Xóa bỏ hủ tục, lan tỏa khí thế thi đua

BHG - Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 1.5.2022 của BCH Đảng bộ tỉnh và Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10.5.2021 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng bài trừ các hủ tục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức biểu dương, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, tiên phong, đi đầu trong xóa bỏ hủ tục. Qua đó tạo hiệu ứng tích cực, có tính lan tỏa cao trong nhân dân.

Đồng chí Giàng Thị Mỷ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Vần Chải (Đồng Văn) cho biết: Nhánh dòng họ Ly thôn Tả Lủng A là nhánh đầu tiên thực hiện đưa người chết vào áo quan ngay khi làm tang ma tại nhà kể từ trước đến nay. Để kịp thời động viên gia đình, Đảng ủy xã đã hỗ trợ 2 triệu đồng và một số lễ vật khác để gia chủ mua áo quan và tổ chức tang lễ. Ngoài ra, trong thời gian này, BTV Đảng ủy đã xét tặng 3 Giấy khen cho chủ nhà, người có uy tín và trưởng dòng họ Ly thôn Tả Lủng A. Từ đó cho thấy, việc tổ chức xét và trao tặng Giấy khen được Đảng ủy xã tổ chức rất kịp thời, không phải chờ đến cuối năm hay chờ sơ, tổng kết Nghị quyết 27, Chỉ thị 09 mới thực hiện. Đây chính là sự đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức công tác thi đua, khen thưởng. Từ đó tạo được hiệu ứng tích cực, có sức lan tỏa cao trong dòng họ Ly cũng như một số dòng họ, nhánh dòng họ là dân tộc Mông tại huyện Đồng Văn.

Đảng ủy xã Vần Chải tặng Giấy khen cho nhánh dòng họ Ly tại thôn Tả Lủng A.

Đảng ủy xã Vần Chải tặng Giấy khen cho nhánh dòng họ Ly tại thôn Tả Lủng A.

Cũng trên địa bàn xã Vần Chải, dòng họ Ly thôn Sủng Khúa A cũng là nhánh dòng họ đầu tiên đưa người chết vào quan. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện di quan ra nương (ra đồng) thì gặp nhiều khó khăn, vì đường đi nhỏ, hẹp, rất khó trong việc di quan, do đó gia đình lại không nhất trí đưa người chết vào áo quan. Sau khi được cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động và cử lực lượng hỗ trợ giúp đỡ thì gia đình đã nhất trí đưa người chết vào quan ngay tại nhà để làm tang ma. Để kịp thời biểu dương, Đảng ủy xã đã xét, tặng 3 Giấy khen, đồng thời hỗ trợ 2 triệu đồng làm tang ma cho nhánh dòng họ Ly.

Để kịp thời biểu dương những mô hình, cách làm hay, hiệu quả, các gia đình, dòng họ tiêu biểu gương mẫu đi đầu, tiên phong trong xóa bỏ hủ tục, đến nay, các huyện, thành phố đã khen thưởng cho 48 tập thể, 140 cá nhân có thành tích tiêu biểu. Đồng thời nhắc nhở đối với những trường hợp vi phạm, chưa thực hiện tốt; nghiêm túc phê bình những cán bộ, đảng viên và nhân dân thiếu gương mẫu trong thực hiện Nghị quyết số 27.

Tại huyện Đồng Văn, công tác thi đua khen thưởng được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời, đảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch, tạo hiệu ứng tích cực, có sức lan tỏa. Cấp huyện đã tổ chức 5 Hội nghị biểu dương người có uy tín, hội viên Hội Nghệ nhân dân gian, gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số với 635 đại biểu tham dự. Trao 369 suất quà và 200 giấy chứng nhận cho các đại biểu là gương điển hình tiên tiến, tiêu biểu. Trao Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện cho 15 tập thể, 34 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc huyện Đồng Văn. Cấp xã đã tổ chức khen thưởng cho 50 tập thể, 67 cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc vận động gia đình, người thân và dòng họ đưa người chết vào áo quan.

Đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Để có được kết quả trên, các địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương, mỗi dân tộc, dòng họ; phát động phong trào thi đua; nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Tiêu biểu như huyện Đồng Văn thực hiện các mô hình “Dân vận khéo” trong việc vận động tang chủ đưa thi thể người chết vào áo quan; dòng họ tự quản; tuyên truyền, vận động các cặp nam, nữ đến chính quyền cấp xã đăng ký kết hôn hợp pháp theo quy định pháp luật và tổ chức đăng ký, trao Giấy chứng nhận kết hôn tập trung… Huyện Bắc Mê xây dựng mô hình cưới tiết kiệm, gia đình trẻ và thanh niên với việc cưới theo nếp sống mới tại 13/13 xã, thị trấn. Huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần làm tốt công tác vận động mọi người không dự lễ cưới đối với các cặp đôi tảo hôn. Thành phố Hà Giang có phong trào “Đám tang không nhận vòng hoa, bức trướng”. Huyện Quản Bạ chỉ đạo thành lập Ban tang lễ tại các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện... Trong thời gian tới, Ban Dân vận sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trong thực hiện Chỉ thị 09 và Nghị quyết 27 để sớm đạt mục tiêu giai đoạn 2022 – 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến; thường xuyên sơ, tổng kết các mô hình điển hình “Dân vận khéo”, nhân rộng mô hình mới, cách làm hay trên địa bàn toàn tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc.

Bài, ảnh: Dương Ngọc Đức (Đồng Văn)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/phap-luat/pho-bien-giao-duc-phap-luat/202405/xoa-bo-hu-tuc-lan-toa-khi-the-thi-dua-223496a/