Xây dựng văn hóa giao thông an toàn

Tuần qua, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, khiến 2 người tử vong, 6 người bị thương, xuất phát từ nguyên nhân vô cùng đáng tiếc. Xe ô tô 16 chỗ lưu thông hướng Hà Nội đi Hải Phòng đã va chạm với xe bán tải chạy đằng trước.

Sau khi va chạm, hai phương tiện dừng lại trên làn cao tốc ngoài cùng bên trái theo hướng di chuyển, sát với dải phân cách cứng. Và nhóm người trên hai xe xuống nói chuyện với nhau ở phía trước đầu xe 16 chỗ. Ít phút sau, một xe 7 chỗ từ phía sau lao tới, đâm vào xe 16 chỗ. Hai người tử vong trong vụ tai nạn này được xác định đang đứng dưới đường.

Việc đúng sai, lỗi do ai, cơ quan chức năng sẽ điều tra, kết luận. Song rõ ràng vụ tai nạn này có thể tránh được nếu các bên tuân thủ đúng quy định. Trong tình huống va chạm đầu tiên giữa xe 16 chỗ và xe bán tải, lái xe phải bật ngay đèn cảnh báo khẩn cấp, quan sát thấy thật sự an toàn mới xuống xe đặt vật cảnh báo cách phương tiện tối thiểu 150m. Nếu phương tiện hư hỏng nặng, lái xe chụp ảnh hiện trường, rồi tìm cách đưa xe vào làn khẩn cấp, gọi điện cho đơn vị quản lý, vận hành đường cao tốc hoặc cơ quan chức năng.

Đáng nói hơn, vụ tai nạn này một lần nữa cảnh báo về văn hóa giao thông an toàn. Thực tế, không ít người sau khi xảy ra va chạm giao thông vẫn thường đôi co, tranh luận đúng sai, mà quên mất việc trước hết là phải bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh, không làm cản trở các phương tiện khác lưu thông. Thậm chí, không ít trường hợp xảy ra xô xát, dù chỉ va chạm nhẹ không gây thiệt hại. Không chỉ trên đường cao tốc mới nguy hiểm mà kể cả trên đường trong đô thị, tai nạn giao thông luôn rình rập khi các quy định về an toàn không được tuân thủ.

Việc thiếu văn hóa giao thông an toàn, thích hơn thua cũng thể hiện ở ngay cách điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đó là lấn làn, vượt ẩu, chèn ép nhau, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, sẵn sàng cắt đầu phương tiện đang đi đúng chiều, đúng phần đường của mình… Đáng tiếc, những hành vi gây mất an toàn giao thông, thậm chí vô cùng nguy hiểm này vẫn diễn ra khá phổ biến, dường như chưa có “thuốc đặc trị”.

Qua vụ tai nạn nghiêm trọng trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, rất nhiều bài học được rút ra, nhưng trên hết đó là ý thức tuân thủ quy định khi tham gia giao thông. Với đường cao tốc, đó là giữ tốc độ, giữ khoảng cách giữa các phương tiện, cảnh báo kịp thời khi gặp sự cố và nhanh chóng di chuyển đến nơi an toàn. Với giao thông nói chung còn gồm ý thức nhường nhịn khi lưu thông, không phóng nhanh, vượt ẩu, đi đúng làn, tuân thủ hiệu lệnh hay tín hiệu điều khiển, không sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện… Nói rộng hơn, văn hóa giao thông an toàn hình thành từ ý thức và hành động của mỗi người.

Muốn vậy, việc tuyên truyền, hướng dẫn phải tiếp tục thực hiện thường xuyên, liên tục, mọi nơi, mọi lúc, với mọi đối tượng. Đặc biệt, việc xây dựng văn hóa giao thông an toàn cần chú trọng ngay từ trẻ nhỏ, thông qua bài học và tấm gương của cha mẹ, thầy, cô giáo.

Cùng với tuyên truyền, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm hành vi vi phạm, tổ chức các đợt ra quân theo chuyên đề, tập trung xử lý lỗi vi phạm phổ biến, là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Vừa giáo dục, tuyên truyền, vừa kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm một cách kiên quyết, kiên trì sẽ góp phần xây dựng văn hóa giao thông an toàn.

Và, nếu mỗi người tự thay đổi thì những vụ tai nạn giao thông vô cùng đáng tiếc như trên sẽ không còn xảy ra.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xay-dung-van-hoa-giao-thong-an-toan-672145.html