'Xin lỗi vì đã làm phiền': Những ưu tư khi văn hóa chuyển dịch

'Xin lỗi vì đã làm phiền' là loạt tranh giãi bày suy tư về sự chuyển dịch của đô thị, dẫn đến sự chuyển dịch của quang cảnh và văn hóa.

Tác phẩm 'Hy vọng cuối cùng'.

Tác phẩm 'Hy vọng cuối cùng'.

Lời cảm thán từ hiện thực cuộc sống

Sinh năm 1981 tại Thái Bình, họa sĩ Phạm Huy Thông là một trong những họa sĩ đương đại có danh tiếng bởi loạt tác phẩm từng gây tiếng vang ở cả trong và ngoài nước.

Mới đây nhất vào năm 2023, sau khi tham gia triển lãm “David Thomas và những người bạn” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tác phẩm “Thoát xác” của anh tiếp tục được giới thiệu với công chúng quốc tế tại Thái Lan, nhận về hàng chục nghìn lượt yêu thích và bình luận trên mạng xã hội.

Sự nghiệp hội họa của Phạm Huy Thông đã có hàng chục triển lãm cá nhân và triển lãm nhóm, giành được hàng loạt giải thưởng danh giá. Thực hành nghệ thuật nhiều năm ở Hà Nội, anh ngấm được lối suy nghĩ và cách biểu đạt ẩn dụ.

Các tác phẩm của Phạm Huy Thông thoạt đầu chiếm lấy sự chú ý của người xem bằng những thông điệp tưởng như rất trực diện. Tuy nhiên, khi sự phấn khích thị giác tĩnh lại, người xem sẽ có những cơ hội bóc tách thêm nhiều lớp nghĩa ẩn phía sau.

Đề tài trong tác phẩm của anh chạm tới nhiều vấn đề gai góc trong xã hội: “Trong nhiều năm, tôi tập trung sáng tác những tác phẩm phản ánh đời sống xã hội Việt Nam với tương quan rằng đây là môi trường đang bao bọc lấy tôi, cung cấp cho tôi chất liệu sáng tạo, mặt khác Việt Nam cũng là phần không thể thiếu của một châu Á đang không ngừng phát triển và một thế giới rộng lớn tương tác đa chiều”, họa sĩ Phạm Huy Thông bộc bạch.

“Xin lỗi vì đã làm phiền” là nội dung trên biển báo hay thấy ở cổng các công trường - quang cảnh phổ biến ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam. Trong triển lãm lần này, có một nhóm tác phẩm giãi bày những suy nghĩ về sự chuyển dịch biên giới của đô thị dẫn đến sự chuyển dịch của quang cảnh và văn hóa.

Các hệ giá trị mới của xã hội đương đại xuất hiện, những định giá trừu tượng chiếm phần lớn ý nghĩa tồn tại của một khái niệm, thay thế các giá trị vật lý, thực dụng. Chẳng hạn, những thứ tưởng chừng bất biến như bất động sản thì giá trị cũng thay đổi hàng ngày, trôi theo sự thay đổi của dòng đầu tư kinh tế, dòng cư dân… Con người có thể là nhân vật chính trong các bức tranh nhưng là những con người đang ở giữa tâm của cơn bão đổi thay.

Một nhóm tác phẩm khác nhân cách hóa những công trường, đặt nó trong những trạng huống khác nhau để mở lời cho những câu chuyện xã hội khác nhau. Một vài tác phẩm trong số đó mang tính phiếm chỉ hình tướng những con người không bao giờ tự giải thoát được mình khỏi những nhu cầu nội tại, khiến cho quá trình tự giải phóng luôn như một công trình dang dở.

Ngẫm ra thì “Xin lỗi vì đã làm phiền” cũng như một lời cảm thán mà Phạm Huy Thông gửi tới người xem, khi các tác phẩm của anh không dễ chiều lòng.

 Họa sĩ Phạm Huy Thông (bên trái) và tác phẩm 'Thoát xác'.

Họa sĩ Phạm Huy Thông (bên trái) và tác phẩm 'Thoát xác'.

Siêu thực khoảnh khắc của sự chết

Theo nhận định của giám tuyển Dương Mạnh Hùng, họa sĩ Phạm Huy Thông luôn ý thức về cách mà ngôn ngữ nghệ thuật có thể khéo léo “phóng chiếu” và “diễn dịch” hiện thực đời sống. Cảm thức ấy dẫn đường cho anh đi vào phạm trù siêu thực.

Từ khoảng đầu năm 2010, anh đã cho thấy mức độ nhuần nhuyễn trong khả năng kiến tạo một thế giới bằng những biểu tượng đời thường, nằm đâu đó trên đường biên giữa hư và thực, dữ dội khốc liệt nhưng vẫn chừa chỗ cho cái châm biếm ý nhị.

Và cho đến loạt tranh “Xin lỗi vì đã làm phiền”, thì họa sĩ đã đẩy nét cọ siêu thực ấy lên một tâm thế mới, hướng tới biểu đạt cái nhìn nội tâm về xã hội thông qua ngôn ngữ hội họa. Tinh thần siêu thực trong loạt tranh của Phạm Huy Thông được lồng ghép vào hình tượng lời hứa.

Những biểu tượng mà họa sĩ sử dụng là lời hứa cho một cái gì thân quen, dễ chịu. Lời hứa tạo nên cốt lõi của bức tranh, như hạt của một thứ hoa trái siêu thực. Và quanh hạt nhân đó, người nghệ sĩ bọc một lớp “vỏ” bằng hình ảnh tấm vải bạt ba màu kẻ sọc, tạo thành một lớp màng “chuyển dịch” ý nhị, vừa tàng ẩn vừa hiển lộ.

 Tác phẩm 'Gió trên đường Âu Cơ'.

Tác phẩm 'Gió trên đường Âu Cơ'.

Sinh ra trong một gia đình bố mẹ đều là nhà báo, cách Phạm Huy Thông đến với hội họa cũng vô cùng đặc biệt. Lớn lên trong môi trường mà bạn bè thân thiết của bố mẹ đều là văn nghệ sĩ.

Những lần tụ tập, chuyện trò giữa bố mẹ và bạn bè về chủ đề nghệ thuật đã âm thầm gieo mầm cứ thế lớn lên trong tiềm thức của anh. Sau này, Phạm Huy Thông theo học ngành Thiết kế đồ họa và từng có thu nhập cao, nhưng anh lại không gắn bó lâu dài với công việc này mà tập trung theo đuổi hội họa.

Các tác phẩm của Phạm Huy Thông mang trường phái siêu thực, anh gửi gắm nhiều triết lý sống cũng như các vấn đề xã hội nổi cộm và nhức nhối vào tác phẩm. Anh cho rằng, họa sĩ khác một thợ vẽ ở chỗ bức tranh của họ sẽ kể câu chuyện gì? Mỗi tác phẩm cần đưa tới cho người xem một câu chuyện, thay vì chỉ đơn giản là hiển thị thị giác, một bộ tác phẩm sẽ là một tuyển tập truyện ngắn với nội dung xuyên suốt.

Nếu ai đã từng xem tác phẩm “Hy vọng cuối cùng” (2015 - Acrylic trên toan), có thể khó tránh khỏi những suy tư về cái chết. Thân xác con người hóa những cánh chim bay vào hư không. Bức tranh tựa như một hoạt cảnh trong phim kinh dị - thân xác - cánh chim - linh hồn, diễn tả giờ khắc linh hồn lìa ra khỏi xác để thay đổi một dạng thức tồn tại khác.

“Khi xem loạt tranh ‘Xin lỗi vì đã làm phiền’, khán giả có lẽ sẽ thấy rằng đó không chỉ là nội dung của biển hiệu công trường, mà còn là lời tạ lỗi của tôi, bởi đã không đem lại những trải nghiệm thị giác ngọt ngào. Mặt khác, đó cũng là lời cảm ơn tới những bạn yêu nghệ thuật, bằng cách này hay cách khác vẫn tìm đến để ủng hộ nghệ thuật của tôi, chia sẻ với tôi những suy tư cuộc sống”, họa sĩ Phạm Huy Thông cho biết.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xin-loi-vi-da-lam-phien-nhung-uu-tu-khi-van-hoa-chuyen-dich-post692268.html