Xem xét kỹ để các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp có hiệu lực ngay, đảm bảo liên thông, không có khoảng trống

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 13/2, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 13/2, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc phát biểu thảo luận tại tổ.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) đồng tình về sự cần thiết ban hành Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) nhằm thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện các quy định về tổ chức và hoạt động của Chính phủ, khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập và đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị quốc gia.

Liên quan đến quy định về phân cấp (Điều 8), ủy quyền (Điều 9) của dự thảo Luật, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết, đây là điểm mới so với Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành, với phương châm địa phương quyết, địa phương bàn, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm theo tinh thần đổi mới trong giai đoạn hiện nay. Đại biểu đề nghị cần xác định rõ cơ chế để phân cấp, ủy quyền với mục tiêu là tăng cường tính tự chủ, chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo Đại biểu, điều kiện để phân cấp, phân quyền, các tiêu chí cũng như nội dung phân cấp, phân quyền trong Luật này phải quy định hết sức chặt chẽ, cụ thể. Nếu không quy định rõ sẽ rất khó khăn trong tổ chức thực hiện và ở địa phương nếu không có cơ chế đảm bảo thì dù có phân cấp, địa phương cũng không dám làm. Đề nghị để bảo đảm thống nhất giữa Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Ban soạn thảo rà cần soát kỹ về nội dung, điều kiện, phân cấp nhằm đảm bảo tính thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Góp ý về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Đặng Bích Ngọc bày tỏ thống nhất với quy định tại khoản 1, Điều 2 về thực hiện mô hình chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND như Luật hiện hành và theo quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, dự kiến sắp tới sẽ có điều chỉnh về mô hình chính quyền địa phương, có thể có những nơi không thực hiện mô hình HĐND nữa. Vì vậy, đại biểu đề nghị Trung ương chỉ đạo để tổng kết, đánh giá về mô hình thí điểm tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, từ đó sửa đổi Hiến pháp, luật cho phù hợp để triển khai thực hiện thống nhất trong cả nước.

Liên quan đến quy định về phân cấp cho chính quyền địa phương, đại biểu Đặng Bích Ngọc nêu rõ: Khoản 1, Điều 14 Dự thảo Luật quy định "HĐND được phân cấp cho UBND cùng cấp hoặc HĐND cấp dưới…”. Đề nghị xem xét, làm rõ mối quan hệ giữa HĐND cấp trên và cấp dưới.

"HĐND cùng cấp thì phân quyền cho UBND cùng cấp là đương nhiên, nhưng HĐND cấp tỉnh phân cấp cho HĐND huyện để thực hiện một số các chức năng, nhiệm vụ như vậy có đúng không? Bởi theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì mỗi cấp có những thẩm quyền. Vì vậy, nếu thực hiện phân cấp cho chính quyền địa phương mà không đảm bảo đúng theo quy định sẽ rất khó khăn” - đại biểu Ngọc băn khoăn và đề nghị cân nhắc nội dung này để bảo đảm phù hợp.

Đại biểu cũng tán thành với quy định tại khoản 4 là cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được phân cấp không được phân cấp tiếp nhiệm vụ, quyền hạn của mình khi được phân cấp để đảm bảo tính nguyên tắc, trách nhiệm giữa chủ thể phân cấp và chủ thể nhận phân cấp.

Đại biểu cũng đề nghị xem xét để các luật, nghị quyết Quốc hội xem xét lần này được thông qua sẽ có hiệu lực ngay để làm cơ sở ban hành các văn bản liên quan để trung ương, các tỉnh ban hành văn bản thực hiện tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy; đảm bảo liên thông, không có khoảng trống; đồng thời các cơ quan thành lập mới sẽ có căn cứ để thực hiện nhiệm vụ ngay.

Bùi Hiển

Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/198355/xem-xet-ky-de-cac-luat,-nghi-quyet-duoc-quoc-hoi-thong-qua-tai-ky-hop-co-hieu-luc-ngay,-dam-bao-lien-thong,-khong-co-khoang-trong.htm