hiện, thay vì giao cho các doanh nghiệp như hiện nay.
Cũng tại Hội thảo, có ý kiến cho rằng nên bỏ Quỹ Bình ổn xăng dầu. Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long, thời gian qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có những lúc Quỹ hoạt động thiếu minh bạch, tạo ra kẽ hở cho một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, sinh ra nhiều tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường... Do đó, ông Long cho rằng, về lâu dài, Nhà nước cần nghiên cứu xóa bỏ Quỹ này để thị trường xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường và tiệm cận dần với giá xăng dầu trên thị trường thế giới.