Xe chạy bằng điện với giao thông công cộng

Sau khi xe buýt chạy bằng điện được đưa vào khai thác tại Hà Nội, một số loại hình vận tải công cộng khác như xe taxi cũng đang triển khai sử dụng xe điện. Không chỉ thân thiện với môi trường, xe điện cũng được đánh giá phù hợp với tần suất hoạt động cao của phương tiện vận tải công cộng. Tuy nhiên, để phổ biến loại phương tiện này, hướng đến hình thành thói quen mới của người dân, có những rào cản cần vượt qua như chi phí vận hành và hạ tầng phục vụ xe điện.

Mở đầu xu hướng mới

Vào cuối tháng 3-2023, hãng taxi Lado, hoạt động chủ yếu tại tỉnh Lâm Đồng, đã quyết định đầu tư và mở rộng dịch vụ taxi điện lên quy mô lớn, tiến tới thay thế dần xe chạy bằng xăng. Cụ thể, Lado đặt mua từ VinFast số lượng 40 xe ô tô điện, bổ sung vào đội xe điện đã được vận hành. Bên cạnh đó, Lado cũng ký hợp đồng thuê 500 xe điện của VinFast thông qua Công ty Cổ phần Di chuyển xanh và thông minh (GSM). Thời hạn thuê 42 tháng kể từ ngày ký hợp đồng chính thức, có thể được gia hạn tùy vào nhu cầu sử dụng thực tế. Với quy mô lên đến hơn 600 taxi điện, Lado trở thành doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực vận tải hành khách xanh, bền vững, thân thiện với môi trường tại Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đồng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đồng Thúy, đơn vị sở hữu thương hiệu Lado Taxi, qua thực tế triển khai dịch vụ taxi điện trong gần một năm, cho thấy những lợi thế vượt trội của xe điện so với xe chạy bằng xăng như không mùi, không tiếng ồn, tiết kiệm chi phí vận hành, bảo trì, bảo dưỡng và được trang bị rất nhiều tính năng, công nghệ thông minh. Những điểm này phù hợp với dịch vụ taxi mà Lado đang cung cấp, bởi vừa giúp bảo vệ sức khỏe của tài xế và hành khách, vừa giúp tối ưu hiệu quả kinh doanh và mang đến những trải nghiệm mới mẻ.

 Xe điện đang được thúc đẩy để sử dụng cho hoạt động vận tải công cộng. Ảnh: ĐOÀN LINH

Xe điện đang được thúc đẩy để sử dụng cho hoạt động vận tải công cộng. Ảnh: ĐOÀN LINH

Dự kiến, hãng taxi sử dụng xe thuần điện đầu tiên tại Việt Nam sẽ bắt đầu hoạt động tại Hà Nội vào tháng 4-2023 do Công ty GSM thành lập. Đồng thời, GSM cũng cung cấp dịch vụ cho thuê ô tô, xe máy điện cho các hãng dịch vụ vận chuyển như taxi, “xe ôm” công nghệ với quy mô 10.000 ô tô và 100.000 xe máy của VinFast. Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty GSM cho biết, công ty được thành lập nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái di chuyển xanh và thông minh tại Việt Nam, cung cấp cho người dân thêm lựa chọn để có thể sử dụng xe điện với chi phí hợp lý. Qua đó, thúc đẩy cuộc cách mạng xanh diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Trong tương lai, dịch vụ cho thuê xe điện sẽ mở rộng để tiếp cận đến người tiêu dùng trực tiếp. Trước mắt, GSM sẽ tập trung hướng tới mô hình cho thuê với hãng dịch vụ vận chuyển nhằm bảo đảm năng lực vận hành và chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm của khách hàng, từng bước tạo thói quen sử dụng phương tiện xanh, thông minh và thân thiện với môi trường trong đời sống hằng ngày.

Những rào cản cần vượt qua

Việc sử dụng xe điện cho hoạt động vận tải công cộng đã được một số nước triển khai, đặc biệt tại các đô thị lớn. Theo Hiệp hội Taxi TP Hà Nội, Trung Quốc là một trong số các quốc gia đẩy mạnh sử dụng xe điện cho dịch vụ taxi, nhất là tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thâm Quyến. Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Hà Nội chia sẻ, về quan điểm tăng cường sử dụng xe điện để thân thiện với môi trường thì các đơn vị hoạt động vận tải rất ủng hộ, trong đó có các doanh nghiệp taxi. Tuy nhiên, có hai yếu tố mà đơn vị vận tải rất quan tâm khi thay thế phương tiện sử dụng xăng, dầu sang xe chạy bằng điện là chi phí và hạ tầng cho xe điện.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, một số doanh nghiệp taxi đang nghiên cứu mô hình thuê xe điện của VinFast. Theo thông tin từ đơn vị cho thuê xe điện, chi phí cho phương tiện gồm tiền thuê xe, thuê pin, tiền sạc khoảng 20 triệu đồng/tháng/xe. Với mức chi phí này, cộng thêm tiền lương cho lái xe và các chi phí khác, mỗi xe cần đạt doanh thu bình quân 42-44 triệu đồng/tháng thì doanh nghiệp mới có được mức lợi nhuận chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng. "Trong giai đoạn hiện nay, khi hoạt động vận tải chưa phục hồi hoàn toàn sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đạt được mốc doanh thu cao như vậy sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, để chuyển đổi phương tiện sang xe điện còn liên quan đến hạ tầng, đây là yếu tố rất quan trọng, cần có nhiều trạm sạc, thông thoáng, nhiều xe đỗ được cùng một lúc vì đặc thù xe taxi không như xe cá nhân, điều kiện sinh hoạt của lái xe khác nhau, không thể mang xe về tự sạc ở nhà", ông Nguyễn Công Hùng nhìn nhận.

Bên cạnh xe điện, hiện nay, một số nhà sản xuất ô tô đang tiếp tục phát triển xe hybrid (xe có cả động cơ chạy bằng xăng, dầu và động cơ điện) và xe sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường như hydro. Các loại xe này có thể cung cấp thêm lựa chọn cho người dân, doanh nghiệp. Vấn đề quan tâm hàng đầu đối với đơn vị vận tải là khả năng thu hồi vốn và nâng cao thu nhập cho người lao động. Vì vậy, để thúc đẩy hơn nữa quá trình chuyển đổi phương tiện, góp phần bảo vệ môi trường, cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người dân và xã hội.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/xe-chay-bang-dien-voi-giao-thong-cong-cong-724204