Xóa bỏ tư duy 'không quản được thì cấm'

Tổng Bí thư yêu cầu phải thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, chấm dứt việc xây dựng pháp luật để quản lý và xóa bỏ tư duy 'không quản được thì cấm'

Chiều 17-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Khắc phục bất cập đấu thầu, đầu tư công

Phát biểu thảo luận tại tổ Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra nhiều bất cập về đầu tư công khi nhiều năm liền chúng ta "có tiền nhưng không tiêu được", trong khi nhu cầu phát triển đất nước rất lớn, phải đi vay nước ngoài.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đây là những "điểm trũng" trong hàng loạt luật liên quan đến đầu tư công, đấu thầu, ngân sách. Khẳng định thể chế là động lực, nền tảng phát triển kinh tế, Tổng Bí thư nhận định hiện nay có quá nhiều luật cần phải sửa, do nhiều quy định đang kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Trước yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư yêu cầu phải thay đổi tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ quản lý sang kiến tạo phát triển, chấm dứt việc xây dựng pháp luật để quản lý và xóa bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

Bên cạnh xây dựng pháp luật, Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý đến việc thi hành pháp luật. Theo đó, công tác này cần thực thi nghiêm minh, công bằng, thực chất, gắn liền với công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân và xã hội. Luật pháp không phục vụ cho lợi ích của nhóm nào cả mà phục vụ cho toàn dân, do đó, cần xóa bỏ cơ chế xin - cho, triệt tiêu lợi ích cục bộ và đặc quyền đặc lợi.

Thảo luận cụ thể về việc sửa đổi các quy định liên quan đến đấu thầu, đầu tư công, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng riêng quy trình đấu thầu đã mất cả năm, từ mở thầu, chọn thầu. "Như vậy làm gì còn thời gian để thực thi nữa. Tiền ngân sách thì phải phân bổ trong năm, không được để tiền năm nay tiêu sang năm khác, nên rất khó" - Tổng Bí thư nêu bất cập và cho biết vì lý do này, đầu tư công trong quý đầu tiên hằng năm hầu như không giải ngân được.

Để khắc phục các bất cập về công tác đấu thầu, Tổng Bí thư yêu cầu phải làm rõ công tác này có những "tội gì" khi làm chậm tiến độ phát triển, khiến công trình kém chất lượng và cũng từ đấu thầu mà không ít cán bộ vi phạm, bị xử lý trách nhiệm. Cũng theo Tổng Bí thư, với quy trình đấu thầu thuốc như hiện nay, người dân không tiếp cận được các thuốc tiên tiến, các công nghệ hiện đại của thế giới.

Bên cạnh đó, vấn đề đầu tư công, hợp tác công - tư cũng còn nhiều bất cập, chưa phát huy được để huy động nguồn lực. Tổng Bí thư dẫn chứng, dự án nhà nước chưa đủ vốn, địa phương muốn góp tiền làm dự án cho nhanh cũng không được. Chúng ta muốn huy động nguồn lực toàn dân nhưng tư nhân đóng góp vào không được vì đây là công trình nhà nước. Ngoài ra, còn có những lo ngại khi tư nhân tham gia vào dự án công thì tài sản công sẽ thành tài sản tư.

Theo Tổng Bí thư, phải xóa bỏ các tư duy như vậy, giải quyết các bất cập để phục vụ phát triển, huy động, khơi thông nguồn lực, giải ngân vốn đầu tư công nhanh và thúc đẩy hợp tác công - tư.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận tại tổ Hà Nội Ảnh: Phạm Thắng

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận tại tổ Hà Nội Ảnh: Phạm Thắng

Cần điều tiết ngân sách cho địa phương

Chiều cùng ngày, thảo luận tại tổ về Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho biết hiện nay, tỉ lệ điều tiết ngân sách TP HCM được giữ lại là 21%, còn mức hưởng của Bình Dương là 33% và Bà Rịa - Vũng Tàu là 52%. Theo ông Ngân, chia bình quân 3 địa phương này sau khi sáp nhập thì tỉ lệ hưởng của địa phương là 32%. Nếu được hưởng tỉ lệ này, ĐB Ngân đánh giá là "quá tốt".

Theo Luật Ngân sách hiện hành, các khoản thu phân chia theo tỉ lệ giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, gồm: Thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. Ông Trần Hoàng Ngân cho biết trong dự thảo luật sửa đổi, đã phân chia như sau: Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, ngân sách Trung ương hưởng 70% số thu trên địa bàn Hà Nội và TP HCM; 25% số thu trên địa bàn Hải Phòng, Đà Nẵng, Quảng Ninh, tỉnh Đồng Nai; 20% đối với các địa phương còn lại. Ngân sách từng địa phương hưởng tương ứng tỉ lệ phân chia phần còn lại. ĐB Trần Hoàng Ngân đánh giá quy định này là hợp lý.

Đối với số thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt, ngân sách trung ương hưởng 80% số thu trên địa bàn Hà Nội và TP HCM, đồng nghĩa 2 địa phương này chỉ được hưởng 20% còn lại. Ông Ngân cho rằng tỉ lệ này là thấp, cần nâng lên 30%. ĐB Trần Hoàng Ngân cũng đồng thuận với quy định thuế bảo vệ môi trường, ngân sách trung ương hưởng 80%, ngân sách địa phương hưởng 20% số thu trên địa bàn; thuế GTGT ngân sách Trung ương hưởng 70% số thu GTGT, ngân sách địa phương hưởng 30%.

Đối với số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, trừ thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý quy định tại dự thảo luật, các địa phương không nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương thì hưởng 30%; ngân sách địa phương hưởng 70%. Các địa phương nhận bổ sung cân đối, ngân sách trung ương hưởng 20%; ngân sách địa phương hưởng 80%. Trong bối cảnh tới đây Hà Nội hay TP HCM triển khai nhiều dự án hạ tầng, cần nguồn lực lớn, ĐB Trần Hoàng Ngân kiến nghị cho hai địa phương được giữ lại 80% - 85% từ nguồn thu này.

Cũng liên quan đến tỉ lệ phân chia số thu từ tiền sử dụng đất, thuê đất, ĐB Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) cho rằng đây là nguồn thu chiếm tỉ trọng rất lớn, là nguồn lực chủ yếu để chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương. ĐB Vân đề nghị quy định thống nhất mức phân chia ngân sách Trung ương hưởng 20%, địa phương hưởng 80%.

Bổ sung 44.000 tỉ đồng chi trả chế độ cho cán bộ, công chức

Tại Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025, QH quyết nghị điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách Trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, với tổng kinh phí là 44.000 tỉ đồng. QH cũng quyết nghị chuyển nguồn 6.623 tỉ đồng từ năm 2024 chưa phân, sang năm 2025 để thực hiện chính sách miễn học phí, thực hiện các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy.

Doanh nghiệp tư nhân được làm dự án trọng điểm

Sáng cùng ngày, QH đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân.

Nghị quyết đã đưa ra các nguyên tắc xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh, được đánh giá là điểm đột phá để DN, doanh nhân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh. Theo đó, Nghị quyết nêu rõ phân định trách nhiệm pháp lý giữa pháp nhân và cá nhân, cũng như trách nhiệm hình sự, dân sự và hành chính trong các vụ việc vi phạm. Ưu tiên áp dụng các biện pháp dân sự và kinh tế đối với vi phạm dân sự, kinh tế. Nghị quyết cũng khuyến khích DN, hộ kinh doanh và cá nhân chủ động khắc phục vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Về hoạt động thanh, kiểm tra, Nghị quyết yêu cầu chỉ thanh kiểm tra một lần mỗi năm đối với DN, hộ và cá nhân kinh doanh, trừ trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Việc kiểm tra sẽ kết hợp phương thức trực tiếp và ứng dụng chuyển đổi số, ưu tiên sử dụng dữ liệu điện tử. DN và hộ kinh doanh tuân thủ tốt pháp luật có thể được miễn kiểm tra thực tế.

Đáng chú ý, Nghị quyết nêu rõ nhà nước mở rộng sự tham gia của DN tư nhân vào các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia thông qua hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công tư hoặc các mô hình hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân theo quy định của pháp luật. Người có thẩm quyền, chủ đầu tư có thể chọn đặt hàng, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu hoặc hình thức khác theo luật để triển khai các dự án chiến lược như đường sắt tốc độ cao, công nghiệp nền tảng, hạ tầng năng lượng, giao thông xanh, quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ khẩn cấp.

VĂN DUẨN - MINH CHIẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/xoa-bo-tu-duy-khong-quan-duoc-thi-cam-196250517213354923.htm