'Xóa nhà tạm, dựng tương lai' - Ký ức về một hành trình vì Nhân dân phục vụ
Là chiến sĩ Công an nhân dân, bản thân tôi luôn thấy tự hào vì được đứng trong hàng ngũ những người cán bộ tận tâm, hết mình vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Trong hành trình ấy, những ngày cùng đồng đội tham gia hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát tại huyện Lộc Bình là một trong những kỷ niệm đáng nhớ.
Thời điểm cuối năm, mặc dù bận rộn với các chỉ tiêu công tác, báo cáo đánh giá, tổng kết các chuyên đề, lĩnh vực được phân công phụ trách, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng sắp xếp công việc, xung phong lên đường, thực hiện nhiệm vụ “đặc biệt” đợt đầu tiên do Công an tỉnh phát động.
Trong tiết trời se lạnh của tháng 12, sau khoảng một tiếng ba mươi phút di chuyển từ Công an huyện Lộc Bình, chúng tôi đã đến xã Hữu Lân. Khi đến nơi, chúng tôi bắt gặp những đứa trẻ quần áo phong phanh, lấm lem bùn đất, nhiều căn nhà đã xuống cấp theo thời gian, trung tâm xã có vài ba hộ kinh doanh bán hàng tạp hóa cùng một vài gánh hàng rong ven đường... Sau khi làm việc với UBND và Công an xã, tôi cùng hai đồng chí trong đơn vị nhận nhiệm vụ hỗ trợ, xây dựng mới ngôi nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Dung tại khu vực Suối Doa, thôn Phai Bây. Hộ anh Dung là một trong những hộ nghèo nhất xã, gia đình đông con đang trong độ tuổi đi học nhưng vì điều kiện kinh tế eo hẹp, nhiều cháu phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Bố mẹ của anh Dung cũng đã lớn tuổi, sức khỏe suy giảm, thường xuyên đau ốm do các bệnh tuổi già. Trong nhà chỉ có anh và vợ là lao động chính nhưng thu nhập thấp, không đủ để trang trải cuộc sống. Mùa bão lũ vừa qua, cây cối, hoa màu cùng sào ruộng đang đến mùa thu hoạch của gia đình anh cũng bị tàn phá nặng nề...
Hưởng ứng phong trào "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025" của Thủ Tướng Chính phủ, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ người có công với cách mạng, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Công an tỉnh được giao chủ trì, phối hợp với cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Bình xây dựng 292 căn nhà mới, cải tạo, sửa chữa 101 căn nhà theo đúng đối tượng thụ hưởng, bảo đảm chất lượng để người dân có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thực hiện chương trình, Công an tỉnh đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ từ các phòng thuộc Công an tỉnh và công an các huyện: Lộc Bình, Cao Lộc, thành phố Lạng Sơn phối hợp với các tổ thi công xây dựng ở các xã, thị trấn trực tiếp tham gia các nội dung công việc. Việc huy động hỗ trợ thực hiện trong tất cả các ngày trong tuần và các công đoạn trong quá trình xây dựng từ dỡ nhà, vận chuyển vật liệu, làm nền, đào móng, trộn vữa đến thi công công trình.
Từ trụ sở UBND, các đồng chí Công an xã đưa chúng tôi đến địa điểm xây dựng căn nhà (cách khoảng 6 km) bằng xe máy. Con đường đất gồ ghề, quanh co với nhiều đoạn dốc cao cuối cùng cũng dẫn chúng tôi tới công trình. Căn nhà xiêu vẹo, dột nát nằm sâu trong khe núi, đứng chênh vênh giữa mưa gió... Anh Nguyễn Văn Dung, chủ hộ cho biết: Căn nhà được dựng từ những năm 1990, với 3 thế hệ, 7 nhân khẩu cùng chung sống, dù đã xuống cấp nhưng gia đình không có tiền để xây mới nên chỉ có thể tự sửa sang, gia cố bằng những tấm ván, gỗ cũ. Mỗi khi thời tiết trở lạnh, nhiệt độ trong nhà cũng bằng với ở ngoài. Đợt siêu bão Yagi đổ bộ, căn nhà may mắn không bị ảnh hưởng quá nhiều do ở trong khe núi, tuy nhiên lớp đất đồi phía sau có hiện tượng bị sạt lở, hết sức nguy hiểm.
Không những thế, vào những ngày mưa lớn, căn nhà của anh bị cô lập do con đường độc đạo dẫn vào nhà trở nên trơn trượt, bùn đất bám vào xích, lốp xe, không thể di chuyển được... thậm chí còn trở nên nguy hiểm khi cố vượt qua những con dốc cao.
Bắt tay vào công việc, ba anh em chúng tôi lúng túng chưa biết bắt đầu từ đâu. Cùng với tổ thợ xây và người dân trong xóm, chúng tôi tham gia hỗ trợ tháo dỡ căn nhà cũ. Mỗi nhát búa gõ, một mảng ván sập xuống, không chỉ là gỡ bỏ một nơi ở không đủ an toàn, mà còn là sự bắt đầu của hy vọng... Trong những ngày tiếp theo, chúng tôi cùng bà con vận chuyển từng viên gạch, từng bao xi măng, xây dựng từ móng của căn nhà...
Có những ngày nắng nóng, mồ hôi thấm ướt bộ áo quân phục, cũng có những ngày thời tiết lại mưa rét bất chợt làm đất bùn dính đầy tay lẫn quần áo nhưng trong chúng tôi, không ai nản chí. Tiếng búa đập xen lẫn tiếng cười nói vui vẻ, tạo nên không khí lao động sôi nổi… Những giờ giải lao, chúng tôi lại ngồi bên ấm trà nóng, chia sẻ cho nhau nghe về cuộc sống, công việc và gia đình một cách chân thành.
Chị Thắng, vợ anh Dung đôi khi còn chuẩn bị nồi sắn, nồi khoai nhỏ cho chúng tôi “tẩm bổ”. Những giây phút ấy khiến chúng tôi cảm nhận được sự gắn kết và tình dân quân ấm áp.
Mỗi ngày, nhìn những ánh mắt rạng ngời của cụ già, cháu nhỏ trong gia đình anh Dung khi ngôi nhà mới dần hiện lên, tôi cảm nhận được niềm vui và sự cảm kích chân thành từ họ. Bàn tay chai sạn của các đồng đội, sự phối hợp nhịp nhàng của tổ thợ và tiếng nói cười rộn vang khi hoàn thành từng giai đoạn của công trình, đều làm tôi cảm thấy ấm áp và trân trọng hơn nhiệm vụ mình đang thực hiện. Đối với tôi, những trải nghiệm này không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là nguồn động lực lớn lao, nhắc nhở tôi luôn phải sống và làm việc xứng đáng với niềm tin yêu mà Nhân dân dành cho lực lượng công an.
Sau gần 20 ngày liên tục, công trình cơ bản đã hoàn thiện. Chúng tôi cùng chính quyền xã tổ chức một buổi bàn giao nhỏ nhưng ý nghĩa. Thời điểm bàn giao căn nhà cũng vừa kịp lúc để gia đình anh Dung chuẩn bị tổ chức lễ cưới cho con trai lớn trong gia đình, tất cả đều hân hoan vì tết năm nay gia đình vừa có thêm thành viên mới, vừa đón tết trong căn nhà vững chãi và ấm cúng hơn. Đối với họ, đó không chỉ là một ngôi nhà, mà còn là biểu tượng của niềm tin, là nơi để an cư và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.
Mỗi khi nhìn lại, tôi cảm thấy tự hào vì đã góp một phần công sức nhỏ bé để làm nên sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của bà con. Mỗi viên gạch chúng tôi đặt, mỗi bức tường chúng tôi xây không chỉ đơn thuần là dựng lên một ngôi nhà mà còn dựng lên niềm tin và sự gắn bó giữa lực lượng công an và Nhân dân. Đó chính là động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến và sống xứng đáng với lời dạy của Bác: “Công an nhân dân, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Trách nhiệm của người công an nhân dân không chỉ nằm ở việc giữ gìn trật tự, bảo vệ an ninh quốc gia, mà ở đó, còn là sự sẻ chia, đồng hành và giúp đỡ Nhân dân trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước. Để trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, không có ai bị bỏ lại phía sau.