Xòe Thái Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
Từ bao đời nay, múa xòe là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của dân tộc Thái Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Múa xòe là kết quả sáng tạo nghệ thuật xuất phát từ đời sống văn hóa tinh thần phong phú của đồng bào, thể hiện sự gắn kết cộng đồng sắt son, bền chặt. Sự kiện Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khẳng định sự đa dạng, giá trị và bản sắc của văn hóa Việt Nam trong bức tranh văn hóa chung của nhân loại.
“Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi”, câu dân ca như khẳng định thêm vị trí của xòe trong đời sống đồng bào Thái. Qua thời gian, đồng bào Thái đã không ngừng xây dựng và phát triển nghệ thuật xòe đa dạng, đặc sắc. Múa xòe đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, là sự kết tinh những kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của cộng đồng dân tộc Thái. Vì thế, từ những cuộc vui của gia đình đến những lễ hội Xên bản, xên mường, lễ mừng cơm mới, hay lễ hội hoa Ban... đều tổ chức xòe. Những động tác múa uyển chuyển hòa với âm nhạc, bài hát, trang phục áo cóm, âm thanh phát ra từ trang sức bằng bạc đeo quanh thắt lưng của người phụ nữ Thái tạo nên một loại hình nghệ thuật đặc sắc ở vùng Tây Bắc. Xòe cho chúng ta cảm nhận được nhịp sống và hơi thở của con người Tây Bắc, thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng và có sức hút đặc biệt, khiến người tham gia dù lớn hay nhỏ, lạ hay quen, vẫn cứ say mê hòa nhịp vòng xòe.
Với những giá trị nhân văn và vô cùng đặc sắc, tại Kỳ họp thứ 16 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh dự, tự hào lớn đối với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng bào dân tộc Thái và của 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên.
Chia sẻ sau khi Nghệ thuật Xòe Thái được vinh danh, ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phấn khởi cho biết: Tự hào và vinh dự khi Nghệ thuật Xòe Thái trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đây là một sự khẳng định, công nhận ở tầm cỡ quốc tế đối với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, đặc sắc của dân tộc. Để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay, công việc cần làm là triển khai các hoạt động kiểm kê, tư liệu hóa, nhận diện giá trị, hiện trạng của di sản, tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ, vinh danh nghệ nhân, nâng cao nhận thức của cộng đồng chủ thể nói riêng và xã hội nói chung về giá trị của di sản.
Là một trong số nghệ nhân có mặt tại cuộc họp trực tuyến thông qua hồ sơ Xòe Thái, Nghệ nhân Lò Văn Lả, tổ 7, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La không giấu được niềm vui: Tôi rất tự hào, phấn khởi khi Xòe Thái được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chúng tôi sẽ tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ và khả năng của mình tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, truyền dạy để nghệ thuật Xòe Thái mãi lan tỏa, trường tồn.
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam và là niềm tự hào của các dân tộc ở Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung. Đồng thời, cũng đặt ra trách nhiệm cho các địa phương có đông đồng bào người Thái sinh sống đối với việc tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội hiện đại.
Bà Hoàng Ngân Hoàn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Thực hiện công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái, ngành tiếp tục tham mưu đưa hoạt động bảo tồn và phát huy di sản Nghệ thuật Xòe Thái vào hương ước, quy ước của các tổ bản, tiểu khu; mở các lớp truyền dạy di sản Nghệ thuật Xòe Thái trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Tôn vinh các nghệ nhân trong lĩnh vực thực hành nghệ thuật Xòe Thái để ghi nhận công lao và khuyến khích các nghệ nhân gìn giữ, phát huy giá trị của di sản Xòe Thái.
Một mùa xuân mới lại về, khi tiếng chiêng, tiếng trống vang lên, các chàng trai trong bộ trang phục truyền thống, cô gái Thái xúng xính bộ áo cóm, váy nhung, xà tích bạc buông hờ bên hông, quàng trên vai chiếc khăn piêu, cùng du khách tay trong tay nới rộng mãi vòng xòe. Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại càng tạo điểm nhấn ấn tượng trong lòng nhân dân và du khách khi đến với Sơn La nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung.