Xin đừng 'nâng mũi gọt cằm'!

Âm nhạc mặc nhiên là sáng tạo. Nhưng sáng tạo cũng nhiều lớp lang chứ không đơn giản chỉ là tác giả gốc của ca khúc. Giới nghệ thuật thường coi ca sĩ (và các khâu sản xuất như đạo diễn, biên tập) là sự sáng tạo thứ hai.

Vậy nếu xét cả tác phẩm vang lên thì tập thể sản xuất cũng là tham gia sáng tạo. Sự sáng tạo này được có giới hạn một phạm vi nào không? Có nhiều thứ mơ hồ khó phân định nhưng vẫn có một thứ có thể kiểm soát được là lời ca.

Khi thể hiện, không ít ca sĩ, hoặc đạo diễn "dựng bài" đã xắn tay sáng tạo lần hai là sửa ca từ.

Bài "Chiếc khăn Piêu" được nhạc sĩ Doãn Nho phát triển từ dân ca Xá (người Xá cũng đội khăn Piêu như người Thái) từ 1955 và được hát dày đặc và vì thế, lời ca in vào tâm trí của nhiều thế hệ. Thời kháng chiến thì hầu hết tình cảm riêng tư luôn đi kèm với đấu tranh nên một bản tình ca thuần túy của "chiếc khăn piêu" trở nên hiếm, làm khán giả vô cùng yêu thích và ai cũng thuộc làu.

Ban đầu bài ca tên là "Chiếc khăn rơi". Câu chuyện cho ta hình dung, một anh chàng nhặt được chiếc khăn rơi giữa rừng. Chàng cố tìm chủ nhân để trả lại. Chiếc khăn như một sợi dây mơ hồ rằng đây là khăn đánh rơi hay cố tình đánh rơi. Cô gái đi tìm khăn chỉ là tưởng tượng của anh chàng nhặt khăn thôi. Cô gái trong bài ca không hiện diện nhưng cho ta cảm giác cô đang ở rất gần và thích thú với chiếc khăn "thả thính". Câu hát trong bản nhạc và bản ghi âm đầu tiên của ca sĩ Trần Chất đều hát lặp lại 2 lần câu "Chiếc khăn Piêu thêu chỉ hồng, bị gió cuốn bay về đây". Thế mà rất nhiều bản ghi âm hiện nay, các ca sĩ hát là "chiếc khăn piêu thêu chỉ hồng bị gió cuốn bay về đâu?". Chữ “đâu” không khẳng định người nhặt được khăn mà lại thành câu hỏi hơi vô duyên. "Đây" là tọa độ mà chàng trai nhặt được. Nơi rất cụ thể chứ sao lại hỏi "đâu"? Chỉ có cô gái ở đâu thì mơ hồ. Chữ "đây" được bản nhạc đay đi đay lại cùng với câu chốt "vương trên cây" tạo thành chuỗi vần ây... ây... rất vui nhộn. Thế mà ca sĩ nỡ chế vần thành “âu”, lủng cà lủng củng, phí bao công tác giả lựa vần chọn chữ. Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau. May sao, có một số hiếm hoi ca sĩ vẫn hát đúng chuẩn lời.

Nếu ai đã từng cầm vào chiếc khăn Piêu thì biết nó dày, nặng hơn nhiều chiếc khăn voan. Muốn thổi bay được nó chỉ có là bão. Có chăng chiếc khăn Piêu ở đây là mồi câu của cô gái tinh nghịch thôi. Lời bài dân ca gốc có nhiều câu táo bạo hơn chúng ta tưởng. Các cụ hát là "Cái váy đẹp đánh rơi, gió bay đi, anh em nhặt được gửi cho nhau… Mặc cái váy cũ mà đi làm…Cái khăn đẹp... Dây lưng đẹp….đánh rơi, anh em nhặt được…". Lời ca này thật không kém gì "Yêu nhau cởi áo cho nhau. Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay" của người miền xuôi. Sức mạnh của văn hóa đầu tiên là bảo tồn. Muốn phát triển phải đủ tinh. Tốt nhất là ca sĩ hay đạo diễn cần tôn trọng bản quyền.

Thí dụ khác, bài "Em là mầm non của Đảng" có câu "Sáng ngời ý chí đấu tranh tiến lên theo lý tưởng quang vinh”. Vần "anh" đi với vần "inh" phù hợp 90%. Thế mà rất nhiều chương trình và bản thu âm ngày nay đảo “quang vinh” thành “vinh quang” để các ca sĩ nhí hát lệch vần. Vần “anh” đi với vần “oang” như hạt sạn khổng lồ mà vẫn dựng cho các cháu được thì đạo diễn chắc là người sao Hỏa. Việc dễ dãi này có thể ảnh hưởng làm các nghệ sĩ tương lai không còn tư duy vần của ngôn ngữ nữa.

Bài "Hạt gạo làng ta", lời của Trần Đăng Khoa là "giọt mồ hôi sa" thì lại sửa thành "giọt mồ hôi rơi"; "Quang trành quết đất" thì đổi thành "quang thùng quết đất". Dường như người dựng bài sợ khán giả trẻ không hiểu các từ phương ngữ nên sửa cho dễ hiểu. Mỗi tác phẩm là một đời sống. Khi yêu người ta sẽ tự tìm hiểu để biết. Âm nhạc không phải văn bản giải thích. Khán giả thông minh hơn chúng ta tưởng. Hãy tôn trọng họ!

Bài "Tiếng đàn ta lư" của nhạc sĩ Huy Thục thì bản nhạc ghi "Kia trông một, hai, ba, bốn, năm, sáu chục tên lính thủy đánh bộ Mỹ kia…", thế mà một số bản thu âm ngày nay hát thành "Kia trông một, hai, ba, bốn, năm, sáu ngàn tên lính thủy đánh bộ Mỹ kia". Dù vui với chiến công nhưng việc biến “chục” thành “ngàn” thì thật không phải sáng tạo mà là không tôn trọng tác giả.

Có lẽ đặc trưng sáng tạo của ca sĩ là thể hiện sắc thái giai điệu mạnh, nhẹ, nông, sâu sao cho tác phẩm có hình hài đẹp nhất chứ không phải dỡ ra làm lại. Công việc này có lẽ gần với sự tô điểm chứ không phải phẫu thuật thẩm mỹ "nâng mũi gọt cằm". Nếu người biểu diễn không ý thức rõ thì khán giả sẽ được nghe thứ nhạc chế không hơn không kém. Xin hãy dừng lại trước khi quá muộn.

Tả Từ

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-dam/xin-dung-nang-mui-got-cam--i701342/