PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc: Chìa khóa thành công cho giao thông xanh Hà Nội

'Lộ trình cấm xe máy chạy xăng trong Vành đai 1 cần đi kèm với các điều kiện kỹ thuật, chính sách hỗ trợ và sự đồng thuận xã hội. Chìa khóa thành công nằm ở chỗ chính sách phải được thiết kế dựa trên dữ liệu khoa học, kèm theo kịch bản mô phỏng khả thi và công khai', PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội, trao đổi với Kinh tế Sài Gòn.

Lộ trình cấm xe máy chạy xăng trong Vành đai 1 mà Hà Nội đang xây dựng để áp dụng sẽ là một bài học kinh nghiệm cho các giai đoạn tiếp theo. Ảnh: ĐẠT THÀNH

Lộ trình cấm xe máy chạy xăng trong Vành đai 1 mà Hà Nội đang xây dựng để áp dụng sẽ là một bài học kinh nghiệm cho các giai đoạn tiếp theo. Ảnh: ĐẠT THÀNH

Táo bạo, cần thiết nhưng cần lộ trình

KTSG: Vừa rồi, thành phố Hà Nội đã mạnh dạn đưa ra lộ trình cấm xe máy xăng hoạt động trong Vành đai 1, tiến tới mở rộng vùng phát thải thấp theo lộ trình từ ngày 1-7-2026 tới năm 2030, tiến tới áp dụng cho cả ô tô chạy xăng. Ông bình luận như thế nào về chủ trương này?

- PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc: Đây là một bước đi táo bạo và cần thiết nếu Hà Nội muốn hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Tuy nhiên, táo bạo không đồng nghĩa với hấp tấp - lộ trình này cần đi kèm với các điều kiện kỹ thuật, chính sách hỗ trợ và sự đồng thuận xã hội. Việc chuyển đổi là tất yếu, nhưng phải được dẫn dắt bằng dữ liệu khoa học và đối thoại minh bạch với người dân để đảm bảo tính khả thi và bền vững.

KTSG: Dù người dân đều đồng tình với mục tiêu hạn chế ô nhiễm môi trường, trước tiên ở vùng lõi của Hà Nội, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về lộ trình và các điều kiện để áp dụng chủ trương trên, chẳng hạn, kinh phí chuyển đổi xe máy chạy xăng sang xe điện, hạ tầng trạm sạc cho xe máy, mức độ an toàn của pin và độ bền của động cơ xe điện… Ông có chia sẻ với những băn khoăn này hay không? Dưới góc độ chuyên môn, quan điểm của ông như thế nào?

- Tôi hoàn toàn chia sẻ với những băn khoăn của người dân, bởi nếu không thấy được một lộ trình rõ ràng, chính sách cụ thể và hạ tầng sẵn sàng, thì việc chuyển đổi sẽ gây tâm lý lo lắng và phản ứng trái chiều.

Dưới góc độ chuyên môn, tôi cho rằng Hà Nội cần làm rõ đâu là mức sẵn sàng tối thiểu để chính sách có thể vận hành hiệu quả, trong đó ưu tiên ba việc:

(1) Xây dựng bản đồ trạm sạc công cộng, có thể tra cứu dễ dàng qua điện thoại.

(2) Hình thành mạng lưới kiểm định và sửa chữa xe điện đạt chuẩn, đặc biệt cho xe đã qua sử dụng.

(3) Ban hành hướng dẫn kỹ thuật lắp đặt trạm sạc xe máy tại các bãi giữ xe tập trung, đảm bảo an toàn điện và phòng cháy chữa cháy.

Bên cạnh đó, mức độ an toàn và độ bền của xe máy điện là mối quan tâm chính đáng. Thực tế, các dòng xe máy điện từ các thương hiệu uy tín hiện nay đã đạt độ bền cao, an toàn khi sử dụng, có đầy đủ chứng chỉ kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, sự xuất hiện tràn lan của các sản phẩm trôi nổi, giả mạo, kém chất lượng mới là nguyên nhân chính gây bất an cho người tiêu dùng. Do đó, kiểm soát thị trường và siết chặt quy chuẩn kỹ thuật là điều bắt buộc, để đảm bảo người dân không bị thiệt hại trong quá trình chuyển đổi.

KTSG: Theo lộ trình của Hà Nội, ô tô chạy xăng có thể thuộc đối tượng hạn chế từ đầu năm 2028. Tuy nhiên, ô tô chạy xăng cũng là một nguồn lớn tạo ra phát thải, ô nhiễm bụi mịn… Liệu chúng ta có nên cân nhắc các chính sách hạn chế ô tô chạy xăng song song với lộ trình cấm xe máy chạy xăng hay không? Chúng ta có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm chuyển đổi sang xe điện ở các quốc gia trên thế giới?

- Chắc chắn nên có lộ trình song song để hạn chế ô tô chạy xăng, nhất là tại các khu vực nội đô, nơi mật độ giao thông dày đặc và mức độ ô nhiễm cao. Các quốc gia như Na Uy, Hà Lan, Trung Quốc đều bắt đầu bằng các vùng phát thải thấp, áp dụng cho cả xe máy và ô tô, cùng với ưu đãi mạnh về thuế, phí và hạ tầng sạc để khuyến khích người dân chuyển đổi.

Tuy nhiên, chìa khóa thành công nằm ở chỗ chính sách phải được thiết kế dựa trên dữ liệu khoa học, kèm theo kịch bản mô phỏng khả thi và công khai, tránh tình trạng “ra luật trước, hạ tầng theo sau”. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi cách làm bài bản này để tránh lệch pha giữa chính sách và thực tế.

Xanh ở điện và sạch ở pin

KTSG: Về nguồn điện để cung ứng cho các phương tiện chạy bằng điện, sẽ không hiệu quả nếu như điện cho xe điện đến từ nguồn gây phát thải cao. Chúng ta phải cân nhắc vấn đề này như thế nào, thưa ông? Ngoài ra, để việc chuyển đổi sang xe điện không gây áp lực lên nguồn cung năng lượng nói chung, chúng ta cần suy nghĩ đến các giải pháp nào?

- Đúng là nếu điện dùng cho xe điện vẫn đến từ nguồn phát thải cao thì lợi ích môi trường sẽ bị giới hạn. Tuy nhiên, cường độ phát thải CO2 của lưới điện Việt Nam đang giảm nhanh nhờ gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo và loại bỏ dần các nhà máy nhiệt điện than lạc hậu.

Về dài hạn, xe điện sẽ càng xanh khi lưới điện càng sạch. Để việc chuyển đổi không gây áp lực lên hệ thống điện quốc gia, cần đồng thời triển khai các giải pháp:

(1) Khuyến khích sạc vào giờ thấp điểm, giảm tải cho lưới điện. Tính giá điện theo thời gian sử dụng (TOU pricing) để điều chỉnh hành vi người dùng.

(2) Phát triển điều hành sạc thông minh, theo dõi và phân bổ công suất theo thời gian thực.

(3) Đầu tư vào năng lượng tái tạo phân tán, như điện mặt trời mái nhà tại bãi gửi xe, tòa nhà, trường học, giúp cung cấp điện cục bộ cho xe điện và giảm tải cho hệ thống điện trung tâm.

Như vậy, việc chuyển đổi phương tiện cá nhân sang điện hóa cần song hành với quy hoạch năng lượng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

KTSG: Cuối cùng, vấn đề pin thải của xe điện, nếu không xử lý được, đó sẽ là nguồn ô nhiễm nguy hiểm cho môi trường. Vấn đề này cần được cân nhắc như thế nào, chúng ta liệu có nên lập hàng rào kỹ thuật ngay từ đầu để tránh những hệ lụy về sau?

- Pin thải từ xe điện là mối nguy tiềm ẩn nếu không được quản lý đúng cách. Để tránh hệ lụy môi trường trong tương lai, cần sớm ban hành các quy định pháp lý cụ thể để quản lý pin thải.

Theo tôi, cần thực hiện các nội dung sau:

(1) Xây dựng và áp dụng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý pin thải - đảm bảo an toàn về cháy nổ, rò rỉ hóa chất và ô nhiễm môi trường.

(2) Quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) - các hãng xe, nhà sản xuất pin phải có lộ trình thu hồi, tái chế hoặc tái sử dụng pin đã qua sử dụng.

(3) Cấp phép và giám sát chặt chẽ các cơ sở xử lý pin thải, tránh hoạt động trái phép, thu gom trôi nổi gây ô nhiễm thứ cấp.

(4) Khuyến khích phát triển công nghệ tái chế, tái sử dụng pin một cách hiệu quả, hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn.

Tóm lại, việc chuyển đổi xanh chỉ thực sự bền vững khi vấn đề pin thải được quản lý bằng hệ thống pháp lý rõ ràng, tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt và có chế tài thực thi hiệu quả.

Hoàng Hạnh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/pgs-ts-dam-hoang-phuc-chia-khoa-thanh-cong-cho-giao-thong-xanh-ha-noi/