Xử lý nghiêm vi phạm, xây dựng môi trường truyền thông lành mạnh
Bên cạnh ảnh hưởng tích cực, không ít người nổi tiếng đã lợi dụng sức ảnh hưởng để quảng cáo sai sự thật, tiếp tay cho hàng giả, lan truyền nội dung độc hại.
Thực trạng này đặt ra yêu cầu bức thiết về việc siết chặt quản lý, hoàn thiện khung pháp lý và đề cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội nhằm xây dựng môi trường truyền thông số lành mạnh, minh bạch và phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội:
Xử lý nghiêm hành vi quảng cáo sai sự thật

Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, các doanh nghiệp truyền thông và KOL (Key Opinion Leader - Người dẫn dắt xu hướng) đã trở thành lực lượng quan trọng, góp phần định hình xu hướng tiêu dùng, lối sống và tư duy xã hội. Không chỉ dừng ở vai trò truyền cảm hứng, họ còn đóng góp tích cực trong việc cung cấp thông tin, tạo ra các sản phẩm giải trí và lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng hữu ích đến cộng đồng thông qua các nền tảng số như YouTube, Facebook, TikTok... Những sản phẩm này không chỉ thu hút người xem mà còn góp phần nâng cao nhận thức xã hội, truyền cảm hứng sống tích cực trong cộng đồng.
Tuy nhiên, sự nổi tiếng không chỉ mang lại danh tiếng mà còn đi kèm với trách nhiệm lớn lao. Mỗi phát ngôn, hành động hay nội dung mà KOL chia sẻ đều có sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến nhận thức và hành vi của hàng triệu người, đặc biệt là giới trẻ. Vì vậy, các KOL cần hành xử một cách chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp và không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội.
Đáng tiếc là hiện nay vẫn còn một bộ phận KOL lợi dụng niềm tin của công chúng để phục vụ cho lợi ích cá nhân, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và làm suy giảm lòng tin của người dùng. Một số trường hợp như Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs từng được công chúng yêu mến nhưng sau đó bị khởi tố vì vi phạm pháp luật đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự dễ dãi trong quản lý nội dung số. Đáng lo ngại, một số doanh nghiệp - thậm chí cả các sàn thương mại điện tử lớn cũng tiếp tay cho các trang web vi phạm pháp luật bằng cách gắn quảng cáo trên các nền tảng chứa nội dung trái phép như phim lậu, trò chơi cờ bạc, hoặc các nội dung độc hại. Điều này không chỉ tiếp sức cho hành vi vi phạm mà còn tạo ra sự bất công đối với những KOL đang hoạt động chính thống và tuân thủ pháp luật. Thực trạng này không chỉ làm xói mòn niềm tin xã hội, ảnh hưởng đến hình ảnh của các KOL chân chính mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường truyền thông số.
Trước tình hình đó, trong thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn pháp luật cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nội dung số; đồng thời vinh danh, hỗ trợ các KOL làm nội dung chất lượng, hỗ trợ họ trong việc tiếp cận những nguồn thông tin chính thống, có đóng góp tích cực cho cộng đồng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp, nền tảng cố tình quảng cáo trái pháp luật, để bảo vệ môi trường truyền thông trong sạch, lành mạnh.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính):
Lấp đầy khoảng trống pháp lý

Sự gia tăng nhanh chóng của hoạt động livestream và quảng cáo trực tuyến đang kéo theo nhiều rủi ro về đạo đức và pháp lý, đặc biệt khi người nổi tiếng giới thiệu những sản phẩm kém chất lượng, sai sự thật hoặc chưa được kiểm chứng. Ở góc độ thị trường, đây là biểu hiện rõ nét của tình trạng thông tin bất đối xứng, khi người tiêu dùng không có khả năng tự thẩm định sản phẩm mà hoàn toàn dựa vào uy tín và hình ảnh của người quảng bá. Nếu thiếu cơ chế kiểm soát phù hợp, tình trạng này có thể bóp méo tín hiệu thị trường, xói mòn lòng tin của người tiêu dùng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính minh bạch, ổn định trong lĩnh vực hàng hóa - dịch vụ, đặc biệt là thương mại điện tử. Trên thực tế, đã có không ít vụ việc người nổi tiếng quảng cáo sai quy định liên quan đến thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, khiến người tiêu dùng gánh hậu quả về sức khỏe và tài chính. Tuy nhiên, chế tài xử lý vẫn chưa tương xứng với mức độ ảnh hưởng.
Đây chính là khoảng trống pháp lý cần sớm được lấp đầy. Mới đây, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó bổ sung các quy định mới về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, nhất là người nổi tiếng. Bên cạnh đó, theo tôi, các nền tảng số - nơi diễn ra các hoạt động quảng cáo - cũng cần có cơ chế kiểm duyệt và cảnh báo minh bạch như bắt buộc gắn nhãn “nội dung tài trợ”, công khai đơn vị cung cấp sản phẩm, hoặc thậm chí kiểm tra trước với một số nhóm sản phẩm nhạy cảm (y tế, thực phẩm...).
Quan trọng hơn cả, chính người nổi tiếng cũng cần ý thức rằng, uy tín xã hội là tài sản lớn nhất. Đừng vì một khoản lợi ngắn hạn mà đánh đổi niềm tin công chúng. Trách nhiệm xã hội không chỉ là chuẩn mực đạo đức, mà còn là yếu tố sống còn trong môi trường truyền thông hiện đại.
Chị Lê Thị Thúy Hạnh, xã Thiên Lộc, Hà Nội:
Cần chế tài mạnh với nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật

Là một người mẹ, đồng thời là giáo viên mầm non, tôi thực sự thất vọng khi từng tin tưởng và giới thiệu cho nhiều phụ huynh sản phẩm sữa HIUP chỉ vì thấy nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo. Tôi từng nghĩ, người nổi tiếng chắc chắn phải kiểm chứng chất lượng rồi mới dám giới thiệu công khai đến công chúng. Nhưng không ngờ, sau đó sản phẩm bị phát hiện là hàng giả. Tôi thực sự bàng hoàng và cảm thấy bị phản bội.
Không chỉ với sữa cho con mà nhiều sản phẩm có trong gia đình tôi, từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đến đồ gia dụng cũng từng được lựa chọn chỉ dựa vào lòng tin dành cho những lời có cánh của các nghệ sĩ trên mạng xã hội. Sự ngưỡng mộ dành cho thần tượng đã khiến tôi và nhiều người tiêu dùng dễ dàng bỏ qua việc tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin sản phẩm.
Từ trải nghiệm đó, tôi cho rằng, khi người nổi tiếng gắn tên tuổi với một sản phẩm, đó là một dạng “cam kết ngầm” với công chúng. Đó không chỉ là hành vi thương mại, mà còn là trách nhiệm xã hội. Nếu sản phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng, nghệ sĩ không thể vô can. Họ hưởng lợi từ sự nổi tiếng thì cũng phải chịu trách nhiệm khi sử dụng danh tiếng đó để tiếp tay cho sản phẩm vi phạm, gây hại cho người tiêu dùng. Vì vậy, tôi kiến nghị cần có chế tài pháp lý đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng quảng cáo thiếu trách nhiệm, tràn lan như hiện nay.