Xe taxi có chu kỳ đăng kiểm ra sao?

Dù vẫn là xe dưới 9 chỗ ngồi nhưng xe taxi sẽ có chu kỳ đăng kiểm khác với ô tô cá nhân do là xe kinh doanh vận tải hành khách.

Theo Nghị định 10/2020, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử.

Xe taxi có chu kỳ đăng kiểm đầu là 24 tháng, thấp hơn so với ô tô cá nhân (cùng dưới 9 chỗ ngồi) 12 tháng.

Xe taxi có chu kỳ đăng kiểm đầu là 24 tháng, thấp hơn so với ô tô cá nhân (cùng dưới 9 chỗ ngồi) 12 tháng.

Theo đó, xe taxi thuộc loại ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải. Căn cứ quy định tại Thông tư 02/2023/TT-BGTVT về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường bộ, xe taxi có thời gian sản xuất đến 5 năm sẽ có chu kỳ đăng kiểm đầu là 24 tháng.

Đối với xe chưa qua sử dụng đã được cấp "Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng" đối với xe sản xuất, lắp ráp hoặc "Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu" hoặc "Thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu" và có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm) sẽ được miễn đăng kiểm lần đầu.

Từ năm sản xuất thứ 3, xe sẽ có chu kỳ đăng kiểm định kỳ 12 tháng.

Đối với xe taxi sản xuất trên 5 năm có chu kỳ đăng kiểm định kỳ 6 tháng.

Riêng với xe có cải tạo (là xe cải tạo chuyển đổi công năng hoặc thay đổi một trong các hệ thống: lái, phanh; trừ trường hợp lắp thêm bàn đạp phanh phụ) sẽ có chu kỳ đăng kiểm đầu là 12 tháng (không được miễn đăng kiểm lần đầu) và chu kỳ đăng kiểm định kỳ 6 tháng.

So với xe không kinh doanh vận tải, chu kỳ đăng kiểm của xe taxi ngắn hơn vì là xe kinh doanh vận tải, có cường độ sử dụng nhiều. Mặt khác, một phương tiện có thể do nhiều người sử dụng, chế độ bảo dưỡng, chăm sóc, bảo quản chưa tốt so với ô tô cá nhân.

Thực tế, theo thống kê số liệu kiểm định của Cục Đăng kiểm VN, tỷ lệ đạt ngay từ lần kiểm định thứ nhất đối với nhóm phương tiện kinh doanh vận tải rất thấp (thời điểm thấp nhất là 67,6%).

Do đó, với tiêu chí đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dân cần siết chu kỳ đăng kiểm của loại xe này để nâng cao ý thức bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện của chủ xe, lái xe; đồng thời, kịp thời phát hiện những hư hỏng (nếu có) để khắc phục nhằm nâng cao chất lượng phương tiện, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/xe-taxi-co-chu-ky-dang-kiem-ra-sao-192240625153343124.htm