Xu hướng tăng lương ở Nhật Bản trước diễn biến kinh tế toàn cầu
Các chuyên gia cho rằng việc tăng lương ở Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, trong đó đáng chú ý là năng suất làm việc.
Không tăng lương trong 30 năm
Theo CNN, ông Hideya Tokiyoshi bắt đầu sự nghiệp là một giáo viên tiếng Anh ở Tokyo (Nhật Bản) cách đây 30 năm. Kể từ đó, mức lương của ông hầu như không thay đổi. Bởi vậy, Tokiyoshi đã quyết định làm thêm nghề viết sách để hỗ trợ thu nhập.
"Tôi cảm thấy may mắn vì viết và bán sách mang lại cho tôi nguồn thu nhập bổ sung. Nếu không nhờ điều đó, tôi sẽ mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn lương cũ", Tokiyoshi, hiện 54 tuổi nói.
Ông Tokiyoshi là một phần của thế hệ người lao động ở Nhật Bản hầu như không được tăng lương trong suốt sự nghiệp. Giờ đây, khi giá cả tăng mạnh sau nhiều thập kỷ giảm phát, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang buộc phải tính đến vấn đề chính là mức sống giảm sút của người dân và các công ty đang phải đối mặt với áp lực lớn buộc phải trả lương cao hơn cho người lao động.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã lên tiếng các doanh nghiệp trong nước nên giúp đỡ người lao động ứng phó với tình trạng chi phí sinh hoạt ngày càng cao. Tháng trước, ông Kishida đã kêu gọi các công ty tăng lương cao hơn mức lạm phát. Giống như những quốc gia khác trên thế giới, lạm phát ở Nhật Bản đã trở thành một vấn đề đau đầu. Tính đến tháng 12, giá tiêu dùng cốt lõi năm ngoái đã tăng 4%, được xem là mức thấp so với Mỹ hoặc châu Âu nhưng lại là mức cao nhất trong 41 năm qua đối với Nhật Bản, nơi mọi người đã quen với việc giá cả đi ngược lại xu hướng thế giới.
"Nhật Bản đang trải qua thời điểm tiền lương danh nghĩa không tăng trong hơn 30 năm còn tiền lương thực tế đang giảm khá nhanh do lạm phát," Stefan Angrick, nhà kinh tế cấp cao của Moody's Analytics có trụ sở tại Tokyo nói với CNN.
Tháng trước, Nhật Bản đã ghi nhận mức giảm thu nhập lớn nhất sau khi tính đến lạm phát trong gần một thập kỷ.
Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), mức lương trung bình hàng năm ở Nhật Bản là 39.711 USD vào năm 2021 - thậm chí còn giảm đi so với 37.866 USD vào năm 1991.
Các chuyên gia đã chỉ ra hàng loạt nguyên nhân khiến tiền lương trì trệ. "Trong 20 năm qua, về cơ bản, không có sự thay đổi nào trong lạm phát giá tiêu dùng ở Nhật Bản. Cho đến thời điểm hiện tại, người tiêu dùng cũng ít bị ảnh hưởng bởi chi phí tăng hoặc không cảm thấy cần phải đòi hỏi mức lương cao hơn" , Müge Adalet McGowan, nhà kinh tế cấp cao của văn phòng Nhật Bản tại OECD, cho biết
Tuy nhiên, Giáo sư kinh tế tại Đại học Tokyo Shintaro Yamaguchi dự báo khi lạm phát tăng lên thì người dân có thể bắt đầu phàn nàn về việc không tăng lương.
Thị trường việc làm thay đổi
Các chuyên gia cho rằng việc tăng lương ở Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, trong đó đáng chú ý là năng suất. Theo Giáo sư Yamaguchi, sản lượng quốc gia - được đo bằng số lượng người lao động đóng góp vào GDP quốc gia theo mỗi giờ - thấp hơn mức trung bình của OECD và "có lẽ là lý do lớn nhất" dẫn đến tiền lương cố định trong thời gian dài.
"Nhìn chung, tăng trưởng tiền lương và năng suất đi đôi với nhau. Khi năng suất tăng, các công ty hoạt động tốt hơn và khi làm tốt hơn, họ có thể đưa ra mức lương cao hơn", bà McGowan nhận định.
Theo bà McGowan, dân số già cao ở Nhật Bản là một nguyên nhân vì lực lượng lao động lớn tuổi sẽ giảm năng suất. Theo các nhà kinh tế học, văn hóa làm việc độc đáo của Nhật Bản đang góp phần vào tình trạng trì trệ tiền lương. Theo truyền thống, nhiều công ty đang cố gắng hết sức để giữ chân người lao động làm việc suốt đời. Những công ty này thường rất thận trọng trong việc tăng lương.
"Họ không muốn sa thải nhân viên và giữ nhân viên trong biên chế khi khủng hoảng xảy ra," ông nói.
Theo chuyên gia McGowan, hệ thống trả lương dựa trên thâm niên, trong đó người lao động được trả lương dựa trên cấp bậc và thời gian làm việc hơn là hiệu suất làm việc, làm giảm động cơ khuyến khích mọi người thay đổi công việc.
Áp lực lên doanh nghiệp
Vào tháng trước, Thủ tướng Kishida đã cảnh báo nền kinh tế đang bị đe dọa, nói rằng Nhật Bản có nguy cơ rơi vào lạm phát đình trệ nếu không tăng lương trước tình hình giá cả leo thang hiện tại. Tăng lương từ 3% trở lên trong một năm là mục tiêu cốt lõi của chính quyền Thủ tướng Kishida.
Đại diện của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cũng cho biết các nhà chức trách có kế hoạch đưa ra các hướng dẫn cho các công ty vào tháng 6 năm nay. Trong khi đó, Công đoàn Nhật Bản (Rengo) hiện đang yêu cầu tăng lương 5% tại các cuộc đàm phán với ban quản lý của nhiều công ty. Các cuộc đàm phán hàng năm bắt đầu trong tháng này.
Trong một tuyên bố, Rengo cho biết hầu hết người lao động đang kiếm được "mức lương thấp hơn trên quy mô toàn cầu" và cần sự giúp đỡ với giá cả tăng cao. Fast Retailing (FRCOF), công ty đứng sau Uniqlo và Theory đã thông báo sẽ tăng lương cho người lao động ở Nhật Bản lên tới 40%, thừa nhận rằng lương thưởng "vẫn ở mức thấp" trong những năm gần đây.
Bên cạnh các yếu tố liên quan đến lạm phát, công ty cũng muốn phù hợp với "các tiêu chuẩn toàn cầu" để có thể tăng khả năng cạnh tranh. Theo một cuộc thăm dò của hãng Reuters, hơn một nửa số công ty lớn của Nhật Bản đang có kế hoạch tăng lương cho nhân viên trong năm nay.
Suntory, một trong những nhà sản xuất nước giải khát lớn nhất Nhật Bản cũng là một trong số đó. Giám đốc điều hành Takeshi Niinami đang cân nhắc tăng 6% lương cho người lao động Nhật Bản. "Nếu một số công ty lớn nhất ở Nhật Bản tăng lương thì nhiều công ty khác sẽ làm theo", ông Yamaguchi nói thêm