ADB tài trợ 60 triệu USD để cải thiện cơ sở hạ tầng Phú Yên và Quảng Trị
Ngày 16/4, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam đã ký kết gói tài trợ trị giá 60 triệu USD để nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và cấp nước tại 5 huyện miền núi có đông cộng đồng dân tộc thiểu số cư trú nhất tại Phú Yên và Quảng Trị.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Chính phủ Việt Nam hôm nay đã ký kết gói tài trợ trị giá 60 triệu USD để nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và cấp nước tại Phú Yên và Quảng Trị. Ảnh: ADB.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Quốc Phương và Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Shantanu Chakraborty đã ký thỏa thuận về gói tài trợ tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội.
Dự án thành phần hai tỉnh ven biển miền trung gồm Phú Yên và Quảng Trị sẽ nâng cấp khoảng 133 km đường huyện và xã theo tiêu chuẩn chống chịu biến đổi khí hậu, xây dựng và nâng cấp hạ tầng cấp nước nông thôn, và cung cấp dữ liệu thời tiết và khí hậu đáng tin cậy hỗ trợ cảnh báo sớm và ứng phó thiên tai. Khoảng 363.000 người, bao gồm 187.000 đồng bào dân tộc thiểu số, sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ dự án.
Gói tài trợ bao gồm 59 triệu USD vốn vay ADB và 1 triệu USD viện trợ không hoàn lại từ Quỹ Công nghệ cao của ADB. Khoản viện trợ này sẽ tài trợ cho việc cung cấp và lắp đặt các hệ thống dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro thiên tai và khí hậu. Bên cạnh đó, dự án sẽ bao gồm 19,74 triệu USD đóng góp bởi Chính phủ Việt Nam.
Ông Chakraborty nhận định: "Dự án này là một bước tiến quan trọng hướng tới nâng cao khả năng chống chịu và tính bao trùm của cơ sở hạ tầng nông thôn tại khu vực ven biển miền trung Việt Nam. Dự án sẽ không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống cho các cộng đồng dân tộc thiểu số, mà còn góp phần phát triển kinh tế bền vững cho khu vực".
ADB nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã phục hồi ở mức 7,1% trong năm 2024. Tuy nhiên, vẫn tồn tại khoảng cách đáng kể giữa các huyện ven biển có nền kinh tế mạnh và các huyện vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các huyện vùng cao vẫn đang phải đối mặt với mạng lưới giao thông và cơ sở hạ tầng cấp nước kém chất lượng và chưa hoàn thiện.
Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán và bão xuất hiện ngày càng nhiều đang gây ra tình trạng dễ bị tổn thương về sinh kế và làm tăng chi phí sửa chữa, tái thiết và thích ứng. Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu cho cộng đồng dân tộc thiểu số sẽ giải quyết một số những thách thức này.
Việt Nam đề nghị ADB hỗ trợ thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn
Chiều tối 16/4, tiếp ông Scott Morris, Phó Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang thăm, làm việc tại Việt Nam và dự Hội nghị thượng đỉnh P4G, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ADB hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quy mô lớn, có tính chất xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái như các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cao tốc trục ngang, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt đô thị tại TP HCM, Hà Nội, tuyến đường sắt kết nối Việt Nam với Lào; các dự án hạ tầng năng lượng như Nhà máy điện hạt nhân, các dự án năng lượng tái tạo, cũng như các dự án phát triển lưới điện ven bờ và kết nối với các nước ASEAN; các dự án hạ tầng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, hạ tầng số; hạ tầng giáo dục, y tế…
Thủ tướng đề nghị ADB tiếp tục dành các khoản tài trợ phù hợp với định hướng của Việt Nam, nhất là các dự án quy mô lớn như kể trên.
Ông Scott Morris cũng đánh giá cao các chiến lược, bước đi mà Việt Nam đã đề ra để đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao năm 2030 và thu nhập cao năm 2045; cho rằng trong quá trình đó, mở ra nhiều cơ hội để ADB mở rộng hơn nữa các hoạt động cho vay và hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu chiến lược của mình.
Phó Chủ tịch ADB Scott Morris cho biết, ADB mong muốn đồng hành cùng Việt Nam, hỗ trợ Chính phủ giảm thiểu những khó khăn tiềm tàng trong phát triển kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp trước các thách thức toàn cầu; sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm các nguồn tài chính, nhất là tài chính cho các dự án hạ tầng.