Xóa nhà tạm, nhà dột nát, biểu hiện sinh động của lòng Dân - ý Đảng
Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào sáng 11/5. Mỗi căn nhà là 'một món quà', 'một mái ấm' thể hiện trách nhiệm, tình thương, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sự sẻ chia của cả cộng đồng.
Đến thời điểm này cả nước đã xóa được gần 209 nghìn nhà tạm, nhà dột nát. Trong số đó có 15 tỉnh, thành phố hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát, đặc biệt có 7 địa phương hoàn thành từ cuối tháng 3/2025, bao gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh.
Từ những kết quả đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng, cả nước phấn đấu trước ngày 31/10/2025, cơ bản hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, sớm hơn hai tháng so với mục tiêu ban đầu đã đề ra. Đặc biệt, ưu tiên bố trí nguồn lực để hỗ trợ nhà ở gia đình thân nhân liệt sỹ, xong trước ngày 27/7, cho người có công với cách mạng xong trước ngày 2/9. Đây là một nhiệm vụ đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ Trung ương đến địa phương, bởi hiện tại cả nước còn khoảng 61.000 nhà tạm, hư hại, chủ yếu ở vùng nông thôn, nhất là ở các tỉnh vùng cao, biên giới.

Đồng chí Lê Mạnh Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Petrovietnam trao cho đại diện UBMTTQ tỉnh Trà Vinh biểu trưng tặng 20 tỷ đồng xây dựng 400 căn nhà cho người nghèo trên địa bàn tỉnh.
Cha ông ta nói “có thực mới vực được đạo”. Xây nhà mới cho dân nghèo, rất đúng, rất cấp bách nhưng tiền ở đâu? Qua kinh nghiệm từ các địa phương đã hoàn thành, phải huy động từ nguồn sức mạnh tổng hợp, ai có của giúp của, ai có công giúp công, giúp 100 nghìn, 200 nghìn đồng cũng quý. Điều quan trọng nhất là biến sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất; biến khẩu hiện đoàn kết thành việc làm, thành phong trào cụ thể.
Cố nhiên, ngay trong phiên họp mới nhất, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh mức hỗ trợ 60 triệu đồng/căn nhà xây mới và 30 triệu đồng/căn nhà sửa chữa để xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước. Nguồn kinh phí huy động tại Chương trình phát động và kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024.

Lãnh đạo Bộ Công an, tỉnh Quảng Trị và đồng chí Lê Ngọc Sơn, Tổng Giám đốc Petrovietnam thực hiện nghi thức khởi công xây dựng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Đạt được kết quả và tiến độ xây dựng nhà mới cho hộ nghèo, cùng với nguồn kinh phí được hỗ trợ, đã có sự đóng góp từ nhiều nguồn, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương; các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước. Bộ Công an tiếp tục hỗ trợ thêm để xây dựng 4.444 căn nhà với kinh phí hơn 283 tỷ đồng. Ngày 17/3, tại tỉnh Quảng Trị, Bộ Công an phối hợp với tỉnh Quảng Trị và Petrovietnam tổ chức Lễ trao tặng nhà mẫu, kinh phí hỗ trợ, khởi công xây dựng và ra quân xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Bộ Công an cùng Petrovietnam đã trao tặng 80 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Trị, khánh thành và khởi công xây dựng các căn nhà hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Bộ Quốc phòng hỗ trợ thêm để xây dựng 3.550 căn nhà với kinh phí khoảng 195 tỷ đồng, nguồn chủ yếu từ đóng góp của cán bộ, chiến sĩ. Ngành ngân hàng tiếp tục vận động các tổ chức tín dụng hỗ trợ bổ sung khoảng 130 tỷ đồng...

Đồng chí Trần Quang Dũng, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn cùng lãnh đạo địa phương và người dân tham gia động thổ xây dựng nhà đại đoàn kết tại xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Sức mạnh làm nên chiến thắng của dân tộc Việt Nam là ở truyền thống yêu nước, ở tinh thần đoàn kết cộng đồng muôn người như một. Quyết sách lịch sử xóa nhà tạm trong năm 2025 là một minh chứng sinh động cho sức mạnh đó. Việc đặt ra một mục tiêu cụ thể, với thời hạn rõ ràng cho thấy sự chủ động, quyết tâm và quyết liệt trong hành động, không dừng lại ở những khẩu hiệu chung chung như: Phấn đấu để “miền núi tiến kịp miền xuôi”, “hãy hành động vì người nghèo”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”... Đồng thời, nó phản ánh hiệu quả của công tác điều hành, chỉ đạo, giám sát trong triển khai chính sách an sinh xã hội. Đây chính là “điểm nghẽn” lâu nay trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách. Cốt lõi của việc xóa bỏ điểm nghẽn là thay đổi căn bản cách ra quyết định và phân quyền, phân bổ quyền lực, để tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là để người dân khắp các vùng miền đất nước “an cư lạc nghiệp”, yên tâm lao động sản xuất, học tập và tham gia các hoạt động xã hội. Những ngôi nhà mới sẽ góp phần thay đổi gương mặt làng quê, làng xóm khang trang, sạch đẹp hơn. Nhà ở không chỉ là chỗ ở, mà còn là nền tảng để phát triển con người toàn diện, đặc biệt là với trẻ em và người già ở vùng khó khăn.
Một chủ trương lớn đã nhanh chóng đi vào cuộc sống bằng sức mạnh lòng Dân - ý Đảng.
Hải Đường