Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương

Việc xây dựng thương hiệu giúp sản phẩm bò một nắng của Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm A Lý được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Ảnh: LỆ VĂN

Phú Yên là tỉnh có nền nông nghiệp với các sản phẩm nông - lâm - thủy sản khá đa dạng và phong phú. Với mục tiêu xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị đặc sản địa phương, thời gian qua, Sở KH-CN cùng các địa phương đã nỗ lực xác lập nhãn hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng.

Những kết quả bước đầu

Theo thống kê của Sở KH-CN, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.007 đối tượng sở hữu công nghiệp và dịch vụ đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ, trong đó có 1 sáng chế, 2 giải pháp hữu ích, 33 kiểu dáng công nghiệp, 971 nhãn hiệu hàng hóa và dịch vụ. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 21 nhãn hiệu cộng đồng được bảo hộ sở hữu trí tuệ, gồm 16 nhãn hiệu tập thể, 3 nhãn hiệu chứng nhận và 2 chỉ dẫn địa lý. Về sản phẩm OCOP, toàn tỉnh có 41 sản phẩm, trong đó 6 sản phẩm 4 sao, 35 sản phẩm đạt 3 sao. Ngoài ra, các sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng đạt sao có đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp là 17 sản phẩm; chưa đăng ký bảo hộ là 24 sản phẩm.

Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN, việc sử dụng thương hiệu cộng đồng đã được tạo lập quyền sở hữu công nghiệp dưới hình thức nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận mang tên các địa danh trên các sản phẩm có ý nghĩa lớn, thương hiệu có tính bền vững cao, được pháp luật thừa nhận và có ấn tượng đối với thị trường người tiêu dùng. Một số sản phẩm sau khi đăng ký xác lập quyền, bước đầu đã tạo được những ưu thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như nâng cao giá trị, thị trường mở rộng, bước đầu tạo được lòng tin đối với người tiêu dùng… Đây là cơ sở để tiếp tục phát triển các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của địa phương nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển sản xuất hàng hóa.

“Việc đăng ký và được cấp nhãn hiệu bảo hộ đối với sản phẩm có ý nghĩa rất quan trọng với mỗi doanh nghiệp, là cơ sở quan trọng và tiền đề để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của mình. Bảo hộ nhãn hiệu giúp định vị được sản phẩm và tạo danh tiếng cho hàng hóa để người tiêu dùng trong và ngoài nước tin tưởng, sử dụng sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa, thúc đẩy các cơ sở sản xuất kinh doanh gìn giữ và nâng cao chất lượng sản phẩm”, Giám đốc Sở KH-CN nói.

Theo ông Phạm Văn Hổ, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thực phẩm A Lý (TP Tuy Hòa), việc xây dựng nhãn hiệu sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, an tâm khi sử dụng hàng hóa. “Việc xây dựng nhãn hiệu, ngoài công nhận nhãn hiệu, xác lập thương hiệu còn góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng và giúp nhà sản xuất chống các hành vi cạnh tranh không lành mạnh”, ông Hổ chia sẻ.

Số lượng nhãn hiệu cộng đồng được công nhận tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồ họa: LỆ VĂN

Số lượng nhãn hiệu cộng đồng được công nhận tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồ họa: LỆ VĂN

Chú trọng việc phát triển thương hiệu

Thời gian qua, Phú Yên triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất và hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, đăng kýbảo hộ sở hữu trí tuệ, Chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, Chương trình mỗi xã một sản phẩm… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về sở hữu trí tuệ, tạo dựng, quản lývà phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản mang địa danh của tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở KH-CN, thực tế nhận thức của nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất về vai trò, ý nghĩa của bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm còn nhiều hạn chế, số lượng đơn đăng ký để được cấp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn khá khiêm tốn so với số lượng tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Điều này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là đa phần doanh nghiệp của tỉnh có quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chất lượng sản phẩm chưa có tính cạnh tranh. Nguyên nhân khách quan, thời gian đăng kýxác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sản phẩm hàng hóa theo quy định hiện nay kéo dài, số đơn còn tồn đọng lớn gây tâm lý e ngại cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký.

Theo ông Dương Bình Phú, trong thời gian đến, Sở KH-CN sẽ đẩy mạnh triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Phú Yên đến năm 2030. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương và các tổ chức có liên quan tiếp tục rà soát, chọn lựa các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh để xây dựng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận. Qua đó tạo tiền đề thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho người sản xuất, kinh doanh sản phẩm phát triển nghề, nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị của sản phẩm…

“Để xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm hàng hóa thì sự chủ động của các chủ thểsản xuất đóng vai trò quan trọng. Do đó, Sở KH-CN tập trung tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người sản xuất; đồng thời phát huy vai trò của các hiệp hội, các HTX trong việc quản lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu của doanh nghiệp; chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về xây dựng, phát triển thương hiệu, hội nhập kinh tế quốc tế, thương mại điện tử”, Giám đốc Sở KH-CN Dương Bình Phú cho biết thêm.

Theo ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, thực tế cho thấy một số doanh nghiệp Việt Nam chỉ khi đã bị doanh nghiệp khác hoặc các chủ thể nước ngoài chiếm đoạt tên sản phẩm gây thiệt hại thì mới nhận ra tầm quan trọng của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Vì vậy, hiện nay doanh nghiệp Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung cần phải có thức hơn về vai trò của tài sản trí tuệ và thực hiện đăng kýbảo hộ sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp…

“Việc xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm đặc trưng của các địa phương nói riêng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng tầm giá trị hàng hóa của tỉnh. Qua đó thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Đểthực hiện được điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành có liên quan và nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất”, ông Trần Lê Hồng nhấn mạnh.

Trong thời gian qua, việc xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh ngày càng được các địa phương, các chủ thể sản xuất trên địa bàn tỉnh chú trọng, quan tâm. Điều đó giúp các sản phẩm hàng hóa của địa phương phát triền bền vững và tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH-CN

VĂN TÀI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/79/292195/xay-dung-va-phat-trien-thuong-hieu-san-pham-dia-phuong.html