'Xóa sổ' làng thanh niên?
Bản Tân Quang từng được biết đến là Làng thanh niên lập nghiệp kiểu mẫu đầu tiên tại xã biên giới Na Tông (huyện Điện Biên), với nhiều kỳ vọng sẽ tạo nên 'luồng gió mới' góp phần thay đổi kinh tế - xã hội cho vùng đất khó. Sau gần 2 thập kỷ, cùng với tên bản thì những 'dấu vết' về một làng thanh niên lập nghiệp cũng chẳng còn...
Dự án khép lại, khó khăn mở ra
Năm 2007, dự án Làng thanh niên lập nghiệp Tân Quang được phê duyệt và triển khai tại địa bàn xã Na Tông (huyện Điện Biên). Mục tiêu của dự án là đưa nhiều thanh niên trong tỉnh về đây khởi nghiệp, với kỳ vọng sức trẻ và nhiệt huyết của họ sẽ góp phần làm “thay da đổi thịt” vùng đất khó Na Tông. Từ đó xây dựng mô hình nông thôn kiểu mẫu, ổn định bền vững về kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội tiến bộ, văn minh.
Sau khi cho đăng ký, tuyển chọn, dự án đã lập danh sách 50 hộ tham gia, hầu hết là thanh niên (độ tuổi trên dưới 30) có học vấn, hoàn thành nghĩa vụ quân sự là người trong xã, một số hộ đến từ xã Noong Luống, Mường Nhà (huyện Điện Biên), Na Son (huyện Điện Biên Đông). 50 ngôi nhà được dựng lên để các hộ an cư lập nghiệp. Hệ thống điện thắp sáng, bể nước sinh hoạt… cũng được đầu tư. Mỗi hộ nhận 5.000m2 đất sản xuất, trong đó hơn 1.000m2 đất ruộng, còn lại là đất nương.

Nhà dự án Làng thanh niên lập nghiệp xây dựng không đảm bảo nên đa phần người dân đều dựng lại nhà mới, song đến nay đã xuống cấp.
Thế nhưng sự kỳ vọng, háo hức ban đầu giảm dần, nhường chỗ cho sự hụt hẫng. Những ngôi nhà dựng lên diện tích chưa đầy 50m2; kết cấu không hơn gì nhà tạm khiến họ chẳng mấy yên tâm. Nhớ lại những ngày đầu đầy gian khó, ông Lò Văn Hỏa chia sẻ: “Nhà dự án làm cho thì nhỏ, khung nhà rất yếu, ở một thời gian là mối mọt ăn hết. Mưa, gió là sợ lắm, không biết đổ lúc nào. Gia đình tôi phải vay mượn để làm mới. Có nhà ở ổn định rồi thì lại gánh nợ!”.
Sau gần 10 năm ở trong căn nhà dự án, ông Tòng Văn Thưởng phải dựng lại ngôi nhà sàn mới, ổn định chỗ ăn ở cho 4 thành viên gia đình. Để có gỗ, có tiền dựng nhà, ông Thưởng đành bán đi con trâu duy nhất, rồi vay mượn thêm.
“Lúc mới về vay được 15 triệu đồng từ ngân hàng để mua trâu nuôi. Chăm được mấy năm bán đi để dồn tiền làm nhà, không làm thì không ổn định chỗ ở vì nhà dự án xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt” - ông Thưởng bộc bạch.
Khi dự án kết thúc “sứ mệnh” ban đầu, tức là hoàn thành giai đoạn đầu tư về cơ sở hạ tầng, tư liệu sản xuất… cũng là lúc hàng loạt khó khăn mở ra với những nhân khẩu ở Tân Quang. An cư đã vất vả, việc lập nghiệp của người dân nơi đây còn khó bội phần. Bởi vậy, cuộc sống cứ “giậm chân tại chỗ”. Mọi điều kiện phục vụ sinh hoạt và sản xuất được đầu tư, bố trí theo dự án đều không đem lại hiệu quả.

Thiếu nước sản xuất khiến việc canh tác của người dân ở Tân Quang gặp nhiều khó khăn, phần lớn diện tích chỉ canh tác 1 vụ/năm.
Diện tích ruộng được cấp thiếu nước, hệ thống thủy lợi không đáp ứng nhu cầu; đất nương ngày càng bạc màu nên từ trồng ngô, bà con chuyển sang trồng sắn. Đến kỳ thu hoạch, hiệu quả, năng suất cây trồng không cao khiến người dân không có vốn quay vòng. Từ những năm đầu, một số hộ gia đình đã bỏ về quê hoặc rời làng đi làm ăn. Chỉ vài năm sau lập nghiệp, làng chỉ còn hơn 30 hộ bám trụ lại. Rải rác quanh làng không khó bắt gặp những ngôi nhà bỏ hoang...
Trước thực trạng đó, những người đứng đầu chính quyền xã Na Tông đã có nhiều kiến nghị, trăn trở về khó khăn tại Làng thanh niên lập nghiệp Tân Quang. Có thời gian, chính quyền xã đưa các dự án cây trồng mới về triển khai, trong đó có cây cà phê. Thế nhưng, vấn đề nước tưới vẫn chưa được giải quyết triệt để, việc canh tác, sản xuất phần lớn phụ thuộc vào thiên nhiên nên các dự án đều không mang lại kết quả. Người dân vẫn quay lại với cây trồng truyền thống là cây sắn, mùa được - mùa không.
Đất làng không "nuôi" được người làng
Sống ở làng, nhưng lại “tha phương lập nghiệp”, sang địa bàn khác lao động, sản xuất hoặc làm thuê. Đó là thực trạng diễn ra ở Tân Quang nhiều năm qua. Nguyên nhân cơ bản nhất là đất làng không thể nuôi sống được người làng.
Chìa đôi bàn tay nhẩm đếm, ông Tòng Văn Thưởng bảo: “Giờ còn chưa đầy 10 hộ nằm trong danh sách của dự án ở lại thôi. Số khác đều về quê cũ hoặc bán đất di cư sang địa phương khác. Tên bản Tân Quang giờ không còn vì sáp nhập với bản Na Ố. Làng thanh niên cũng coi như xóa sổ rồi!”.

Cây sắn giống của gia đình ông Tòng Văn Thưởng được tích trữ từ cuối năm ngoái, nhưng phải chờ đến tháng 5 - 6 khi có mưa mới có thể trồng.
Cực chẳng đã, gia đình ông Thưởng vẫn phải bám trụ lại đất này là bởi không có nơi để đi. Mặt khác, ông cũng có phần may mắn hơn các hộ khác khi được bố mẹ chia cho gần 2.000m2 ruộng, trồng lúa nước nằm ở khu vực bản Na Ố. Thế nhưng, ruộng đó cũng chỉ làm được 1 vụ/năm, không đủ gạo ăn cho cả gia đình. Diện tích nương sau nhiều năm canh tác đã bạc màu, năm ngoái thu hoạch bán được 20 triệu đồng dồn hết cho con học đại học; năm nay thất thu, chỉ chưa đầy 5 triệu đồng.
Sau những năm tháng bỏ lại “sức trẻ” ở làng thanh niên, giờ đây ông Thưởng hàng ngày vẫn phải sang các bản lân cận nhận việc làm thuê, như: phụ hồ, dựng nhà, trồng sắn… Vợ ông cũng về các tỉnh miền xuôi tìm việc. Cộng các khoản vừa đủ khoảng 4 triệu đồng/tháng để duy trì lo cho 2 con ăn học.

Vết tích còn lại của một ngôi nhà thuộc dự án ở Tân Quang, do chủ nhân đã di cư đi nơi khác ở.
Vất vả hơn ông Thưởng, vợ chồng ông Thào A Sênh phải nuôi 1 mẹ già và 3 người con đang tuổi ăn học nên “gánh nặng” mưu sinh càng lớn. Đất canh tác được cấp đầy đủ, nhưng bạc màu nên thu hoạch không đủ ăn, ông Sênh phải nhận khoán cấy lúa cho các hộ dân ở xã Pom Lót - cách nhà hơn 20km.
Ông Sênh chia sẻ: “Tùy sức khỏe mỗi năm mà tôi nhận khoán làm, nhưng bình quân phải đảm bảo khoảng 5.000 - 6.000m2 mới đủ gạo ăn cho cả nhà. Hàng ngày cứ dậy sớm từ nhà đi, có hôm tối mịt mới về. Đến vụ thu hoạch, cứ 1.000m2 thì chủ đất lấy 1,2 - 1,5 tạ thóc, số còn lại mới là của mình. Năm nào thuận lợi thì đủ ăn, còn không là phải mượn chỗ nọ đập vào chỗ kia”.
Sau nhiều năm thực hiện dự án, kỳ vọng về ngôi làng nông thôn kiểu mẫu không đạt được, mà giờ đây gần như đã xóa sổ. Với những người ở lại Làng thanh niên lập nghiệp xưa kia nay vẫn từng ngày loay hoay lo toan mưu sinh, trong khi họ đều đã bước qua tuổi thanh niên!
Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/xa-hoi/xoa-so-lang-thanh-nien