Xây dựng sản phẩm văn hóa mang bản sắc Thủ đô: Nguồn lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong kinh doanh
Với bề dày truyền thống hơn 1.000 năm, Thăng Long - Hà Nội mang bản sắc văn hóa rất riêng, vô cùng giàu có và phong phú.
Tuy nhiên, “vốn văn hóa” ấy đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ quá trình đô thị hóa mạnh mẽ cùng sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai. Phóng viên Hànôịmới Cuối tuần ghi lại ý kiến của chuyên gia, nhà quản lý văn hóa về giải pháp cần thực hiện để bản sắc Hà Nội không chỉ được bảo tồn mà còn trở thành nguồn lực sáng tạo.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:
Cần những giải pháp đồng bộ
Tôi nghĩ rằng, việc tạo ra các sản phẩm văn hóa sáng tạo đặc trưng của Hà Nội mang lại rất nhiều lợi thế cho doanh nghiệp, đặc biệt là khi Hà Nội đã được công nhận là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đầu tiên, đây là một cơ hội tuyệt vời để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. Sự kết nối với hình ảnh Hà Nội - một thành phố sáng tạo với bề dày văn hóa và truyền thống - sẽ giúp các sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao hơn về giá trị và uy tín.
Điều này cũng mở ra cánh cửa để doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế. Khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, các sản phẩm mang dấu ấn văn hóa đặc trưng của Thủ đô có thể dễ dàng được giới thiệu trên các diễn đàn toàn cầu, các triển lãm quốc tế hoặc các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quan trọng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình vượt khỏi biên giới, tiếp cận những thị trường lớn hơn.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng việc khai thác tài nguyên văn hóa độc đáo của Hà Nội, từ các di sản như tranh dân gian Hàng Trống, áo dài, đến những giá trị gắn liền với ẩm thực hay di tích lịch sử như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Cổ Loa, làng cổ Đường Lâm... là một hướng đi đầy tiềm năng, không chỉ giúp doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt mà còn tăng tính nhận diện trên thị trường.
Một điểm quan trọng nữa, Hà Nội là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cũng thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong kinh doanh. Khi doanh nghiệp tham gia sản xuất các sản phẩm văn hóa sáng tạo, họ phải liên tục tìm kiếm các cách tiếp cận mới, từ thiết kế sản phẩm đến chiến lược tiếp thị. Điều này giúp doanh nghiệp không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh, mà còn gia tăng giá trị cho sản phẩm của mình.
Chính vì thế, để phát huy hơn nữa thế mạnh văn hóa của Hà Nội trong các sản phẩm sáng tạo, cần có những giải pháp đồng bộ từ chính quyền, cộng đồng sáng tạo và các doanh nghiệp. Tiếp đó, chúng ta cần tập trung vào việc nâng cao năng lực sáng tạo và kết nối cộng đồng. Cuối cùng, tôi nghĩ rằng việc tuyên truyền và giáo dục cộng đồng là yếu tố không thể thiếu. Để phát huy giá trị văn hóa trong các sản phẩm sáng tạo, mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, cần hiểu và tự hào về những giá trị văn hóa của Hà Nội. Chỉ khi người dân đồng hành và ủng hộ, các sản phẩm sáng tạo mới thực sự có sức lan tỏa và được cộng đồng chấp nhận rộng rãi.
Ông Nguyễn Việt Nam, Giám đốc doanh nghiệp sáng tạo TiredCity:
Cơ hội khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa
TiredCity không phải doanh nghiệp đầu tiên khai thác chất liệu văn hóa, kết hợp với các sáng tạo cá nhân từ các nghệ sĩ. May mắn là sau nhiều năm hoạt động, TiredCity đã đạt được một số thành quả nhất định. Nếu để đánh giá thành quả này đến từ đâu thì có lẽ đó là do TiredCity không chỉ tác động vào nhu cầu mua sắm, sử dụng sản phẩm, vui chơi giải trí của khách hàng mà còn cung cấp giá trị văn hóa tinh thần gắn liền với yếu tố bản địa qua các sản phẩm thương mại và các hoạt động cộng đồng phi thương mại, đó vốn là những điều con người ta tìm về, khi cuộc sống vật chất ngày càng no đủ.
TiredCity là một doanh nghiệp được xây dựng dựa trên sứ mệnh dung dưỡng và lan tỏa giá trị văn hóa và sáng tạo. Từ khi thành lập, đội ngũ luôn tin tưởng vào việc các giá trị văn hóa của Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng vốn dĩ rất dồi dào và trong bối cảnh hiện nay, còn rất nhiều cơ hội để khai thác hiệu quả. TiredCity cho rằng, trong danh sách các việc có thể làm hoặc nên làm để phát huy thế mạnh văn hóa không chỉ của Hà Nội mà của Việt Nam, việc quan trọng nhất và cấp thiết nhất là kết nối giữa hoạt động nghiên cứu văn hóa và hoạt động khai thác văn hóa. Một nền tảng nghiên cứu văn hóa tốt, dễ hiểu, dễ tiếp cận sẽ cung cấp cho các hoạt động sáng tạo những chất liệu phù hợp để phát triển sản phẩm, truyền thông định vị, thu hút khách hàng. Và ngược lại, hoạt động khai thác văn hóa được thực hiện tốt sẽ tạo thêm nhiều cơ sở, nguồn lực, thậm chí là hứng thú thuần túy cho hoạt động nghiên cứu không chỉ ở cấp độ học thuật thường thấy, mà còn cả ở cấp độ tò mò tìm hiểu của công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ.
Nghiên cứu tốt thì chúng ta sẽ có định vị tốt, định vị tốt sẽ là một trụ cột của chiến lược khai thác văn hóa. Và, khi chiến lược được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu vững vàng, việc ứng dụng triển khai sẽ hiệu quả. Không những thế, với giá trị đặc biệt và gần gũi như văn hóa, đây sẽ là một hành trình thú vị và đáng quý của tất cả những người cùng chung tay.
Bà Trịnh Thu Trang - Founder, Giám đốc sáng tạo của S-River Creative Agency:
Khắc phục khó khăn trong việc tiếp cận tư liệu gốc về văn hóa Hà Nội
Khi tôi quyết định đưa những yếu tố đặc trưng của văn hóa Hà Nội vào các thiết kế, tôi mong muốn những giá trị của văn hóa Hà Nội sẽ góp phần tạo cho các sản phẩm của tôi một bản sắc riêng với những điểm nhấn khác biệt, đặc biệt là giúp tôi kể những câu chuyện về Hà Nội với nhiều người.
Tính đến thời điểm hiện tại, các sản phẩm của S-River Creative Agency lấy cảm hứng từ văn hóa Hà Nội có thể kể đến là: Tem nhãn cho thương hiệu rượu gin Sông Cái với những chiếc tem lấy cảm hứng từ bức tranh “Bà chúa Thượng Ngàn” của dòng tranh Hàng Trống, hộp quà Tết của thương hiệu Yến Thị, bao bì sản phẩm cho thương hiệu Cỏ mềm Homelab... Bên cạnh sự thuận lợi, những doanh nghiệp như S-River thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và tiếp cận tư liệu, dữ liệu gốc về văn hóa Hà Nội. Nhiều điều tồn tại đến ngày hôm nay mà không có một văn bản chính thức nào ghi lại, chủ yếu được biết thông qua truyền miệng, rất khó xác minh và tìm nguồn gốc. Vì thế, tôi mong muốn Hà Nội xây dựng một kho tư liệu chuẩn về văn hóa Hà Nội, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và tham khảo. Đồng thời, các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu cũng cần tăng cường sự hỗ trợ, hướng dẫn để doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về ý nghĩa, nguồn gốc của các yếu tố văn hóa truyền thống, từ đó vận dụng hiệu quả hơn trong quá trình ứng dụng vào các sản phẩm.