Xây dựng sản phẩm OCOP không thể chạy theo số lượng
Sau 4 năm (2018 - 2021) triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trên địa bàn tỉnh có nhiều sản phẩm được cấp chứng nhận đạt 3 sao, 4 sao. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan và chủ quan, một số sản phẩm đã bị thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, đồng nghĩa với việc tự đánh mất 'giấy thông hành' trên thị trường.
Từ khi triển khai Chương trình OCOP đến nay, tỉnh đã phê duyệt 123 sản phẩm, trong đó có 24 sản phẩm đạt 4 sao và 99 sản phẩm đạt 3 sao. Theo quy định, sau 3 năm được công nhận, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh sẽ tổ chức đánh giá lại. Năm 2021, có 3 sản phẩm phải thu hồi chứng nhận sản phẩm OCOP, gồm gạo Séng cù Lương Sơn (Bảo Yên), dưa lưới, thịt chua Trường Phát (Bảo Thắng).
Nguyên nhân được xác định là cả 3 sản phẩm không duy trì được các tiêu chí của Chương trình OCOP, trong đó giải thể hợp tác xã, không còn chủ thể (gạo Séng cù Lương Sơn); dừng sản xuất, kinh doanh sản phẩm và không có kế hoạch sản xuất lại (dưa lưới, thịt chua Trường Phát).
Trong đợt đánh giá lại của năm 2022, có thể một số sản phẩm OCOP sẽ bị tụt hạng sao. Nguyên nhân được xác định là do sau khi được tư vấn quốc gia hướng dẫn triển khai, thực hiện Chương trình OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Văn bản số 2100 ngày 17/10/2018 về việc Hướng dẫn tạm thời thực hiện chu trình OCOP tại tỉnh Lào Cai và là 1 trong 4 tỉnh đầu tiên của cả nước tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP (sau các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Nam). Trong khi ở thời điểm này, Trung ương chưa ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ngày 21/8/2019, Trung ương mới ban hành Quyết định số 1048 về Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP. Đến ngày 8/6/2020, Trung ương tiếp tục ban hành Quyết định số 871 sửa đổi, bổ sung một số phụ lục của Quyết định số 1048, trong đó có yêu cầu một số tiêu chí tối thiểu trong đánh giá, phân hạng sản phẩm.
Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến nhu cầu thị trường tiêu thụ giảm; hoạt động của các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ, du lịch bị gián đoạn, dừng hoạt động, đứt gãy chuỗi vận chuyển, tiêu thụ đến các thị trường ngoài tỉnh, đặc biệt là thị trường khu vực phía Nam, khiến các sản phẩm sau khi được công nhận OCOP không có tăng trưởng, hiệu quả thấp…
Bên cạnh nguyên nhân khách quan, cũng có nguyên nhân chủ quan, đó là một số chủ thể sau khi có sản phẩm đạt OCOP đã tự hài lòng với kết quả đạt được, không có sự bứt phá, đổi mới để theo kịp xu hướng thị trường, chưa quan tâm đầu tư nâng cấp công nghệ chế biến, cải tiến bao bì, nhãn mác, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất như cam kết trong hồ sơ đăng ký, dẫn đến giá trị sản phẩm sụt giảm, mất lợi thế cạnh tranh.
Một số chủ thể chưa chủ động trong các hoạt động xúc tiến thương mại, chưa đa dạng kênh bán hàng, tiếp thị sản phẩm, đặc biệt là áp dụng thương mại điện tử. Một số chủ thể chưa tâm huyết, chưa chủ động xây dựng nâng tầm thương hiệu, có dấu hiệu “hụt hơi” khi tham gia các thị trường mới.
Ngoài ra, quy định của Trung ương tại Quyết định 781 thì sản phẩm đạt 4 - 5 sao phải có: Quy mô sản xuất lớn, chủ thể sản xuất hoạt động hiệu quả (HTX xếp loại khá, các loại hình khác có 2 năm liền kề liên tiếp tăng trưởng dương), có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến của Việt Nam… Tuy nhiên, tại Lào Cai chỉ có một vài cơ sở đạt tiêu chuẩn chế biến tiên tiến (ISO, GMP), chưa có đơn vị nào đạt tiêu chuẩn HACCP, Hala.
Theo ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, việc thu hồi chứng nhận OCOP đối với những sản phẩm không đáp ứng tiêu chí đặt ra là rất bình thường, nhằm tạo công bằng cho các chủ thể cũng như đánh giá đúng giá trị của sản phẩm. Tuy nhiên, đó là việc làm bất đắc dĩ, bởi mục tiêu của Chương trình OCOP đặt ra là những sản phẩm sau khi được công nhận OCOP sẽ phát triển tốt hơn.
Để hạn chế tối đa sản phẩm bị tụt hạng sao hoặc bị thu hồi chứng nhận OCOP, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thay đổi từ chọn sản phẩm đến triển khai thực hiện và đánh giá. Từ năm 2021, tỉnh yêu cầu tất cả sản phẩm phải được hội đồng cấp huyện duyệt ý tưởng và được Hội đồng cấp tỉnh chấp thuận ý tưởng sản phẩm, mới cho phép làm hồ sơ tham gia OCOP, nên đã khắc phục một số hạn chế, bất cập trước đây.
Tiếp tục tổ chức thẩm định, đánh giá chặt chẽ, khách quan, đúng quy định, không chạy theo số lượng, thành tích, các sản phẩm được chứng nhận OCOP phải là tiềm năng, thế mạnh, đặc sản của các địa phương. “Việc tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trải qua chu trình phức tạp, qua nhiều vòng, từ hội đồng đánh giá cấp huyện đến Hội đồng đánh giá cấp tỉnh (riêng cấp tỉnh tổ chức 2 lần đánh giá) với sự tham gia của đại diện 7 sở, ngành liên quan. Sản phẩm đạt chứng nhận OCOP phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định khắt khe của Việt Nam”, ông Tạ Công Huy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh khẳng định.
Hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá đối với những nội dung còn vướng mắc, bất cập, khó khăn trong triển khai thực hiện; bổ sung các trình tự, quy định về đánh giá lại sản phẩm và thu hồi sản phẩm không đạt tiêu chí để các địa phương căn cứ thực hiện.
Chương trình OCOP là một giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, trọng tâm là phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp và phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, trong đó chủ thể thực hiện là các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể.
Chương trình được thực hiện theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, phù hợp và thích ứng với quy luật của kinh tế thị trường, đảm bảo 3 nguyên tắc: Sản phẩm địa phương hướng tới toàn cầu; tự lực, tự tin và sáng tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.