Xì căng đan đầy tai tiếng tại Ngân hàng Citibank
Dù là nhà băng nước ngoài có tài sản lớn tại Việt Nam nhưng thời gian gần đây Ngân hàng Citibank liên tục để xảy ra các sự cố đáng tiếc khiến khách hàng nghi ngại.
Ngân hàng Citibank được biết đến là một trong số những ngân hàng nước ngoài có tài sản lớn tại Việt Nam, chuyên cung cấp đa dạng các dịch vụ ngân hàng như: dịch vụ ngân hàng cho các công ty đa quốc gia, dịch vụ ngân hàng đầu tư và các dịch vụ giao dịch, bao gồm thương mại, quản lý tiền mặt, và các dịch vụ liên quan đến chứng khoán... Tuy nhiên, thời gian gần đây, Citibank liên tục để xảy ra những sự cố đáng tiếc khiến khách hàng nghi ngại.
Khách hàng tố Citibank báo nợ 1,1 triệu dù chưa kích hoạt thẻ
Mới đây, phản ánh trên Kiến Thức, chị Nguyễn Thị Minh Trang (Hà Nội) cho hay, cuối tháng 8/2016, có một số nhân viên Ngân hàng Citibank sang công ty chị để tư vấn làm thẻ vay nợ. "Nghĩ thương các bạn nhân viên mới đi làm, phải chạy cho đủ doanh số, hơn nữa nhân viên tư vấn cho chị Trang cũng nói rằng khách hàng sẽ không mất gì nếu không kích hoạt thẻ; và khi đọc hợp đồng làm thẻ, tôi cũng không thấy có chỗ nào ghi phí làm thẻ nên tôi đã giúp đỡ bạn nhân viên ngân hàng này kí vào hợp đồng làm thẻ để bạn ấy có doanh số", chị Trang cho biết.
Phần chia sẻ của chị Trang trên facebook cá nhân.
Bẵng đi một thời gian, bỗng nhiên một ngày chị Trang nhận được 2 cái thẻ và thông báo dư nợ phí làm 2 cái thẻ này là 1.100.000 đồng trong khi chị chưa từng kích hoạt thẻ. Chị Trang đã gọi cho Citibank để tìm hiểu, yêu cầu in lại một bản hợp đồng và đơn đăng ký làm thẻ nhưng phía ngân hàng Citibank không đồng ý. Sau đó, nhân viên ngân hàng hẹn chị Trang sẽ trả lời vào thứ 4 ngày 26/10. (xem thêm: >> Khách hàng tố Citybank báo nợ 1,1 triệu dù chưa kích hoạt thẻ )
Citibank thu phí khống và buộc phải bồi thường 700 triệu USD
Hồi giữa cuối năm 2015, báo Lao Động đưa tin, Chính phủ Liên bang Mỹ ngày 21/7/2015 đã ra quyết định buộc Citibank phải trả lại khoản tiền 700 triệu USD cho những khách hàng tố cáo bị ngân hàng này thu phí vượt quy định. Bên cạnh đó, Cục bảo vệ Tài chính Mỹ (CFPB) cũng yêu cầu ngân hàng nộp phạt 35 triệu USD cho hành vi thu phí sai, những chiêu marketing "không rõ ràng".
Theo CFPB, có đến 8,8 triệu khách hàng sẽ được bồi thường bằng tiền mặt. Trong số đó, 7 triệu người là khách hàng trực tiếp bị Citibank thu phí quá cao. Khoảng 1,8 triệu người còn lại là khách hàng tại các công ty con của Citibank.
Citibank buộc phải trả lại khoản tiền 700 triệu USD cho những khách hàng tố cáo bị ngân hàng này thu phí vượt quy định. Ảnh nguồn: Internet.
Cụ thể, từ năm 2002 đến năm 2013, Citibank thuộc Tập đoàn CitiGroup đã phát hành loại thẻ tín dụng (credit card) và mời chào khách hàng sử dụng dịch vụ theo dõi tín dụng. Đáng chú ý, ngân hàng này tự ý cho thêm gói dịch vụ lừa đảo với hứa hẹn sẽ giúp các khách hàng trì hoãn việc thanh toán hoặc tha nợ trong trường hợp các khách hàng bị mất việc hoặc gặp khó khăn về tài chính. Citibank còn quảng cáo gói dịch vụ này giúp bảo mật thông tin khách hàng và chống bị đánh cắp thông tin cá nhân.
Cục Bảo vệ tài chính người tiêu dùng Mỹ cho rằng Citibank đã cố tình không thông báo các khoản phí trả cho dịch vụ này và ẩn nó dưới các khoản thu có tên “Phí chăm sóc tài khoản” và “Phí bảo mật thông tin cá nhân”. Citibank bị cáo buộc đã phóng đại các lợi ích mà khách hàng được nhận.
Đa số khách hàng hoàn toàn không hề biết việc mình bị tự động đăng ký sử dụng gói dịch vụ này khi mở thẻ tín dụng Citi credit card. Một số khách hàng khác thì vô tình đồng ý đăng ký sử dụng dịch vụ do bị các nhân viên ngân hàng đánh lừa bởi một loạt các câu hỏi dẫn dắt mà Citibank đã gài sẵn. Trong quá trình quảng cáo chào mời gói sản phẩm qua điện thoại với khách hàng, ngân hàng này đã cố tình sử dụng các câu hỏi khôn ngoan và các câu trả lời với nghĩa mơ hồ.
Sau đó, ngân hàng này tuyên bố đã trả lại tiền cho một số khách hàng. Đại diện của ngân hàng này cho biết: “Những khách hàng bị thiệt hại đã được ngân hàng tự động chuyển tiền bồi thường vào tài khoản. Đối với những khách hàng nào không còn sử dụng dịch vụ của Citibank thì sẽ nhận được thư thông báo”.
Citibank bị kiến nghị điều tra trong vụ án Dương Chí Dũng
Ngày 18/12/2013, báo Giáo Dục Việt Nam đưa tin, trong vụ việc chuyển 9 triệu USD tiền thanh toán ụ nổi 83M của Vinalines cho Công ty AP ở vụ án Dương Chí Dũng, HĐXX Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an điều tra làm rõ những sai phạm tại Ngân hàng Citibank, nếu có dấu hiệu hình sự thì khởi tố theo quy định pháp luật.
Theo hồ sơ vụ án, Vinalines đã chuyển 9 triệu USD tiền thanh toán mua ụ nổi 83M cho Công ty AP qua tài khoản ký quỹ mở tại Ngân hàng Citibank. Sau khi nhận được khoản tiền này, Công ty AP lại chuyển về Việt Nam 1,666 triệu USD để Dương Chí Dũng và đồng phạm chia nhau. Trong khi đó, ụ nổi 83M đã cũ nát, không hoạt động được. Việc làm này đã gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Ngày 20/9/2007, Dương Chí Dũng quyết định tại Nghị quyết HĐQT Vinalines để Vinalines vay vốn của Ngân hàng Citibank – Chi nhánh Hà Nội. Việc thanh toán mua bán ụ nổi được thể hiện trong Nghị quyết như sau: Vinalines thanh toán 8,1 triệu USD (90% giá trị hợp đồng) cho Công ty AP qua thư tín dụng do Ngân hàng Citibank – Chi nhánh Hà Nội phát hành. Trước khi Vinalines thanh toán số tiền 90% giá trị hợp đồng, Công ty AP phải chuyển cho Vinalines đủ 18 loại tài liệu liên quan đến ụ nổi quy định tại Phụ lục II của hợp đồng mua, bán số 01-07/VNL-AP.
Vinalines thanh toán 9 triệu USD tiền ụ nổi cho Công ty AP qua Ngân hàng Citibank. Ảnh nguồn: Internet.
Thế nhưng, công ty AP không có đủ tài liệu để chuyển cho Vinalines làm căn cứ thanh toán, chỉ bao gồm: Thư thỏa thuận mua bán ụ nổi 83M; Hợp đồng mua bán ụ nổi số 01-07/VNL-AP ngày 15/3/2008; Hợp đồng ký quỹ ngày 10/3/2008. Mặc dù vậy, Mai Văn Phúc vẫn chỉ đạo Trần Hữu Chiều lập 3 tờ trình đề nghị thanh toán để có bút phê vào 3 ủy quyền thanh toán để Ngân hàng Citibank – Chi nhánh Hà Nội chuyển 8,1 triệu USD cho Công ty Ap vứi nội dung: “Đồng ý, chuyển Ban Tài chính - Kế toán căn cứ thực hiện”.
Như vậy, hồ sơ thanh toán ụ nổi 83M không đủ điều kiện, có nhiều mâu thuẫn và việc chỉ đạo giải ngân 8,1 triệu USD của Mai Văn Phúc và Trần Hữu Chiều là pháp luật. Với chức trách nhiệm vụ được giao, Bùi Thị Bích Loan phải có biện pháp ngăn chặn và báo cáo bằng văn bản lên HĐQT Vinalines, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính về sai phạm này. Nhưng Loan vẫn lập các thủ tục chi thanh toán 8,1 triệu USD cho Công ty AP qua Ngân hàng Citibank – Chi nhánh Hà Nội, tạo điều kiện cho Dương Chí Dũng và các đồng phạm chi mua ụ nổi 83M với giá 9 triệu USD không đúng với các quy định của Nhà nước.
Liên quan đến hoạt động chuyển tiền của Citibank trong vụ việc này, trong bản Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an có ghi: “Giám định viên không có kết luận sai phạm. Do vậy Cơ quan điều tra không có căn cứ xem xét, xử lý".
Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm ắt đầu từ ngày 12/12/2013, HĐXX nhận xét: Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT Bộ Công an phát hiện, hồ sơ thanh toán 9 triệu USD tiền mua ụ nổi của Vinalines cho Công ty AP có nhiều vi phạm pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế. Mặc dù vậy, Citibank vẫn chuyển tiền cho Công ty AP dẫn đến việc thất thoát 9 triệu USD của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Từ những căn cứ trên, TAND TP Hà Nội kiến nghị cơ quan CSĐT - Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ sai phạm của Ngân hàng Citibank. Nếu có dấu hiệu hình sự thì cần tiến hành khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại là gần 3 năm, thông tin về những sai phạm của Ngân hàng Citibank có bị khởi tố hay không vẫn chưa được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.