Xét học bạ 5-6 điểm/môn đã đỗ ĐH: Chuyên gia lo ngại chất lượng

Mức điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ thấp của một số trường đại học đang đặt ra những lo ngại về chất lượng đào tạo hiện nay.

Hiện nay, một số trường đại học xét tuyển với phương thức điểm học bạ chỉ 15 - 16 điểm/3 môn, tức là thí sinh chỉ cần trung bình mỗi môn đạt 5 đến dưới 6 điểm là đỗ đại học.

Theo các chuyên gia, hiện nay, các trường đại học tuyển sinh bằng nhiều phương thức khác nhau, nên cánh cửa đại học luôn rộng mở với thí sinh, song công tác đào tạo cần được siết chặt nhằm nâng cao chất lượng sinh viên tốt nghiệp.

Việc siết chặt “đầu ra”, chú trọng chất lượng đào tạo được coi là giải pháp đột phá nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chia sẻ, năm 2024, một số cơ sở giáo dục đại học top đã bỏ phương án xét tuyển bằng kết quả học bạ ở bậc trung học phổ thông như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Y Hà Nội.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: PM

Cho dù điểm xét tuyển học bạ ở mức cao cũng chưa đảm bảo tính công bằng với từng thí sinh. Bởi chất lượng dạy học, đánh giá của các trường trung học phổ thông ở các địa phương là khác nhau; thậm chí mặt bằng về giáo viên, cơ sở vật chất cũng khác nên mức đánh giá trong học bạ không tương đương nhau.

Chưa kể thực tế hiện nay vì bệnh thành tích nên việc can thiệp vào điểm số vẫn còn xuất hiện. Xét tuyển đại học đòi hỏi sự cạnh tranh, do đó, sử dụng kết quả học bạ chưa thật sự đảm bảo tính công bằng.

Còn theo quan điểm của Tiến Sĩ Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhiều người lo lắng nếu các trường xét tuyển đầu vào thấp thì chất lượng học tập hay sinh viên tốt nghiệp sẽ khó đáp ứng được yêu cầu công việc.

Rõ ràng, nếu lấy điểm xét đầu vào là tiêu chí để đánh giá về khả năng tư duy của người học thì cũng có phần đúng vì dường như chúng ta có thể thấy nhiều sinh viên có điểm đầu vào cao thì điểm học tập ở bậc đại học khá tốt.

Tuy nhiên, do đặc điểm, năng lực tư duy của mỗi người là khác nhau. Có những học sinh ở bậc trung học phổ thông có kết quả học tập bình thường nhưng khi lên đại học, được vào một môi trường học tập tốt, đặc biệt là những trường phát huy được tinh thần tư duy đổi mới thì việc đầu vào thấp không phải quá lo ngại.

Cũng theo thầy Phương, lo ngại lớn nhất hiện nay chính là điểm đầu vào thấp mà quá trình học sinh viên lại không có ý chí vươn lên và không có tinh thần học tập.

Tiến Sĩ Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Website Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Cùng bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ, việc xét đầu vào học bạ hiện nay đang rộng mở với nhiều thí sinh, tuy nhiên để đạt được kết quả tốt, trong quá trình 4 năm học sinh viên cần nỗ lực thật sự trong quá trình học tập.

Bên cạnh đó, việc xét đầu vào học bạ có thể thấp nhưng các trường cần “siết chặt” đầu ra. Hiện nay, có một số trường đại học xét tuyển bằng cách ghi danh, tuy nhiên điều quan trọng nhất là việc sàng lọc trong quá trình đào tạo phải thật tốt để sinh viên ra trường có thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Ngoại trừ ngành Y dược, Sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ở phương thức xét tuyển bằng học bạ và kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, còn các ngành khác, tùy trường quy định mức điểm chuẩn tuyển sinh của từng phương thức. Học sinh được trao cơ hội bình đẳng vào đại học ở cả khối trường công và tư nhưng khi rộng cửa vào đại học thì cần có bài toán chất lượng đặt ra cho các trường.

Cần chặt hơn trong khâu kiểm tra đánh giá

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, để đảm bảo chất lượng đầu vào trong điều kiện hiện nay, tiêu chí chính để xét tuyển đại học vẫn nên dựa vào kỳ thi mang tính quốc gia, được tổ chức chặt chẽ, nghiêm ngặt - đó là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Bên cạnh đó, chất lượng đầu ra phải sàng lọc trong quá trình học. Việc siết chặt đầu ra còn tùy thuộc vào mỗi trường, có những cơ sở giáo dục sàng lọc rất tốt, tuy nhiên cũng có những trường sàng lọc chưa tốt, điều này còn phụ thuộc vào cơ chế đảm bảo chất lượng của các trường đó.

Cũng theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, chất lượng đào tạo phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ phụ thuộc vào đầu vào của sinh viên mà còn phụ thuộc vào đội ngũ giảng viên và cả hệ thống đảm bảo chất lượng của nhà trường.

Về lâu dài, cần có hệ thống kiểm định chặt chẽ trong khâu đánh giá chất lượng ở bậc trung học phổ thông để điểm số của học sinh là thực chất, hạn chế tối đa tình trạng “làm đẹp" học bạ.

Đồng quan điểm, Tiến Sĩ Lê Đông Phương cho biết, hiện nay quá trình học tập phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của sinh viên. Chính vì vậy, các trường cần siết chặt và khắt khe hơn trong việc kiểm tra đánh giá quá trình học của sinh viên qua các năm. Việc đánh giá này cần có sự thống nhất và chặt chẽ, tránh tình trạng nhiều sinh viên hiện nay chỉ đi học để điểm danh cho có mặt.

Việc kém chất lượng đôi khi phản ánh ở chỗ có bao nhiêu sinh viên bị thôi học vì không đủ năng lực học tập. Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo, đầu ra nếu để các nhà tuyển dụng đánh giá không tốt về sinh viên tốt nghiệp thì bản thân các trường sẽ bị ảnh hưởng và sẽ phải có cách để thay đổi, nâng cao chất lượng đào tạo.

Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, sinh viên tốt nghiệp nhưng nếu không có năng lực thì cũng sẽ bị doanh nghiệp đào thải, chính vì vậy, cần siết chặt đầu ra để sinh viên học hành nghiêm túc và đạt đúng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Giải pháp cơ bản nhất là các trường nên đánh giá, kiểm tra năng lực học tập của sinh viên ngay từ năm nhất phải đạt được những yêu cầu nhất định để có thể tiếp tục học tập.

Cũng theo thầy Dong, các trường cần tăng cường kiểm định chất lượng đào tạo, yêu cầu chuẩn đầu ra chặt chẽ, tránh tình trạng vào dễ, ra cũng dễ.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về tấm bằng đại học và tư vấn, định hướng phù hợp cho con em mình về lựa chọn hướng đi sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thu Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/xet-hoc-ba-5-6-diemmon-da-do-dh-chuyen-gia-lo-ngai-chat-luong-post242972.gd