Xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam: Phải làm sao để nhà đầu tư cảm thấy 'như ở nhà'

Chuyên gia quốc tế cho rằng, trung tâm tài chính tại Việt Nam phải có môi trường gần nhất với các môi trường quốc tế, để nhà đầu tư đến Việt Nam 'như ở nhà chứ không phải đến một nơi xa lạ'.

Cần hoàn thiện thể chế linh hoạt, hiện đại

Chia sẻ tại sự kiện “Kinh nghiệm quốc tế và vai trò hệ thống ngân hàng trong trung tâm tài chính” do Thời báo Ngân hàng tổ chức sáng 16/6, bà Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, định hướng phát triển của chúng ta thì TP.HCM sẽ là trung tâm tài chính quốc tế toàn cầu và ở Đà Nẵng là trung tâm tài chính quốc tế có mức độ khu vực. Hai cấp độ này khác nhau để tránh sự cạnh tranh của hai trung tâm ngay ở trong nước.

Theo bà Vân, nếu chúng ta muốn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế cạnh tranh được với các trung tâm tài chính quốc tế hiện có trong khu vực, cần quan tâm đến chỉ số đánh giá xếp hạng trung tâm tài chính (GFCI) theo 5 tiêu chí: Môi trường kinh doanh và thuế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, phát triển thị trường tài chính, danh tiếng…

Các yếu tố thuận lợi để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam đó là vị trí địa lý chiến lược, hội nhập kinh tế sâu rộng. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực cải thiện thể chế, pháp lý, môi trường đầu tư; kinh tế vĩ mô ổn định. Ở TP.HCM cũng đã có các thiết chế thị trường tài chính hiện đại, kinh tế năng động, thành phố này vào danh sách đánh giá GFCI từ năm 2022.

Các chuyên gia chia sẻ về việc xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam

Các chuyên gia chia sẻ về việc xây dựng trung tâm tài chính tại Việt Nam

Tuy nhiên, cũng có những thách thức nhất định. Đơn cử như về hạ tầng và thể chế, hạ tầng kinh tế - xã hội có đóng góp tích cực nhưng còn thiếu đồng bộ, giao thông quá tải, mất cân đối giữa các loại hình vận tải.

Bên cạnh đó, khung pháp lý chưa đáp ứng chuẩn quốc tế, thiếu quy định về giao dịch xuyên biên giới, bảo vệ nhà đầu tư. Cạnh tranh khu vực cũng ngày càng gay gắt như các trung tâm tài chính quốc tế khác đã có nền tảng mạnh và chính sách thu hút hấp dẫn. Ngoài ra, Việt Nam chưa tự do hóa tài chính đầy đủ, hạn chế về công nghệ và an ninh mạng…

Trước thực tế như trên, TP.HCM phù hợp với mô hình bán cổ điển, gắn kết giữa giao thương, công nghệ, thị trường vốn và dịch vụ tài chính, còn Đà Nẵng phù hợp với mô hình thế hệ mới, tích hợp khu thương mại tự do, dịch vụ tài chính xanh, quản lý rủi ro, ngoại hối.

Theo đại diện Bộ Tài chính, việc đầu tiên khi muốn xây dựng trung tâm tài chính quốc tế đó là cần hoàn thiện thể chế linh hoạt, hiện đại. Cụ thể, xây dựng khung pháp lý minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế, cho phép thử nghiệm mô hình mới như fintech, nền tảng số. Đồng thời, áp dụng mô hình sandbox như Singapore với quy trình cấp phép nhanh và bảo vệ nhà đầu tư tốt. Song song với đó là tăng cường giám sát rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sự ổn định và minh bạch thị trường.

Cùng với đó là phát triển hạ tầng tài chính và công nghệ; có chính sách miễn/giảm thuế cho tổ chức, cá nhân hoạt động tại trung tâm tài chính quốc tế; đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Phải tạo một môi trường tương đồng với quốc tế

Chia sẻ từ kinh nghiệm quốc tế, ông Richard D. McClellan - Cố vấn độc lập chuyên về chính sách kinh tế, phát triển khu vực tài chính và chiến lược đầu tư cho biết, để trở thành một trung tâm tài chính hiện đại và cạnh tranh, không chỉ cần thiết lập mà còn phải xây dựng dựa trên những đặc điểm chung của các IFC hàng đầu thế giới.

Ông Richard D. McClellan

Ông Richard D. McClellan

Điều này bao gồm: tính lưu động vốn cao, cho phép tự do hồi hương lợi nhuận; khả năng tiếp cận ngoại hối và hoạt động đa tiền tệ; mở cửa tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho sở hữu và hoạt động của các công ty toàn cầu, đặc biệt là FDI. Sự ổn định và khả năng dự đoán pháp lý, thông qua thực thi hợp đồng, trọng tài quốc tế và tuân thủ luật chung, là yếu tố then chốt tạo dựng niềm tin.

Bên cạnh đó, việc áp dụng chuẩn mực kế toán toàn cầu (IFRS) và xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính vững chắc (sàn giao dịch, trung tâm thanh toán bù trừ, cơ quan tín dụng) là bắt buộc.

Không kém phần quan trọng, hạ tầng mềm bao gồm việc thu hút và giữ chân nhân tài thông qua phong cách sống hấp dẫn, an toàn, và hệ thống giáo dục chất lượng. Để đạt được điều này, cần có chính sách bổ sung, hài hòa với hiện tại, tăng cường truyền thông đến nhà đầu tư quốc tế và phân định rõ ràng giữa hoạt động trong và ngoài trung tâm tài chính.

“Các nhà đầu tư họ đã làm quen với các môi trường của trung tâm tài chính quốc tế. Vì vậy phải làm sao Việt Nam phải có môi trường gần nhất với các môi trường quốc tế, để họ đến Việt Nam như ở nhà chứ không phải đến một nơi xa lạ” - Richard D. McClellan nói.

Ông Nguyễn Đức Long - Cục trưởng Cục An toàn các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng hiện nay, việc thành lập trung tâm tài chính tại Việt Nam còn khó và khác biệt hơn với các nước không chỉ ở quy mô dân số, địa lý… mà còn khác biệt về khung pháp lý.

Chúng ta có quy định chặt chẽ để đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô. Đơn cử như về quy định giao dịch vốn, tự do hóa dòng vốn là một điều kiện lớn để thành lập trung tâm tài chính nhưng Việt Nam đang có quy định chặt chẽ. Việc mở thêm định chế tài chính, ngân hàng thương mại rất chặt chẽ.

Do đó, làm sao để tạo ra một khung pháp lý đảm bảo trung tâm tài chính hoạt động hiệu quả nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn kinh tế vĩ mô là một bài toán khó.

Theo ông, trong trung tâm tài chính quốc tế hoạt động ngân hàng truyền thống sẽ không nhiều mà sẽ hướng về các hoạt động ngân hàng mới, theo thông lệ quốc tế. Đi kèm như vậy, việc quản lý an toàn hoạt động cũng được đặt ra…

Hà Loan

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xay-dung-trung-tam-tai-chinh-tai-viet-nam-phai-lam-sao-de-nha-dau-tu-cam-thay-nhu-o-nha-post609133.antd