Xe tải qua đường HCM tăng đột biến, Quảng Trị đề nghị xây cầu Đakrông mới

Tỉnh Quảng Trị đang nghiên cứu, đầu tư xây dựng cầu Đakrông bằng bê tông cốt thép, tải trọng HL93 để khai thác đồng bộ tải trọng cùng với tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây.

Xe tải nặng vận chuyển hàng hóa, than đá... tăng đột biến

Ngày 29/5, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho biết, UBND tỉnh vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam về việc đầu tư xây dựng cầu bê tông cốt thép nhằm đảm bảo an toàn cầu treo Đakrông trên tuyến đường Hồ Chí Minh (HCM) nhánh Tây, tỉnh Quảng Trị.

Cầu treo Đakrông Km 249+824 đường HCM nhánh Tây qua huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Cầu treo Đakrông Km 249+824 đường HCM nhánh Tây qua huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

Theo đó, cùng với công tác kiểm định, đánh giá khả năng chịu tải của cầu treo Đakrông Km 249+824 đường HCM nhánh Tây sau khi phát hiện sự cố hư hỏng và bố trí kinh phí sửa chữa, gia cố đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông.

UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, đầu tư xây dựng cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu, tải trọng HL93 để khai thác đồng bộ tải trọng cùng với tuyến đường HCM nhánh Tây, đáp ứng khả năng lưu thông của các phương tiện vận tải nặng vận chuyển than đá và hàng hóa từ Lào về các cảng biển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và khu vực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội quốc gia nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng.

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, trong thời gian vừa qua, hoạt động vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là than đá từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế La Lay tăng cao, phương tiện vận chuyển qua cửa khẩu quốc tế La Lay tăng đột biến (300-400 xe/ngày) lưu thông theo quốc lộ 15D - đường HCM nhánh Tây - quốc lộ 9 để đến các cảng biển trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và khu vực.

Theo kết quả khảo sát, với trữ lượng than đá tại 2 tỉnh Sekong và Salavan (Lào), cách cửa khẩu quốc tế La Lay khoảng 118km là rất lớn, nhu cầu vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam để xuất khẩu qua các cảng biển ước tính khoảng 20-30 triệu tấn/năm; dự báo thời gian tới, số lượng phương tiện vận chuyển qua cửa khẩu quốc tế La Lay, lưu thông trên các tuyến đường khu vực, trong đó có cầu Đakrông sẽ tăng cao.

Việc tải trọng cầu Đakrông hạn chế gây nhiều khó khăn cho hoạt động vận tải; hiện nay cầu phát sinh hư hỏng, nguy cơ mất an toàn giao thông, đơn vị quản lý đường bộ đang tổ chức thực hiện trực gác, bố trí gác chắn để điều tiết các phương tiện qua cầu.

Một trong những xe thùng "khủng" biển số Lào từ cửa khẩu quốc tế La Lay xuôi về đang qua cầu Đakrông.

Một trong những xe thùng "khủng" biển số Lào từ cửa khẩu quốc tế La Lay xuôi về đang qua cầu Đakrông.

Xe tải nặng có dấu hiệu chở vượt tải vẫn ung dung qua cầu yếu

Cầu Đakrông được thiết kế bằng thép và bê tông cốt thép, đưa vào khai thác sử dụng năm 2002. Đây là cầu dây văng gồm có 1 trụ tháp, tải trọng thiết kế H18-X60.

Tháng 10/2022 cầu Đakrông đã được kiểm định, đơn vị kiểm định đã kết luận cầu không khai thác được với tải trọng HL93 và kiến nghị cắm biển hạn chế tải trọng đối với cầu yếu. Căn cứ vào kết quả kiểm định, cầu Đakrông đã được cắm biển hạn chế tải trọng bằng cụm biển báo "cấm ô tô tải", biển phụ với các thông số xe thân liền 22 tấn, sơ-mi rơ-moóc 32 tấn, xe rơ-moóc 32 tấn.

Trong khi đó, khoảng từ tháng 4/2023 đến nay, cầu Đakrông Km 249+824 đường HCM nhánh Tây gánh lưu lượng xe tải trọng lớn tăng đột biến, đặc biệt là xe chở than từ Lào thông quan từ cửa khẩu La Lay đi qua đường HCM nhánh Tây ra quốc lộ 9...

Qua kiểm tra, ngày 10/4 vừa qua các đơn vị chức năng phát hiện mặt cầu Đakrông tại nhịp số 4 xuất hiện nhiều vết nứt. Cáp dây văng ngoài cùng về phía Nam trên nhịp số 3 bị giãn dài khi có xe tải nặng (xe chở than) chạy qua.

Lực lượng Thanh tra của Văn phòng QLĐB II.5 (Khu QLĐB II) đang phối hợp với đơn vị bảo dưỡng đường bộ ứng trực để kiểm soát xe tải nặng qua cầu từng chiếc một.

Lực lượng Thanh tra của Văn phòng QLĐB II.5 (Khu QLĐB II) đang phối hợp với đơn vị bảo dưỡng đường bộ ứng trực để kiểm soát xe tải nặng qua cầu từng chiếc một.

Qua quan sát bằng mắt thường khi có xe tải nặng lưu thông qua cầu nhận thấy, kết cấu nhịp có hiện tượng rung mạnh; cáp dây văng ngoài cùng về phía Nam trên nhịp số 3 có sự dãn dài trông thấy rõ khi có xe tải nặng (xe chở than) chạy trên nhịp số 3, làm bung mối nối 1 ống bảo vệ cáp dây văng tại nhịp số 3 trái tuyến, hiện tại đơn vị thi công đã gắn lại mối nối tạm thời.

Hiện nay, cùng với công tác kiểm định cầu, cơ quan quản lý đường bộ đang bố trí barie tạm thời, tổ chức trực gác để điều tiết các phương tiện xe tải nặng qua cầu. Đồng thời, tiến hành lắp đặt hệ thống camera để theo dõi việc chấp hành hiệu lực biển báo của các phương tiện khi qua cầu để gửi cho các lực lượng chức năng xem xét xử lý.

Ngày 23/5, Khu QLĐB II tiếp tục có văn bản gửi Sở GTVT tỉnh Quảng Trị về việc thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe khu vực cầu Đakrông, đường HCM nhánh Tây.

Theo đó, Khu QLĐB II đề nghị Sở GTVT tỉnh Quảng Trị chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện công tác kiểm tra tải trọng xe thường xuyên tại khu vực cầu Đakrông, đường HCM nhánh Tây theo văn bản đề nghị của Cục Đường bộ Việt Nam.

Xe vận chuyển hàng hóa, chở than đá... từ cửa khẩu La Lay chạy nối đuôi qua đường HCM nhánh Tây.

Xe vận chuyển hàng hóa, chở than đá... từ cửa khẩu La Lay chạy nối đuôi qua đường HCM nhánh Tây.

Khu QLĐB II sẽ bố trí cán bộ, công chức, thiết bị cân xách tay kiểm tra tải trọng xe tham gia phối hợp thực hiện công tác kiểm tra tải trọng xe thường xuyên tại khu vực cầu Đakrông, đường HCM nhánh Tây… theo kế hoạch của Sở GTVT Quảng Trị. Hiện, Khu QLĐB II chưa nhận được văn bản hồi âm của Sở GTVT.

Theo Khu QLĐB II, theo quy định của pháp luật thì lực lượng công an các cấp ở địa phương có thẩm quyền tuần tra, kiểm soát, dừng xe và xử lý vi phạm trên đường bộ đang khai thác. Ngoài ra, theo quy định tại Luật GTĐB năm 2008 thì Thanh tra đường bộ (thuộc Sở GTVT hoặc Cục Đường bộ Việt Nam) cũng có có thẩm quyền dừng xe, thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe.

Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 03 ngày 11/01/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thì Cục Đường bộ Việt Nam không có tổ chức Thanh tra Cục.

Các Khu QLĐB trực thuộc cũng không còn lực lượng Công chức Thanh tra, không được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, dẫn đến không có lực lượng làm công tác thanh tra nói chung và thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe nói riêng.

Đồng thời, từ tháng 10/2022 khi tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thì chưa có quy định của pháp luật giao Cục Đường bộ Việt Nam, Khu QLĐB là cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Duy Lợi

Văn Tư

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/xe-tai-qua-duong-hcm-tang-dot-bien-quang-tri-de-nghi-xay-cau-dakrong-moi-192240528191005314.htm