Xây dựng sản phẩm OCOP hướng đến nông thôn mới nâng cao
Chương trình OCOP được huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên xác định là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất - thu nhập - hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao. Từ đó, huyện Phú Bình đã chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm truyền thống làng nghề, quan tâm đầu tư, cải tiến, nâng cấp sản phẩm theo Bộ tiêu chí OCOP.
Phú Bình là huyện đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được công nhận huyện NTM năm 2022, do đó, để tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, huyện tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực cho quá trình xây dựng NTM gắn với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Tích cực triển khai thực hiện chương trình OCOP, chú trọng đầu tư xây dựng vùng sản xuất công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. Qua đó tạo sức mạnh tổng hợp cho các HTX tiếp tục đóng góp xây dựng NTM nâng cao.
OCOP góp phần nâng cao thu nhập
Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, xã đạt chuẩn NTM nâng cao phải có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương, còn thời hạn.
Bên cạnh đó, theo Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, chủ thể của sản phẩm OCOP phải là các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.
Sản phẩm OCOP gồm các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch có nguồn gốc địa phương, có đặc trưng về giá trị văn hóa, lợi thế của địa phương, đặc biệt là các đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch dựa trên các thế mạnh, lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nguyên liệu, tri thức và văn hóa bản địa.
Trên địa bàn các xã, sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm làng nghề hay du lịch đều có. Tuy nhiên, để được chấp nhận là sản phẩm OCOP cần phải đáp ứng được các điều kiện nói trên.
Ông Lê Xuân Bẩy, Phó Chánh Văn phòng NTM huyện Phú Bình cho hay, hiện nay huyện đang tích cực hưởng ứng Chương trình OCOP để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm của địa phương, thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ; là hạt nhân để đẩy mạnh các sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng lớn, có giá trị gia tăng cao. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người người dân ở nông thôn.
Chương trình OCOP được huyện triển khai hiệu quả, thu hút đông đảo các chủ thể tham gia phân hạng, đánh giá sản phẩm. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Phú Bình đã có 15 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao cấp tỉnh, trong đó có một số sản phẩm tiêu biểu của các HTX như: Dầu lạc Phát Lộc, dầu mè đen Phát Lộc, dầu đậu nành Phát Lộc (HTX nông nghiệp Quang Hà, thị trấn Hương Sơn); cao hươu, thịt hươu sấy (HTX nuôi hươu Hội Cựu chiến binh Trọng Hùng).
Phát huy các sản phẩm đặc trưng
Sản phẩm OCOP của các HTX đã đóng góp tích cực cho phong trào xây dựng NTM ở Phú Bình như: Mô hình chăn nuôi ngựa của anh Dương Văn Trường, Phó Giám đốc HTX Ngựa bạch xóm Phẩm (xã Dương Thành).
Anh Trường chia sẻ: Trên cơ sở bảo tồn nguồn gen ngựa quý hiếm chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, gia đình anh Trường và các thành viên HTX đã phần nào chủ động được nguồn giống, nguồn nguyên liệu để sản xuất. Bên cạnh đó, anh học hỏi các kỹ thuật chăm sóc ngựa, chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm. Với những nỗ lực không ngừng của gia đình và bản thân, Cao ngựa bạch Trường Nguyên đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện nay sản phẩm Cao ngựa bạch Trường Nguyên nói riêng và sản phẩm của HTX Ngựa bạch xóm Phẩm đã có chỗ đứng, thị trường ngày càng được mở rộng; các sản phẩm của HTX đến với khách hàng thông qua hệ thống siêu thị, các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, hội chợ…
Tương tự, sản phẩm cao hươu, thịt hươu sấy của anh Ngô Văn Hùng, Giám đốc HTX nuôi hươu Hội cựu chiến binh Trọng Hùng (xã Tân Hòa) cũng có thương hiệu trên thị trường. Hiện HTX có 14 thành viên tham gia chăn nuôi, sản xuất và có trên 100 con hươu.
Anh Ngô Văn Hùng chia sẻ, từ khi huyện phát động xây dựng NTM, các cựu chiến binh của xóm đã bàn bạc và thành lập HTX năm 2017, đồng thời lựa chọn cây trồng vật nuôi, qua tham khảo, HTX thấy nuôi hươu rất phù hợp, ít bệnh tật, đem lại giá trị kinh tế cao. Với sự chung tay của các thành viên, sản phẩm của HTX đã đạt OCOP 3 sao; sản phẩm chế biến từ hươu khi đưa ra thị trường đảm bảo an toàn thực phẩm. Các sản phẩm nhung hươu, cao hươu, hươu sấy, hươu sinh sản, hươu thương phẩm… đã đem lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với thu nhập ổn định.
Hướng đến xây dựng NTM nâng cao bền vững
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình chia sẻ, ngay sau khi được công nhận huyện NTM, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện đã bắt tay ngay vào xây dựng NTM nâng cao, trong đó tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, các sản phẩm OCOP, xây dựng các vùng sản xuất tập trung. Thực hiện chương trình phát triển kinh tế nông thôn trọng tâm, tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát huy giá trị sản phẩm OCOP, đưa nông sản địa phương vươn xa ra thị trường.
Theo đó, tập trung phát triển sản phẩm OCOP tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, HTX, tổ hợp tác mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm dựa trên đặc trưng vùng miền, thế mạnh của địa phương và đáp ứng yêu cầu về quy mô vùng nguyên liệu. Cùng với đó, quy hoạch sản xuất hàng hóa tập trung, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm, xây dựng nhãn mác, bao bì; hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi hình thành sản phẩm OCOP…Thông qua chương trình OCOP không chỉ giúp tăng thêm lợi nhuận, mà còn tác động trực tiếp, tạo động lực thúc đẩy sản xuất phát triển.
Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Thái Nguyên cho biết: Chương trình OCOP đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực, góp phần đưa các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương đến với các thị trường mới tiềm năng; khai thác hiệu quả thế mạnh của địa phương thông qua những sản phẩm chất lượng, đúng quy chuẩn, từ đó làm tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trong quá trình thực hiện, chương trình đã làm thay đổi tập quán sản xuất và phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân cũng như phát huy ngành nghề truyền thống; định hướng người dân đến nền kinh tế thị trường hàng hóa, mở rộng sản xuất cho khu vực nông thôn.
“Theo chỉ đạo của tỉnh Thái Nguyên, huyện Phú Bình đang tiếp tục phấn đấu để đạt chuẩn huyện NTM nâng cao vào năm 2025, để làm được điều đó, huyện sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình HTX kiểu mới, đồng thời tiếp tục xây dựng các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP và phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng văn minh và phát triển bền vững”, ông Trần Nho Hưởng cho hay.