Xu hướng mới trong tuyển sinh đại học
Một số cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đã bắt đầu công bố kế hoạch tuyển sinh năm 2024 để thí sinh có thời gian chuẩn bị.
Tiếp tục giảm phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT
Tại hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh đại học năm 2023, phương hướng năm 2024 và 2025 của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết các phương thức xét tuyển cơ bản được giữ ổn định như năm 2023, nhưng điều chỉnh chỉ tiêu. Theo đó, tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm khoảng 18%, giảm 7% so với năm 2023, phần chỉ tiêu giảm này sẽ chuyển sang xét tuyển kết hợp theo đề án riêng của trường, nâng tỉ lệ lên 80%, xét tuyển thẳng 2%. Từ năm 2025, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển để phù hợp với cách thức và nội dung thi tốt nghiệp THPT.
Theo kế hoạch năm học 2023 - 2024, Trường ĐH Thương mại xây dựng 8 chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế và 2 chương trình đào tạo chuẩn trình độ ĐH. Các chương trình đào tạo này sẽ được đưa vào tuyển sinh từ năm 2024.
Trường ĐH VinUni chính thức mở cổng tuyển sinh năm học 2024 - 2025 từ ngày 15/10. Lộ trình tuyển sinh gồm 3 giai đoạn: đợt tuyển sinh kỳ sớm từ ngày 15/10 đến 15/1/2024; đợt tuyển sinh kỳ thường từ ngày 15/2 - 15/5/2024 và đợt tuyển sinh kỳ cuốn chiếu từ ngày 15/6 đến 15/8/2024. Theo Hội đồng tuyển sinh VinUni, một điểm khác biệt so với kỳ tuyển sinh vừa qua là thay vì chờ đến cuối mỗi đợt tuyển sinh mới chốt và duyệt hồ sơ, tuyển sinh năm 2024 nhà trường sẽ lọc và xét duyệt hồ sơ vào ngày 15 hằng tháng.
“Các cơ sở giáo dục ĐH xây dựng đề án tuyển sinh năm 2024, lưu ý hoàn thiện các phương thức xét tuyển; thực hiện đúng quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh. Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp chương trình giáo dục phổ thông mới 2018”.
PGS. TS Nguyễn Thu Thủy,
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT
Điều chỉnh 2 kì thi đánh giá năng lực lớn nhất miền Bắc
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) của ĐH này năm 2024 dự kiến có 6 đợt thi từ tháng 3 đến tháng 6/2024, giảm 2 đợt so với năm 2023. Kỳ thi sẽ được tổ chức tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Dự kiến kỳ thi năm 2024 có 75.999 lượt thí sinh dự thi. Trong đó, mỗi thí sinh được đăng ký dự thi tối đa 2 lượt/năm. Thời gian đăng ký giữa hai ca thi liền kề cách nhau 28 ngày (tính cả ngày lễ, thứ Bảy, Chủ nhật). Lệ phí dự thi là 500.000 đồng/lượt thi. Thí sinh sẽ làm bài thi trên máy tính, kết quả thi cũng được máy chấm và thí sinh biết luôn sau khi nộp bài.
Năm 2023 có gần 70 cơ sở đào tạo sử dụng kết quả thi HAS của ĐH Quốc gia Hà Nội trong phương thức xét tuyển. Điểm hạn chế của kì thi này là chưa tổ chức thi môn Ngoại ngữ.
ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức 6 đợt thi đánh giá tư duy (TSA) trong năm 2024, tăng 3 đợt so với năm 2023. Đợt thi đầu tiên diễn ra vào ngày 2 - 3/12 tới và đợt cuối vào ngày 15 - 16/6/2024. Các đợt thi đều diễn ra vào thứ Bảy, Chủ nhật để tạo thuận lợi cho thí sinh.
Các đợt thi đánh giá tư duy sẽ được tổ chức tại 8 địa phương: Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng. Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá tư duy sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong hai năm và có thể sử dụng điểm số này để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học chấp nhận kết quả này.
Các ngành tuyển sinh ĐH có thể sử dụng kết quả kỳ thi TSA được mở rộng, bao gồm khoa học công nghệ, kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, y dược.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/xu-huong-moi-trong-tuyen-sinh-dai-hoc-post1581078.tpo