Xử lý dự án kém hiệu quả ngành công thương: Không có phương án tuyệt đối tốt
TS Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng không có phương án tuyệt đối tốt, mà chỉ có phương án tối ưu trong xử lý các dự án kém hiệu quả ngành công thương. Theo đó, cần có giải pháp để xử lý với mức thiệt hại thấp nhất cho Nhà nước.
Có 5 dự án được ra khỏi “danh sách đen”
Liên quan đến việc xử lý một số dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, hiện 5/12 dự án đã được đưa ra khỏi "danh sách đen". Tuy nhiên, giới hữu trách cho rằng chặng đường phía trước còn rất nhiều thách thức trong xử lý các dự án yếu kém gắn với điều kiện phát triển thị trường, hướng dẫn doanh nghiệp về pháp lý trong việc xử lý tranh chấp hợp đồng EPC, hay giải quyết khó khăn về tài chính…
Tại tọa đàm "Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo" ngày 5.4 do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, đến nay, các dự án đã không còn vướng mắc về cơ chế chính sách. Đã có 5 dự án đưa ra khỏi danh mục theo dõi của ban chỉ đạo.
Theo ông Hùng, "đây là một quá trình dài". Năm dự án này đều bám sát các mục tiêu cụ thể: Khắc phục thua lỗ, thậm chí có lãi.
Còn các dự án không còn khả năng khắc phục vì các lý do như sản phẩm đưa ra không còn thị trường, không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu thì xử lý tài chính, cơ cấu vốn, giải pháp cuối cùng là phá sản.
Ngoài ra, nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ cũng theo hướng mới, là cơ hội mở ra cho doanh nghiệp để lựa chọn các nhà đầu tư mới để thích ứng với thị trường hiện nay, tạo đà phát triển mới cho doanh nghiệp.
Tọa đàm " Xử lý các dự án yếu kém: Bài học kinh nghiệm và hướng đi tiếp theo" - Ảnh: VGP
Cũng theo ông Hùng, để đưa ra quyết định đưa 5 dự án ra khỏi theo dõi của Ban Chỉ đạo, phải tính toán rất kỹ. Cả 5 dự án được đưa ra đều xử lý các vướng mắc cho doanh nghiệp theo hướng bám sát thị trường, tôn trọng pháp nhân doanh nghiệp… chứ không can thiệp thô bạo.
Xử lý tích cực và xử lý có kết quả
TS Nguyễn Sĩ Dũng nhận định: “Với các dự án này, kể cả những dự án xử lý xong vấn đề cơ chế, quả thực không có phương án tuyệt đối tốt, mà chỉ có phương án tối ưu, làm sao để xử lý với mức thiệt hại thấp nhất cho Nhà nước, đem lại hiệu quả tốt nhất có thể. Sắp tới có thể các dự án khác cũng theo phương án xử lý như vậy”.
Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay sau khi nghe trao đổi của doanh nghiệp, các cơ quan có liên quan, ông rất mừng vì nguyên tắc đó được thống nhất.
“Sự không thống nhất trong nguyên tắc sẽ rất khó để xử lý. Rất mừng vì hiện nay chúng ta có cách tiếp cận đặt lợi ích của Nhà nước lên cao nhất, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất”, ông Hiếu nói.
Tuy nhiên, ông Hiếu cũng cho rằng có những dự án có thể không có thị trường, không có khả năng thì phải tính đến những phương án như phá sản, thu hồi tài sản…
“Với tư duy của một nhà đầu tư tôi thấy cách tiếp cận này rất hợp lý. Nghe các trao đổi thì tôi thấy chúng ta đã thống nhất một vài phương án đang đi đúng hướng. Chúng ta đều nói về từng dự án, như vậy chúng ta đang cá thể hóa từng dự án, đánh giá kỹ từng dự án. Từ đó chúng ta phải có phương án tối ưu cho từng dự án. Theo tôi đây cũng là điểm rất tốt”, ông Hiếu nêu.
ĐBQH Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Ảnh: VGP
Cũng theo ông Hiếu, không thể phá vỡ được các nguyên tắc của quản trị doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp hay Luật Đầu tư và sử dụng vốn của doanh nghiệp. Khi xử lý các dự án thì tính toán các lợi ích, cơ cấu lại chính bản thân dự án, tiết giảm các chi phí để nâng cao hiệu quả. Thậm chí tính đến cả phương án cơ cấu lại sản phẩm phù hợp, phục hồi đúng sản phẩm ban đầu nếu không có thị trường. Tính đến cả dài hạn. Ngay cả khi sau khi chúng ta khôi phục ở một giai đoạn nhất định thì chúng ta có thể tạo điều kiện thoái vốn hoàn toàn ra khỏi các dự án.
“Tôi đánh giá và nhất trí rất cao cách tiếp cận tối ưu hóa lợi ích theo cả chiều xuôi và chiều ngược, tính đến từng lợi ích cụ thể, giao trách nhiệm cho từng bên có liên quan”, ông Hiếu chia sẻ và cho biết với việc xử lý các dự án lần này, cá nhân tôi đánh giá cao 2 điểm, đó là xử lý tích cực và xử lý có kết quả.
Hai mốc quan trọng của Nhiệt điện Thái Bình 2
Liên quan đến dự án Nhà máy điện Thái Bình 2 đắp chiếu hơn 10 năm, cần thêm 3 nghìn tỉ đồng, ông Hồ Sỹ Hùng cho biết việc vận hành nhà máy này có ý nghĩa lớn trong cấp điện cho cả nước.
Theo ông Hùng, thách thức hiện nay là hệ thống thiết bị để quá lâu, giờ lắp đặt để vận hành. Trong quá trình đó, đội ngũ lãnh đạo nhà máy và nhà thầu phải họp quần nhau đi quần nhau lại nhiều lần để xem xét… Đây là quá trình gian truân để dự án được triển khai. Ngoài ra, việc phát sinh 3 nghìn tỉ đồng nhưng vẫn trong tổng mức đầu tư. Tất nhiên, cũng cần phải tính toán lại, thậm chí phải thẩm định bổ sung thiết bị đến thời điểm này…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết đối với dự án này, yêu cầu của Thủ tướng là bằng mọi giá, mọi cách phải đưa dự án này vào vận hành, tháng 11 là phải đưa tổ máy 1 vào vận hành thương mại. Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Tập đoàn Dầu khí với tư cách chủ đầu tư dựng đồng hồ đếm ngược tại công trường, hằng ngày nhìn thấy còn bao nhiêu ngày nữa sẽ đến mục tiêu.
“Tất nhiên hiện nay làm sao phục vụ được mục tiêu hòa lưới vào cuối tháng 4 này, cùng lắm là sang đầu tháng 5 như chỉ đạo của Chính phủ, và đốt than lần đầu vào 16.6, thì còn rất nhiều việc”, ông An nói.
Cũng theo ông An, chủ đầu tư Tập đoàn Dầu khí đã phê duyệt tiến độ cấp 4. Có những hạng mục rất quan trọng như hạng mục cấp than, máy nghiền than, băng tải than, các hệ thống liên quan đến xử lý lưu huỳnh… đang chạy hết tốc lực, song song với việc chạy thử và thí nghiệm các hệ thống đã lắp đặt.
“Tôi cũng kỳ vọng từ nay đến 16.6, chúng ta sẽ đạt được 2 mốc quan trọng. Một là hòa lưới điện lần đầu vào cuối tháng 4, nếu kịp vào 30.4 thì tốt. Sau đó sang mốc 16.6. Việc rất nhiều và đòi hỏi sự phối hợp kỹ giữa các nhà thầu, bởi 29 nhà thầu trên công trường bao gồm cả trong nước và nước ngoài, công việc điều phối rất quan trọng”, ông An nêu.