Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Ngày 19/6, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, Quốc hội cho ý kiến về một số nội dung trọng tâm đang được cử tri quan tâm sâu sắc.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp. (Ảnh DUY LINH)

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Phó Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp. (Ảnh DUY LINH)

Thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, nhiều đại biểu Quốc hội cơ bản đồng thuận, thống nhất quan điểm, nguyên tắc xây dựng chương trình nhằm góp phần tích cực cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh và là hồn cốt của dân tộc.

Tán thành việc ban hành chương trình, nhưng đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) và nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể về hiệu quả kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và sự phát triển bền vững của chương trình, bởi việc đánh giá mới ở mức độ khái quát chung, sức thuyết phục và các số liệu minh chứng chưa cao, chưa đánh giá sâu sắc về tác động văn hóa là sức mạnh nội sinh và động lực phát triển cũng như vai trò văn hóa trong phát triển ngành du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Việc đánh giá đúng hiệu quả sẽ là những căn cứ quan trọng để xem xét quyết định chủ trương đầu tư của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) cho rằng, chương trình nêu trên còn trùng lặp 5/9 mục tiêu với Chiến lược văn hóa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, do đó đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng xây dựng các mục tiêu một cách rõ ràng, cụ thể, có trọng tâm, tránh dàn trải, ôm đồm, trùng lặp với nhiệm vụ chi đầu tư cho lĩnh vực văn hóa của các bộ, ngành, địa phương; cân nhắc đặc điểm cụ thể của từng địa bàn để bảo đảm tính đa dạng về văn hóa cũng như bảo đảm khả thi, phù hợp thực tiễn và khả năng nguồn lực đầu tư.

Tại phiên họp, nội dung quan trọng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là trong bối cảnh công nghiệp văn hóa đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của kinh tế tri thức, góp phần quảng bá, bảo vệ và phát triển bản sắc dân tộc, Chương trình mục tiêu đặt ra đến năm 2030 phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào 7% GDP của cả nước, đến năm 2035 phấn đấu đóng góp 8% và có mức tăng trưởng trung bình hằng năm đạt 7% là cần thiết. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng nêu rõ quan điểm các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân và xác định có 12 lĩnh vực.

Từ mục tiêu nêu trên, đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) và nhiều ý kiến lưu ý cần phát huy tối đa những bài học kinh nghiệm qua thực tiễn xây dựng, vận hành và giám sát các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng chương trình nêu trên thật sự thiết thực, đúng tiêu chí, tầm vóc như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chương trình cần xác định rõ thế mạnh của nước ta là gì để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, trong 12 lĩnh vực, lĩnh vực nào cần tập trung đầu tư nguồn lực, lĩnh vực nào cần xây dựng các cơ chế, chính sách kêu gọi xã hội hóa để huy động được các nguồn lực thực hiện, tránh dàn trải, đầu tư không hiệu quả.

Các ý kiến nhấn mạnh, phát triển công nghiệp văn hóa phải đi đôi với yêu cầu nâng cao chất lượng quản lý, vận hành, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thu hẹp đầu mối quản lý, hạn chế cơ chế xin-cho, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực văn hóa; tăng cường trách nhiệm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tối ưu nguồn lực đầu tư, không để xảy ra tình trạng: Không bố trí được nguồn lực; bố trí được nguồn lực nhưng không thực hiện được; đề xuất các mục tiêu, chỉ tiêu khó thực hiện và khó đo lường được kết quả đầu ra.

Tăng cường quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhiều đại biểu lo ngại, thời gian qua, tình hình cháy, nổ diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng an ninh, trật tự, đời sống xã hội, môi trường ổn định để phát triển kinh tế-xã hội, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư với nhiều loại hình, mô hình cơ sở sản xuất, kinh doanh mới xuất hiện. Thực tế này đòi hỏi cấp thiết phải tăng cường các giải pháp, biện pháp, yêu cầu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.

Nhiều đại biểu đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định về chính sách phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, nhất là ưu tiên chính sách đưa công tác giáo dục, tuyên truyền về nội dung này vào trường học; có chính sách về bảo đảm đầu tư, phân bổ nguồn lực phục vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp tình hình phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, vùng miền.

Nội dung quan trọng nữa là tiếp tục nghiên cứu làm rõ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy đối với từng loại quy hoạch để có giải pháp, thiết kế về phòng cháy, chữa cháy phù hợp. Dự thảo luật cần xác định rõ hơn cách thức áp dụng tiêu chuẩn, điều kiện đối với từng loại công trình, dự án; rà soát, thống nhất các quy định liên quan thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục, phân công phối hợp trong thẩm tra, thẩm định, kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, trong đó đặc biệt cân nhắc quy định giao trách nhiệm “tổ chức nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy” cho chủ đầu tư dự án, công trình, chủ phương tiện giao thông cơ giới.

Đẩy nhanh hiệu lực thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 1/8

Chiều qua, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Theo đó, Chính phủ đề xuất cho phép bốn luật nêu trên có hiệu lực thi hành sớm từ ngày 1/8 để khắc phục tồn tại trong định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư vốn là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm. Việc này cũng tạo hành lang pháp lý, giải phóng nguồn lực đất đai, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội. Về phía doanh nghiệp, người dân sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn trong thực hiện quyền của người sử dụng đất, bảo vệ quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, việc các luật sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này. Tuy nhiên, việc sửa đổi hiệu lực thi hành sớm hơn năm tháng sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành; từ đó, sẽ ảnh hưởng chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai thi hành luật.

Để bảo đảm các luật được thi hành hiệu quả trong trường hợp Quốc hội thông qua việc có hiệu lực sớm, đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo và thực hiện đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 3870/TB-TTKQH: Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh hiệu lực của các luật; nhận diện rõ, đầy đủ rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, hệ quả tiêu cực của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp của các luật, chủ động có các giải pháp xử lý, khắc phục.

Yêu cầu đặt ra nữa là bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm; không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển; không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng chịu tác động, môi trường đầu tư kinh doanh, quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng dẫn đến phản ứng xã hội, khiếu nại, khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Các bộ, ngành, địa phương sớm ban hành kịp thời các văn bản cần thiết để hướng dẫn, quy định chi tiết việc thi hành các luật bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra vướng mắc do thiếu văn bản cụ thể hóa.

Tờ trình của Chính phủ đề xuất tổng nguồn lực cho cả Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là 256.250 tỷ đồng. Tôi cho rằng đây là con số rất lớn so với thực lực ngân sách, hơn nữa về căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn là chưa đầy đủ.

Tại Báo cáo số 2016, Hội đồng Thẩm định Nhà nước đã khẳng định “chưa đủ cơ sở để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho chương trình trong giai đoạn 2026-2030”; Báo cáo số 624 của Kiểm toán Nhà nước cũng nêu “chưa rõ cơ sở, chưa rõ khả năng cân đối nguồn vốn khi đề xuất nguồn lực quá lớn”.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn thành phố Hà Nội)

Tại Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, tôi thống nhất với đề xuất của Chính phủ về sự cần thiết phải nghiên cứu, đầu tư xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng nội dung, phạm vi, quy mô cũng như cân đối nguồn lực để xác định danh mục và lộ trình triển khai thực hiện bảo đảm phù hợp khả thi và hiệu quả.

Đại biểu Khang Thị Mào (Đoàn Yên Bái)

Đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá kỹ tác động của các quy định về điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở, phương tiện giao thông cơ giới. Trong đó, cần quy định cụ thể về yêu cầu thiết kế, lắp đặt hệ thống điện; nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý phương tiện giao thông chạy bằng điện...

(Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội)

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xay-dung-va-phat-trien-nen-van-hoa-viet-nam-tien-tien-dam-da-ban-sac-dan-toc-5012197.html