Xây tổ đón nhân tài ngành bán dẫn

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh bán dẫn đang là một điểm nghẽn lớn trong việc thu hút các tập đoàn công nghệ chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.

Số liệu từ Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, đến cuối năm 2023 cả nước có hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip. Nhu cầu nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam là 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm, song khả năng đáp ứng chưa đến 20%.

Để hiện thực hóa chủ trương tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Chính phủ đã xác định bán dẫn là một trong chín sản phẩm quốc gia.

Bên cạnh đó, cùng với sự gia tăng đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam có tiềm năng trở thành đối tác của nhiều quốc gia lớn trên thế giới trong lĩnh vực này.

Báo cáo của Technavio cho thấy, thị trường bán dẫn Việt Nam giai đoạn 2021-2025 đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%/năm. Thế nhưng, thực trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã trở thành khó khăn lớn của ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia đào tạo lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Tuy nhiên, số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm còn rất ít.

Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực bán dẫn đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự thiếu hụt nguồn nhân lực này nằm ở quy luật khách quan trong quan hệ cung - cầu, giữa hệ thống giáo dục đào tạo và thị trường lao động.

FPT xây tổ đón nhân tài ngành bán dẫn tại Đà Nẵng - Ảnh: VA

FPT xây tổ đón nhân tài ngành bán dẫn tại Đà Nẵng - Ảnh: VA

Để giải quyết bài toán này, các doanh nghiệp công nghệ trong nước như FPT đã chủ động "xây tổ" đón nhân tài ngành bán dẫn, thông qua việc hợp tác với thành phố trọng điểm như Đà Nẵng.

"Chúng tôi mong muốn hợp tác trong quy hoạch nhân sự, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch bán dẫn và đưa Đà Nẵng thành "thung lũng Silicon" tại Việt Nam", ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc tập đoàn FPT cho hay.

Theo ông Tuấn, FPT đang kiên định với mục tiêu xây dựng 10.000 nhân sự về vi mạch bán dẫn vào năm 2030, sau đó có thể lên tới 20.000 - 30.000 người mỗi năm.

Điều này hoàn toàn phù hợp với kế hoạch về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2030 được UBND TP. Đà Nẵng ban hành năm 2023.

Cụ thể, Đà Nẵng đặt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 30% GRDP thành phố, với tối thiểu 8.950 doanh nghiệp và 115.000 nhân lực thuộc mảng này. Trong đó, sản xuất vi mạch được xác định là trọng tâm ưu tiên phát triển.

Tại Đà Nẵng, FPT đang hiện thực hóa mục tiêu đưa thành phố này trở thành trung tâm nguồn lực số toàn cầu, khi khu phức hợp văn phòng FPT Complex đã được Chính phủ công nhận là khu công nghệ thông tin trung tâm trong năm ngoái.

"FPT Complex đang phấn đấu mức tăng trưởng về nhân sự đạt 30%, tương đương tuyển thêm 2.000 người để cuối năm 2024, tổng số công nhân viên sẽ ước tính khoảng 7.500", ông Nguyễn Tuấn Phương, Chủ tịch FPT Software Đà Nẵng chia sẻ.

Ngoài ra, ông Phương cũng hé lộ thêm về việc khởi công xây dựng dự án FPT Innovation Center nhằm tiếp tục mở rộng và tăng cường sự đầu tư tại Đà Nẵng.

Để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao tại Đà Nẵng, cuối năm 2023, số người học tại Tổ chức giáo dục FPT tại Đà Nẵng là 17.500 học sinh, sinh viên.

Bên cạnh đó, FPT còn có văn phòng của Trung tâm Trao đổi sinh viên quốc tế và Trung tâm Đào tạo và Xuất khẩu nhân lực Vi mạch bán dẫn tại Đà Nẵng, hướng đến việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố.

Việt Hưng

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/xay-to-don-nhan-tai-nganh-ban-dan-1718416424774.htm