Xe điện đưa nước Anh tăng tốc cùng giao thông xanh
Theo giới chuyên gia, chuyển sang xe điện được xem là giải pháp cốt lõi để cắt giảm khí thải, đồng thời thúc đẩy phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Đường phố tại London. Ảnh: TTXVN
* Đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi xanh
Chính phủ Anh ngày 15/7 công bố gói trợ cấp trị giá 650 triệu bảng Anh (877 triệu USD) nhằm khuyến khích người dân sử dụng xe điện. Theo đó, người mua xe điện mới dưới 37.000 bảng sẽ được hỗ trợ tới 3.750 bảng, đồng thời 63 triệu bảng được đầu tư vào hệ thống sạc tại nhà và các kho bãi doanh nghiệp. Đây là bước đi quan trọng trong lộ trình hướng tới mục tiêu không phát thải vào năm 2050. Theo kế hoạch, Anh sẽ dừng bán xe chạy xăng và diesel từ năm 2030 và ngừng sản xuất xe tải chạy nhiên liệu hóa thạch từ năm 2035. Theo báo cáo của Ủy ban biến đổi khí hậu (CCC)- cơ quan độc lập tư vấn cho chính phủ Anh về biến đổi khí hậu, lợi ích hàng đầu của việc chuyển đổi sang xe điện là cải thiện chất lượng không khí trong bối cảnh ô nhiễm không khí là rủi ro môi trường hàng đầu đối với sức khỏe con người tại Anh. Ô nhiễm không khí gây ra 40.000 ca tử vong sớm trong năm 2016 và là một nguyên nhân gây gia tăng số ca tử vong do COVID-19 tại Anh.
Việc chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện vào năm 2050 sẽ có tác động lớn trong việc giảm nitơ điôxit (NO2) và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi không phải methane (NMVOC) - nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn, viêm nhiễm và các vấn đề về phổi khác. Một nghiên cứu sâu hơn được thực hiện cho CCC chỉ ra rằng tác động đến chất lượng không khí và tiếng ồn của điện khí hóa giao thông có thể mang lại lợi ích hàng năm tương đương gần 0,1% GDP vào năm 2030.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi cũng mở ra cơ hội đầu tư và việc làm xanh. Theo công ty tư vấn Vivid Economics, nếu đạt mục tiêu vào năm 2030, sản lượng xe điện của Anh có thể đạt 880.000 chiếc/năm, tạo ra 89.000 việc làm. Cho đến nay, Chính phủ Anh đã đầu tư tổng cộng 4,5 tỷ bảng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe điện, đảm bảo vị trí dẫn đầu thế giới về chuyển đổi sang xe không phát thải với thị trường xe điện lớn nhất châu Âu vào năm 2024 và doanh số tăng 20% so với năm trước. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như yêu cầu lắp trạm sạc tại nhà mới xây, hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận trạm sạc và khuyến khích thanh toán không tiếp xúc. Khoản tài trợ trị giá 63 triệu bảng trong gói trợ cấp mới sẽ hỗ trợ các gia đình không có lối đi riêng sạc điện tại nhà, chuyển đổi đội xe cứu thương và xe y tế của Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) và xây dựng hàng nghìn trạm sạc tại các kho bãi của doanh nghiệp trên cả nước, đồng thời hiện đại hóa hệ thống biển báo sạc xe điện trên các tuyến đường chính. Đây là động thái mới nhất nhằm củng cố mạng lưới sạc điện tại Anh, hiện đã đạt mức kỷ lục 82.000 trạm sạc công cộng. Anh dự kiến sẽ có thêm 100.000 trạm nữa được lắp đặt nhờ Quỹ hạ tầng xe điện địa phương của Chính phủ và 6 tỷ bảng đầu tư tư nhân được cam kết đến năm 2030. *Vượt lên trở ngại Dù vậy, quá trình này vẫn đối mặt nhiều thách thức. Việc tăng số lượng xe điện sẽ làm giảm nhu cầu xăng và dầu diesel nhưng lại làm tăng nhu cầu điện, gây áp lực lên lưới điện (cả về công suất điện và cân bằng lưới điện). Sau năm 2030 khi xe mới chạy xăng và dầu dieseel không được phép bán, vẫn còn nhiều vấn đề lớn phải giải quyết như nguồn cung ứng vật liệu đất hiếm cho sản xuất pin và năng lực tái chế pin. Thiếu chiến lược tổng thể về hạ tầng sạc - đặc biệt trên đường phố - cũng là một rào cản. Theo CCC, Anh hiện chỉ có khoảng 18.000 điểm sạc công cộng cho 400.000 xe điện, trong khi để đạt 23,2 triệu xe vào năm 2032 cần tới 325.000 điểm sạc. Một thách thức khác là công suất mạng lưới sạc hạn chế trong khi chi phí nâng cấp cao. Các công ty muốn lắp đặt điểm sạc cho đội xe, nhân viên và khách hàng của mình tại các bãi đỗ xe cũng như các chính quyền địa phương có thể phải chịu chi phí tới hàng triệu bảng. Điều này có thể là một trở ngại cho việc triển khai hạ tầng sạc. Để hoàn thành việc chuyển đổi sang xe điện đúng thời hạn năm 2030, chính phủ cần xây dựng một chiến lược sạc điện toàn diện, gồm các điểm sạc trên đường phố, theo các chuyên gia, nhấn mạnh việc tiếp cận đầy đủ cơ sở hạ tầng sạc là điều cần thiết để cho phép chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện. Việc xây dựng chiến lược cần có sự tham gia của các đội xe của doanh nghiệp và cư dân để đảm bảo khắc phục được những vấn đề mà chính quyền địa phương gặp phải trong việc triển khai cơ sở hạ tầng, như thiếu nhân lực, thiếu khả năng dự báo để đánh giá vị trí và số lượng điểm sạc cần thiết, cách trang trải chi phí bảo trì và cách đảm bảo sử dụng bãi đậu xe công bằng và hợp lý. Chính phủ cũng cần tiếp tục hợp tác với ngành và các nhà cung cấp mạng để đảm bảo có một mô hình tài trợ công bằng nhằm tối đa hóa hạ tầng sạc mà không gây gánh nặng chi phí quá mức cho các doanh nghiệp và chính quyền địa phương ở một khu vực cụ thể. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng khu vực tư nhân trong quá trình chuyển đổi sang xe điện. Họ cho rằng chính phủ cần đưa ra điều kiện chính sách đủ rõ và dài hạn để giải quyết các rào cản thị trường, các tác nhân khác nhau trong hệ sinh thái xe điện để các bên có thể cùng nhau tạo ra sự chuyển đổi thị trường bền vững. Giới phân tích nhận định Anh có thể hoàn thành mục tiêu chuyển đổi sang xe điện vào năm 2030 nếu chính phủ triển khai các chương trình khung chính sách phù hợp, đưa ra định hướng và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân trong quá trình này/.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xe-dien-dua-nuoc-anh-tang-toc-cung-giao-thong-xanh/381912.html