Xây dựng thương hiệu: Hướng đến dòng cà phê đặc sản
Việt Nam đã bắt đầu sản xuất cà phê đặc sản với giá bán cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với mặt bằng thế giới.
Giá trị gia tăng từ chất lượng và cà phê đặc sản
Tập trung phát triển dòng cà phê đặc sản từ cà phê Arabica vùng Tây Bắc, là Honey Process Coffee và Natural Process Specialty Coffee, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Phúc Sinh cho biết, nhờ các thuộc tính đặc biệt như hương vị, độ chua, độ ngọt, độ cân bằng, độ sạch nên cà phê đặc sản có giá trị gia tăng cao và được khách hàng tại nhiều quốc gia ưa chuộng.

Mẫu cà phê Robusta đặc sản chế biến theo phương pháp honey. Ảnh minh họa
Kim ngạch xuất khẩu cà phê nửa đầu năm 2025 tăng mạnh nhờ giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam tăng hơn 59% so với cùng kỳ năm trước, nhưng một nguyên nhân khác được ông Phan Minh Thông nhắc đến đó là chất lượng cà phê Việt Nam được cải thiện rất nhiều trong 10 năm trở lại đây. Các nhà rang xay nổi tiếng ở EU, Hoa Kỳ, Italia đều biết đến và dùng cà phê Robusta của Việt Nam.
Thị trường EU cũng là thị trường trọng điểm của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai). 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp này tăng 48% so với cùng kỳ năm trước. Tiên phong với sản phẩm cà phê hòa tan, cà phê rang xay xuất sang thị trường EU, ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, kết quả xuất khẩu 6 tháng đầu năm chủ yếu nhờ vào giá cà phê ở mức cao, đặc biệt là sự đóng góp lớn từ nhóm sản phẩm chế biến sâu. Với các thị trường khó tính như EU, sản phẩm cà phê xuất khẩu không chỉ bằng chất lượng mà còn bằng câu chuyện trách nhiệm, minh bạch.
6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê thu về gần 5,5 tỷ USD và trở thành điểm sáng trong "bức tranh" xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. “Việt Nam đang hội nhập rất tốt trong những năm gần đây đối với ngành cà phê”, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột chia sẻ và cho hay, nội lực của ngành cà phê đang ngày càng được củng cố khi người dân và doanh nghiệp có cách ứng xử chuyên nghiệp hơn với thị trường. Đáng chú ý, Việt Nam đã bắt đầu sản xuất cà phê đặc sản với giá bán cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với mặt bằng thế giới.
Thị trường ngày càng khó tính, đòi hỏi thương hiệu có chiều sâu
EU là thị trường trọng điểm của cà phê Việt Nam. Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU khuyến nghị, để khai thác hiệu quả thị trường này, các doanh nghiệp cần tập trung vào dòng sản phẩm khác biệt như cà phê chất lượng cao, cà phê chế biến, cà phê có chứng nhận và cà phê đặc sản.
Bên cạnh đó, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ sang tiêu dùng xanh, sạch với việc áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững về lao động, môi trường; trong khi người tiêu dùng không chỉ quan tâm về giá cả, chất lượng sản phẩm mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa cho nên doanh nghiệp cần nhanh nhạy bắt kịp xu hướng này.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, mục tiêu chiến lược của ngành không chỉ là sản lượng mà phải là gia tăng giá trị và phát triển bền vững. Vì vậy, ngành cà phê định hướng đẩy mạnh tái canh, phát triển các vùng trồng chất lượng cao, áp dụng quy trình sản xuất có chứng nhận. Tập trung vào công nghiệp chế biến, tăng tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ 10% hiện nay lên 25-30% trong những năm tới. Đồng thời, thích ứng với các quy định mới của thị trường, điển hình là Quy định không gây mất rừng của EU (EUDR).
Kỷ lục kim ngạch xuất khẩu đạt 5,45 tỷ USD trong nửa đầu năm 2025 không chỉ phản ánh sức bật của ngành cà phê Việt Nam, mà còn cho thấy nhu cầu lớn của thị trường thế giới đối với mặt hàng này. Bổ sung cho định hướng phát triển ngành cà phê, chuyên gia Nguyễn Quang Bình cho rằng, chúng ta không thể chạy đua với Brazil về sản lượng hay giá rẻ. Con đường riêng của Việt Nam phải là cà phê đặc sản, chất lượng vượt trội và những câu chuyện giàu bản sắc đằng sau mỗi hạt cà phê.
Để hiện thực hóa khát vọng xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam có tầm vóc toàn cầu, cần một chiến lược phát triển tổng thể, dài hạn. Chính phủ cần đóng vai trò kiến tạo, trong đó ưu tiên đăng ký và bảo hộ các chỉ dẫn địa lý trọng yếu như “Cà phê Buôn Ma Thuột” trên thị trường quốc tế. Đây sẽ là một nền tảng quan trọng để nâng tầm giá trị và nhận diện thương hiệu quốc gia.
Các chương trình xúc tiến thương mại cũng cần được thiết kế lại theo hướng kể câu chuyện thương hiệu, về vùng nguyên liệu, về văn hóa cà phê phin độc đáo, về hành trình gìn giữ thổ nhưỡng và phát triển bền vững của người nông dân,… thay vì quảng bá chung chung.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động đầu tư vào nghiên cứu, phát triển (R&D), đẩy mạnh liên kết với nông dân để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn cao. Đây là yếu tố then chốt để thương hiệu cà phê Việt đủ sức chinh phục những thị trường khó tính nhất và định vị mình trên bản đồ cà phê thế giới.
Trong bối cảnh giá cà phê thế giới được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng thời gian tới, cà phê Việt Nam đang có nhiều cơ hội để “lập đỉnh” mới cả về giá bán và kim ngạch nếu sớm thực hiện dịch chuyển mạnh mẽ từ xuất khẩu nguyên liệu sang xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu với các dòng cà phê hòa tan, cà phê đặc sản có giá trị kinh tế cao.