Xôi trám đen

Khi tiết trời vào thu, tại các phiên chợ vùng cao Cao Bằng lại xuất hiện những gánh hàng nhỏ bán quả trám đen. Với hương vị bùi ngọt đặc trưng và màu sắc tím hồng bắt mắt, trám đen trở thành nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây, đặc biệt là món xôi trám, món ăn giản dị, dân dã nhưng để lại ấn tượng khó quên.

Trám đen Cao Bằng.

Trám đen Cao Bằng.

Mùa trám đen thường bắt đầu vào khoảng cuối tháng 8 đến đầu tháng 10. Khác với trám xanh có vị chua, thường dùng để kho thịt, trám đen có hai loại: trám nếp và trám tẻ. Trong đó trám nếp được người dân ưa chuộng hơn bởi vị thơm, ngọt bùi và thịt mềm mịn, không cứng và giòn như trám tẻ. Chọn được những quả trám nếp chín cây, có màu tím thẫm, quả còn tươi, đỉnh cuống còn dính nhựa, da quả căng, bóng, mịn không bị rộp là đã nắm bắt được một phần “linh hồn” của món xôi trám. Gạo nếp để làm xôi cũng không kém phần quan trọng. Những hạt nếp tròn, mẩy, đều đặn được lựa chọn kỹ lưỡng, có thế là nếp Pì Pất, nếp Ong, nếp Hương Bảo Lạc,... để khi chín sẽ tỏa ra hương thơm ngào ngạt, nức lòng người thưởng thức.

Để làm ra được món xôi trám thơm ngon, cần lưu ý vài công đoạn trong cách chế biến. Đặc biệt theo những người có kinh nghiệm làm xôi trám lâu năm cho biết, khi quả trám được rửa sạch sẽ, ngâm trong nước ấm để loại bỏ nhựa, sau đó để trám ngập trong nồi nước trên bếp lửa, khuấy đều bằng tay đến khi nóng tay thì tắt lửa, tiếp tục ủ chừng 30 - 45 phút, giữ cho trám mềm vừa tới. Khi trám đã mềm, người ta dùng dao khứa đôi quả trám, khéo léo tách bỏ hạt, chỉ lấy phần cùi mềm dẻo, thêm một chút muối trong lòng để trám thêm đậm đà, đem phơi một nắng để lâu dài. Gạo nếp sau khi ngâm từ 8 - 10 tiếng cho ngậm nước được vớt lên, để ráo và trộn với một chút dầu ăn để khi đồ xôi có độ bóng, không bị dính. Quá trình đồ xôi cần phải đun lửa nhỏ, giữ đều nhiệt, ít mở vung để đảm bảo hơi nước không bay hơi quá nhiều, giúp xôi chín đều và giữ được độ dẻo.

Xôi trám dẻo thơm đậm vị núi rừng.

Xôi trám dẻo thơm đậm vị núi rừng.

Có nhiều cách để thưởng thức xôi trám, tùy vào sở thích của mỗi người. Một số người thích ăn xôi khi còn nóng, trộn ngay với trám đã om chín. Có người lại thích nghiền nhuyễn phần thịt trám rồi trộn đều với xôi và tiếp tục đồ thêm khoảng 10 phút để xôi có màu tím hồng bắt mắt. Ngoài ra, có những gia đình thích trộn thêm thịt băm xào với trám để tạo thêm hương vị đậm đà. Nhưng dù có chế biến và thưởng thức theo cách nào, thực khách vẫn có thể cảm nhận được trọn vẹn vị ngọt thanh của gạo nếp hòa quyện ngọt bùi của trám, như phảng phất hương vị núi rừng Đông Bắc. Bà Nông Thị Hiên, tổ 1 phường Hợp Giang (Thành phố) chia sẻ: Tôi thường đồ trám và trữ đông trong tủ lạnh để ngoài vụ trám vẫn có thể nấu món xôi trám cho gia đình. Đặc biệt là dịp lễ, Tết, trong mâm cúng tổ tiên không thể thiếu món xôi trám.

Xôi trám đen là món ăn độc đáo mang hương vị núi rừng, vị ngọt bùi của các nguyên liệu thiên nhiên kết hợp với bàn tay khéo léo của con người, mang đến cảm giác đầm ấm, thân thuộc. Xôi trám dẻo, thơm, không dính tay, đơm ra đĩa có màu tím hồng đẹp mắt. Có thể ăn kèm lạp sườn hun khói, thịt băm, chả giò, rắc thêm chút hành phi vàng rụm để hương vị thêm hấp dẫn. Đây cũng là món ăn đặc trưng của người Cao Bằng đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố trong danh sách top 100 món ăn, ẩm thực đặc sản tiêu biểu của Việt Nam.

Xôi trám đen không chỉ là món ăn để thưởng thức tại chỗ mà còn là một phần quà đầy ý nghĩa để mang về, như mang theo một chút hồn quê hương gửi gắm đến những người thân yêu. Du khách đến Cao Bằng, có thể dễ dàng tìm mua xôi trám đen tại các chợ trung tâm hay các nhà hàng đặc sản, để hương vị đậm đà của núi rừng vẫn còn đọng mãi.

Diệu Linh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/xoi-tram-den-3171769.html