Xây dựng Ninh Thuận thành điểm đến hấp dẫn của Việt Nam trong tương lai

Ngày 17/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với tỉnh Ninh Thuận về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021 và quý I/2022, nhằm xác định phương hướng trong thời gian tới để hiện thực hóa mục tiêu biến Ninh Thuận thành điểm đến hấp dẫn của Việt Nam.

Chỉ số công nghiệp Ninh Thuận tăng cao nhất cả nước

Theo báo cáo của tỉnh Ninh Thuận, năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, tình hình kinh tế - xã hội duy trì ổn định và tăng trưởng khá, một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực, GRDP tăng 9%, đứng thứ tư cả nước, đứng đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Miền Trung, quy mô nền kinh tế gấp 1,15 lần so với năm 2020.

Sản xuất nông nghiệp tăng 5,98% thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 24,6%, đứng đầu cả nước, năng lượng tái tạo tăng trưởng cao, tăng 59,8% tiếp tục làm đầu tàu tăng trưởng cho toàn ngành, đóng góp 6,84% tăng trưởng chung.

Thủ tướng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận nhằm nắm bắt tình hình và đề ra phương hướng, mục tiêu trong những năm tới. Ảnh: VGP

Thủ tướng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận nhằm nắm bắt tình hình và đề ra phương hướng, mục tiêu trong những năm tới. Ảnh: VGP

Tỉnh Ninh Thuận cũng tích cực triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn, nhất là tập trung hoàn tất công tác đền bù và khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh, hoàn thành dự án Hồ Tân Mỹ với dung tích 219 triệu m3, phát huy hiệu quả rõ nét, nhất là chống hạn, cắt lũ trong mùa mưa năm 2021, đảm bảo nguồn nước tưới và nước sinh hoạt phục vụ dân sinh.

Nhiều dự án động lực quy mô lớn được đẩy nhanh tiến độ như Cảng Cà Ná có thể tiếp nhận tàu 100.000 tấn, các dự án du lịch, 11 dự án năng lượng tái tạo hoàn thành với tổng công suất hòa lưới 447,7MW.

Đến cuối năm 2021, Ninh Thuận có 49 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất khoảng 3.035 MW vận hành thương mại với quy mô nguồn điện năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước, phát điện trên 4,7 tỷ kWh đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Trong quý I/2022, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục duy trì ổn định, có bước phục hồi, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 4,18%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 939 tỷ đồng, bằng 27% kế hoạch; giải quyết việc làm mới cho 5.923 lao động, tăng 38,9%. Mặc dù chịu tác động lớn của dịch bệnh, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,57%.

Kết cấu hạ tầng thiết yếu tiếp tục được tập trung đầu tư, trong đó tập trung triển khai các dự án giao thông kết nối liên vùng như đường nối thị trấn Tân Sơn huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) đi Tà Năng (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), đường nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1, tập trung hoàn tất công tác đền bù và khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh. Đặc biệt, đã hoàn thành bến 1A Cảng tổng hợp Cà Ná đưa vào khai thác trong quý II/2022, sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh trong giai đoạn tới…

Xây dựng Ninh Thuận thành điểm đến hấp dẫn của Việt Nam

Trước đó, ngày 16/4, tại lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã lưu ý nhiệm vụ cho tỉnh, trong đó cần hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tăng cường năng lực và phẩm chất cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: VGP

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: VGP

Đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế. Quyết liệt hơn nữa trong đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hợp lý, hiệu quả, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục, giao thông, hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu.

Nâng cao hiệu quả đầu tư công, mạnh dạn cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, tránh dàn trải, chia cắt, manh mún gây kéo dài, chậm tiến độ, dồn nguồn vốn tập trung cho các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, lâu dài.

Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới. Phát triển công nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ, du lịch và đô thị. Xây dựng Phan Rang Tháp Chàm thành đô thị hiện đại, thông minh, làm động lực tăng trưởng lan tỏa toàn tỉnh.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án theo quy hoạch đã được duyệt như các dự án năng lượng tái tạo, dự án cảng biển tổng hợp, tổ hợp điện khí và hình thành phát triển khu công nghiệp Cà Ná. Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, quảng bá, đón đầu nhanh khi du lịch Việt Nam đã mở cửa trở lại

Thủ tướng yêu cầu không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, các giá trị văn hóa, đạo đức và môi trường sinh thái để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Không ngừng chăm lo phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước, các tập đoàn, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tỉnh Ninh Thuận hiện thực hóa mục tiêu "Xây dựng Ninh Thuận thành điểm đến hấp dẫn của Việt Nam trong tương lai".

Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đưa quy mô nền kinh tế đến cuối nhiệm kỳ tăng 1,9 lần so với năm 2020. Và đến năm 2025, là tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, là một trong những trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo. Đến năm 2030, trở thành tỉnh có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.

Tìm hướng đi phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Thuận

Ngay sau lễ kỷ niệm, trong ngày 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm, khảo sát một số dự án, công trình lớn trên địa bàn tỉnh, tìm hiểu về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và cả những khó khăn nổi lên cần giải quyết của tỉnh.

Bà con diêm dân cho biết nhờ ứng dụng cơ giới, khoa học kỹ thuật nhiều nên đỡ vất vả hơn, thu nhập cũng cao hơn. Ảnh: VGP

Bà con diêm dân cho biết nhờ ứng dụng cơ giới, khoa học kỹ thuật nhiều nên đỡ vất vả hơn, thu nhập cũng cao hơn. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ đã khảo sát quy hoạch xây dựng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Ninh Thuận, khu tổ hợp Cà Ná, cảng Cà Ná, công trình đầu mối hồ chứa nước Sông Cái thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tại xã Phước Hòa, huyện Bác Ái, thăm tổ hợp sản xuất muối sạch và năng lượng tái tạo với công suất 500 MW của tập đoàn BIM tại huyện Thuận Nam, trang trại nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến có diện tích hơn 20 ha tại xã An Hải, huyện Ninh Phước.

Ngoài ra, Thủ tướng và đoàn công tác cũng đã khảo sát sân bay Thành Sơn tại TP Phan Rang Tháp Chàm, động viên, kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Trung đoàn Không quân 937 thuộc Sư đoàn Không quân 370 đóng quân tại đây.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm sân bay Thành Sơn. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm sân bay Thành Sơn. Ảnh: VGP

Anh Thư

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/xay-dung-ninh-thuan-thanh-diem-den-hap-dan-cua-viet-nam-trong-tuong-lai-post5499.html