Xem hình ảnh Việt Nam hơn 100 năm trước
Những hình ảnh về Việt Nam hơn một thế kỷ trước trong cuốn 'Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ' cho người ta thấy lại phong cảnh và những nét sinh hoạt xưa cùng trang phục của người dân ba miền…
Từ cuối thế kỷ XIX, một số người Pháp đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu, tìm hiểu nền văn hóa của chúng ta. Họ đã đi, đã chụp rất nhiều ảnh về đời sống, sinh hoạt của người Việt và những bức ảnh ấy, ngày nay đã trở thành nguồn tư liệu quý. Pierre Dieulefils là một trong những nhiếp ảnh gia như thế. Đến Đông Dương năm 1885, ông đã dành phần lớn cuộc đời mình để chụp ảnh vùng đất này.
Pierre Dieulefils sinh tại làng Malestroit ở vùng Bretagne, nước Pháp. Ông gia nhập quân đội năm 1883, được phân vào trung đoàn pháo binh và sang Đông Dương lần đầu vào năm 1885. Hai năm sau, ông giải ngũ rồi trở về Pháp. Năm 1888, ông quay lại xứ Bắc Kỳ, rẽ hẳn sang làm nghệ sỹ nhiếp ảnh và nhà xuất bản bưu ảnh chuyên nghiệp. Năm 1905, ông đến Sài Gòn rồi du hành sang Phnom Penh và Angkor, không quên chụp lại những bức ảnh kỳ thú.
Năm 1909, Dieulefils xuất bản cuốn sách ảnh “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ: Trung Kỳ - Bắc Kỳ” (Indo-chine Pittoresque & Monumentale: Annam - Tonkin). Cuốn sách được trưng bày tại cuộc Đấu xảo quốc tế ở Bruxelles năm 1910 và được trao huy chương vàng. Sau đó, ông tiếp tục cho ra mắt cuốn “Nam Kỳ - Sài Gòn và vùng phụ cận” (Cochinchine - Saïgon et ses environs).
Sau hơn 100 năm, hai ấn phẩm này được Công ty sách Đông A gộp lại, in thành cuôn “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ” (Indo-chine Pittoresque & Monumentale). Đây được xem là bảo tàng hình ảnh thu nhỏ về Việt Nam hơn 100 năm trước thông qua 261 bức ảnh của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp Pierre Dieulefils.
Những bức ảnh trong cuốn sách sẽ đưa chúng ta trở lại quá khứ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cách đây hơn 100 năm của cảnh quan, các công trình kiến trúc, các di tích văn hóa – lịch sử khắp ba miền đất nước và gặp gỡ những con người là chứng nhân một thời của dân tộc: từ thác Bản Giốc ở vùng biên giới Cao Bằng, đến hồ Hoàn Kiếm một ngày mùa thu; từ ải Nam Quan đến Nhà thờ Đức Bà, Vũng Tàu, Tây Ninh; từ phố Hàng Bạc, Paul Bert (Tràng Tiền) đến khu phố Tàu giữa Sài Gòn; từ cư dân đồng bằng sông Hồng, kép hát, nhà sư, đến thị vệ, quan lại, và cả vua Duy Tân; từ những cảnh hoang sơ đến đền đài cung điện...
Điều đáng chú ý, các bức ảnh trong sách được chú thích với các ngôn ngữ: Việt, Pháp, Anh, Đức. Phần chú thích ảnh được dịch giả Lưu Đình Tuân chuyển ngữ từ nguyên tác tiếng Pháp, đồng thời tham khảo thêm phần chú chữ Hán - Nôm của ông Claude Maitre, từng là giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội và các nguồn tài liệu khác. Ngoài ra, dịch giả Ngụy Hữu Tâm hiệu đính phần chú thích tiếng Đức.
Để đảm bảo chất lượng mỹ thuật, bản phổ thông "Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ" được in khổ lớn (38 cm x 27,5 cm), bìa cứng, có bìa áo. Sách dày 280 trang, ruột in bằng công nghệ mực vi sinh trên giấy Ford định lượng 150 gsm.
Ngoài các bản phổ thông, Đông A còn ấn hành bản giới hạn với bìa cứng làm thủ công, ruột in trên giấy Ford kem định lượng 180 gsm, dành cho người sưu tầm và chơi sách.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/xem-hinh-anh-viet-nam-hon-100-nam-truoc-505117.html