Xin chữ đầu năm: Nâng tầm giá trị tinh thần của người Việt

'Ngày nay, với sự phát triển của mạng xã hội và sự mở rộng không gian văn hóa, việc hiểu biết về giá trị tinh thần của chữ nghĩa trở nên rộng rãi và rõ ràng hơn. Chữ không còn đơn thuần là công cụ giao tiếp mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về tâm hồn, ngôn ngữ, và tinh thần của người Việt qua hàng nghìn năm', TS. Phạm Văn Tuấn nhận định.

Phong tục xin chữ đầu năm là một truyền thống đẹp và ý nghĩa trong văn hóa Việt Nam, phản ánh giá trị về trí tuệ, tâm hồn và khát vọng trong năm mới. PetroTimes đã có cuộc trao đổi với Nhà nghiên cứu Phật học, TS. Phạm Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu Hán Nôm để hiểu rõ hơn về phong tục này.

PV: Ông có thể cho biết, nguồn gốc và sự phát triển của phong tục xin chữ đầu năm?

TS. Phạm Văn Tuấn: Phong tục xin chữ đầu năm có nguồn gốc từ hàng nghìn năm trước trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Từ thời xa xưa, việc viết chữ thư pháp đã trở thành một thú chơi trí thức, giúp con người nâng cao sự học hỏi và tu dưỡng bản thân. Việc viết chữ đẹp không chỉ là để trau dồi văn hóa mà còn là cách để thể hiện sự tôn trọng đối với chữ viết.

Trong quá trình tu dưỡng, con người bắt đầu tặng chữ cho nhau, từ đó phong trào xin chữ dần hình thành. Chẳng hạn, trong một số gia đình, khi xây dựng nhà thờ, họ cần những chữ thư pháp để trang trí và mong muốn mang lại sự may mắn, tài lộc. Họ thường sang làng bên xin chữ từ các thầy đồ, những người có tài viết chữ đẹp. Những thầy đồ này không chỉ nổi tiếng về chữ mà còn là những người uy tín trong cộng đồng. Khi đó, việc xin chữ không chỉ là một nhu cầu cá nhân mà còn phản ánh nét văn hóa sâu sắc, tồn tại ở khắp mọi miền đất nước, từ những làng xã đến các thành phố lớn như kinh thành.

Vào những năm đầu thế kỷ 20 về sau, phong tục xin chữ vẫn được duy trì và phát triển. Những thầy đồ vẫn xuất hiện ở phố cổ, và các nhiếp ảnh gia phương Tây đã chụp lại những khoảnh khắc này, ghi dấu sự tồn tại của truyền thống xin chữ. Trong những thời kỳ khó khăn đó, việc xin chữ không chỉ là hành động văn hóa mà còn là một cách để người dân khẳng định niềm tin vào sự may mắn và hi vọng vào một tương lai tốt đẹp.

TS. Phạm Văn Tuấn viết thư pháp Hán - Nôm mang đến cho người dân những bức thư pháp đẹp với ước nguyện tốt lành tại Hội chữ xuân 2025.

TS. Phạm Văn Tuấn viết thư pháp Hán - Nôm mang đến cho người dân những bức thư pháp đẹp với ước nguyện tốt lành tại Hội chữ xuân 2025.

Khoảng 20-30 năm trở lại đây, khi kinh tế và văn hóa của người Việt phát triển mạnh mẽ, phong trào xin chữ đầu xuân lại càng trở nên phổ biến. Người ta tin rằng, việc xin một chữ đẹp vào dịp đầu năm sẽ mang lại may mắn và tài lộc cho cả gia đình. Những chữ như "Thọ", "Lộc", “Bình an”, “An khang” hay "Hiếu" thường được chọn để gửi gắm mong ước về sức khỏe, thành công và sự hiếu thảo trong gia đình.

PV: Thưa ông, chữ được xin thường mang ý nghĩa gì và ai là người thường thực hiện phong tục xin chữ?

TS. Phạm Văn Tuấn: Phong tục xin chữ là một truyền thống văn hóa có từ lâu đời trong lịch sử Việt Nam. Đến nay, xin chữ thường liên quan đến các giá trị tốt đẹp như: "Thọ" (sức khỏe), "Lộc" (phúc lộc), “Phúc”, "Hiếu" (hiếu đạo), "Đỗ đạt" (thi cử thành công), hay "Đăng khoa" (thi đỗ hoặc học tốt). Những chữ này được xem là biểu trưng cho những mong ước và niềm tin vào một năm mới suôn sẻ, thuận lợi.

Phong tục này không chỉ là của riêng người lớn hay người già, mà thực tế, ai cũng có thể thực hiện. Trẻ em có thể xin chữ để tặng ông bà, cha mẹ, hoặc để cầu mong thành công trong học hành. Còn người trưởng thành có thể xin chữ để phát triển công việc, gia đình hoặc để biểu lộ lòng hiếu thảo, chăm sóc người thân.

Phong tục xin chữ có lịch sử hàng nghìn năm, xuất phát từ việc tặng chữ trong các dịp lễ hội, đặc biệt là vào đầu xuân. Những người thực hiện phong tục này chủ yếu là thầy đồ hay các thầy viết chữ thư pháp, những người có tài viết chữ đẹp, uyên bác.

Việc xin chữ không chỉ là một phong tục cầu may, mà còn thể hiện một niềm tin sâu sắc vào giá trị của chữ viết, cũng như sự nhắc nhở về những phẩm chất tốt đẹp mà người ta mong muốn theo đuổi trong suốt năm mới.

Nhà nghiên cứu Phật học - Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Nhà nghiên cứu Phật học - Tiến sĩ Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

PV: Ông có thể chia sẻ về quá trình xin chữ và sự khác biệt giữa xưa và nay?

TS. Phạm Văn Tuấn: Ngày xưa, phong tục xin chữ thường diễn ra trong một cộng đồng nhỏ, nơi người xin chữ và người viết chữ hiểu rõ về nhau. Ví dụ, trong làng xóm, người dân thường biết thầy đồ nào có chữ đẹp và có thể đến nhờ xin chữ. Khi đó, thầy đồ sẽ hiểu rõ hoàn cảnh và nguyện vọng của gia đình người xin chữ, từ đó lựa chọn và viết ra những câu đối, hoành phi hay những chữ phù hợp, mang lại điều tốt, mong cầu của người xin. Việc trao đổi chữ viết không chỉ đơn giản là hành động cho tặng, mà còn là sự kết nối giữa người cho chữ và người nhận chữ.

Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội hiện đại, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hóa, việc xin chữ đã trở nên đa dạng hơn. Bây giờ, người xin chữ có thể đến các đình, chùa, hoặc tham gia các lễ hội để nhờ thầy đồ tư vấn và viết chữ. Thầy đồ sẽ hỏi về nguyện vọng của người xin chữ và từ đó viết ra những chữ phù hợp. Trong một số trường hợp, bạn bè thân thiết có thể mời nhau đến nhà, uống trà và cùng nhau ngâm thơ, đánh đàn trước khi viết chữ tặng nhau. Những hành động này tạo ra một không khí tao nhã, thể hiện sự thấu hiểu và gắn bó giữa người cho chữ và người nhận chữ.

Điều đặc biệt là phong tục xin chữ không chỉ diễn ra ở đình, chùa mà còn có thể thực hiện trong không gian thân mật, ấm cúng, như tại nhà riêng của những người bạn thân thiết. Mặc dù có sự khác biệt về không gian và phương thức xin chữ giữa xưa và nay, nhưng ý nghĩa sâu xa của phong tục này vẫn được giữ vững: đó là việc trao gửi những giá trị tinh thần, tạo động lực và niềm tin cho người nhận trong suốt cả năm.

Vì vậy, dù là ngày xưa hay hiện nay, việc xin chữ đầu năm vẫn mang trong mình giá trị văn hóa, tâm linh và niềm tin vào may mắn, tài lộc, sức khỏe và thành công trong năm mới.

PV:Xin chữ có vai trò gì trong đời sống tinh thần của người Việt? Ông có thể nói rõ hơn về giá trị văn hóa và tâm linh?

TS. Phạm Văn Tuấn: Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, chính trị và xã hội Việt Nam, người dân ngày càng quan tâm nhiều hơn đến các giá trị tinh thần và văn hóa, đặc biệt là những giá trị truyền thống có tính biểu trưng sâu sắc. Trong đó, thư pháp và văn hóa sính chữ đã và đang được người Việt chú trọng và thực hành nhiều hơn, đặc biệt vào mỗi dịp xuân về. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy sự quan tâm đối với các giá trị văn hóa cổ truyền đang được gìn giữ và phát huy mạnh mẽ hơn, và cách nhìn nhận chúng đã trở nên đúng đắn, không còn đơn thuần là mê tín.

Ngày nay, với sự phát triển của mạng xã hội và sự mở rộng không gian văn hóa, việc hiểu biết về giá trị tinh thần của chữ nghĩa trở nên rộng rãi và rõ ràng hơn. Chữ không còn đơn thuần là công cụ giao tiếp mà còn mang ý nghĩa sâu sắc về tâm hồn, ngôn ngữ, và tinh thần của người Việt qua hàng nghìn năm. Những giá trị ấy vẫn tồn tại vững bền và tiếp tục được người Việt trân trọng và bảo vệ.

Cùng với sự phát triển về kinh tế và chính trị, đời sống tinh thần của người dân cũng đặc biệt được chú trọng hơn. Chữ nghĩa, đặc biệt là thư pháp Hán Nôm, trở thành một phần quan trọng trong việc phát triển và bảo tồn những giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc.

Về yếu tố tâm linh, chữ nghĩa bản thân nó có sự liên kết chặt chẽ với đời sống tinh thần của người Việt. Một số chữ có thể không mang yếu tố tâm linh, nhưng cũng có nhiều chữ chứa đựng yếu tố này, giúp người ta tìm thấy sự bình an, may mắn. Tuy nhiên, yếu tố tâm linh này không phải là điều có thể lý giải một cách cụ thể mà nó liên quan đến niềm tin và tâm linh của mỗi cá nhân. Khi người ta đặt niềm tin vào một chữ, điều đó có thể mang đến những ảnh hưởng tích cực trong cuộc sống của họ.

Chữ nghĩa, dù có yếu tố tâm linh hay không, vẫn là biểu tượng của sự phản ánh cuộc sống, các giá trị đạo đức và tinh thần. Những nghĩa tốt đẹp trong chữ sẽ luôn hiện hữu, và khi con người tin vào chúng, họ sẽ thu nhận được những lợi ích nhất định trong cuộc sống. Dù không thể lý giải hoàn toàn yếu tố tâm linh, nhưng chữ nghĩa vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, văn hóa và tinh thần của người Việt, tồn tại qua hàng nghìn năm và tiếp tục phát triển cho đến hôm nay.

Xin cảm ơn ông!

Đình Khương ( Thực hiện)

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/xin-chu-dau-nam-nang-tam-gia-tri-tinh-than-cua-nguoi-viet-723852.html