Xín Mần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại huyện Xín Mần đã từng bước khẳng định tầm quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương. Từ việc sản xuất nhỏ lẻ, đến nay, các hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất, kinh doanh đã chú trọng đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Mối liên kết trong sản xuất giữa các HTX với nông dân được thực hiện thường xuyên và nhịp nhàng hơn. Việc phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng kéo theo thị trường tiêu thụ được mở rộng; giá cả một số nguyên liệu cho sản xuất được tăng cao, tạo thêm việc làm tăng thu nhập cho nhiều lao động của địa phương. Trong đó, nhiều sản phẩm OCOP đã khẳng định được giá trị thương hiệu trên thị trường, như: Miến dong Gia Long, trung bình mỗi năm sản xuất 100 tấn; gạo nếp Quảng Nguyên với sản lượng 24 tấn; chè Shan tuyết Chế Là bán ra thị trường 1,8 tấn… Các chủ thể tham gia chương trình OCOP đều đầu tư trang thiết bị, máy móc, công nghệ sản xuất nhằm chế biến ra những sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sản phẩm trà Khổ qua rừng đang phát triển lên 4 sao cấp tỉnh.

Sản phẩm trà Khổ qua rừng đang phát triển lên 4 sao cấp tỉnh.

Để chương trình OCOP ngày càng có sức lan tỏa, ngay từ đầu năm, UBND huyện Xín Mần đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Tuyên truyền, xây dựng và hoàn thiện chu trình OCOP thường niên và triển khai Bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng sản phẩm; xây dựng hệ thống quản lý điều hành; tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm theo Bộ tiêu chí; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn cho các xã, thị trấn… Bên cạnh đó, thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn các xã, chủ thể thực hiện chương trình OCOP và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đồng thời hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn được chương trình hỗ trợ theo đúng thời gian. Trong 6 tháng đầu năm, huyện đã tổ chức 3 hội nghị tư vấn cho các chủ thể tham gia chương trình OCOP và các tổ chức kinh tế đăng ký mới năm 2020. Qua đó, tập trung tư vấn, hoàn thiện hồ sơ các sản phẩm tham gia thi để đánh giá phân hạng, tư vấn về thiết kế bao bì, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký website… Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho các cán bộ quản lý, chủ doanh nghiệp, HTX, nhóm hộ sản xuất, kinh doanh về ý nghĩa và vai trò của chương trình OCOP.

Đồng chí Ngô Văn Tăng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện có 13 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP; trong đó, có 4 sản phẩm được nâng cấp từ 3 sao lên 4 sao cấp tỉnh, gồm: Trà Khổ qua rừng, Miến dong Gia Long, gạo nếp Quảng Nguyên, gạo tẻ Già Dui. Ngoài ra, củng cố 6 sản phẩm đạt 3 sao cấp huyện năm 2019 tham gia dự thi cấp tỉnh năm 2020. Tiếp nhận 3 ý tưởng sản phẩm đăng ký mới tham gia dự thi trong năm. Hiện tại, các chủ thể tham gia OCOP đang hoàn thiện hồ sơ, xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm để dự thi theo kế hoạch của huyện và tỉnh trong thời gian tới.

Bài, ảnh: VĂN LONG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/moi-vung-que-mot-san-pham/202007/xin-man-day-manh-phat-trien-cac-san-pham-ocop-762348/