Xứ Thanh, chợ tết và văn hóa chợ tết

Từ xưa cho tới nay, ở cả xứ Thanh, nước Việt, sự ra đời, tồn tại và phát triển của hệ thống chợ quê (hay còn gọi là chợ truyền thống, bao gồm cả chợ tỉnh, chợ huyện và chợ ở làng, xã) là một hoạt động đặc trưng nổi bật nhất trong đời sống kinh tế văn hóa – xã hội nói chung của các cộng đồng dân cư ở bất kể nơi nào có chợ.

Chợ tết ở Na Mèo, Quan Sơn.

Theo sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, đến nửa cuối thế kỷ XIX, cả tỉnh Thanh Hóa đã có 44 chợ lớn nhỏ được điểm tên (chủ yếu là chợ ở vùng đồng bằng, ven biển). Sang nửa đầu thế kỷ XX, hệ thống chợ quê còn ra đời nhiều hơn nữa. Ở miền núi, ngoài chợ Trịnh Vạn (Thường Xuân) có từ trước, còn có thêm các chợ Phong Ý (Cẩm Thủy), chợ Hồi Xuân (Quan Hóa), chợ Mèn (Ngọc Lặc), chợ Xim (Nông Cống)... ra đời và hoạt động đầy dấu ấn.

Có thể nói, cho đến trước những năm 1945, nền kinh tế ở các làng quê trong tỉnh, trong nước cơ bản vẫn là nền kinh tế khép kín, tự cung tự cấp là chủ yếu. Nhưng với sự ra đời và hoạt động của hệ thống chợ quê, sự “khép kín” ấy dần dần bị bung ra để nhường chỗ cho nền kinh tế hàng hóa từng bước phát triển theo quy luật tự nhiên. Và trong khoảng thời gian trước năm 1945 và cả sau này nữa, hệ thống chợ trong tỉnh vẫn là một hoạt động giao lưu, trao đổi và mua bán hàng hóa chủ yếu chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống thường nhật của các tầng lớp Nhân dân. Tuy nhiên, ở mỗi địa phương, vùng miền (từ đồng bằng, ven biển đến trung du, miền núi), chợ quê vẫn có những nét đặc thù riêng cả về quy mô, ảnh hưởng và loại hình hàng hóa nhiều ít khác nhau. Ví dụ chợ ở miền núi thì nhiều hàng lâm sản, chợ ở đồng bằng thì nhiều hàng nông sản (gạo, thóc, bông, lạc, đậu...) và chợ ven biển nhiều hàng hải sản, hay chiếu cói... Và trong hệ thống chợ ấy, cũng có những chợ nổi tiếng như chợ Vườn hoa, chợ Phủ Thọ (Thọ Xuân), chợ Giáng (Vĩnh Lộc), chợ Còng (Nghi Sơn), chợ Phong Ý (Cẩm Thủy), chợ Mèn (Ngọc Lặc), chợ Hồi Xuân (Quan Hóa)... đã cuốn hút được cả người trong, ngoài huyện, tỉnh tham gia, thậm chí có những chợ phía miền Tây Thanh Hóa còn có cả người Lào xuống tham dự.

Có thể nói trước năm 1945 và sau năm 1945, bất kể chợ quê nào, nhất là những phiên chợ tết nhóm họp từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp, người ra vào chợ đông đúc, nhộn nhịp như mắc cửi. Trong chợ, các gian lều bằng tranh tre nứa lá có tính chất tạm bợ là chỗ ưu tiên cho những người bàn hàng ăn, hàng tạp hóa, hàng trầu cau, vải vóc, hàng khô (mộc nhĩ, nấm hương,...) đến chỗ ngồi cho cả thầy bói và thầy lang khám, chữa bệnh bằng thuốc nam... Ngoài ra còn có chỗ cho thợ rèn và thợ kim hoàn, thợ hàn nồi, xanh đồng hành nghề. Còn lại phía bên ngoài lều chợ là hàng rau, hàng tôm cá, và những chỗ bán gà vịt, lợn giống. Trong chợ còn có cả chỗ bán luồng, gỗ, củi và các đồ đan lát các loại... Nói chung, còn vô số loại hàng hóa khác, chưa kể hết. Riêng các chợ có bán trâu bò, như chợ Bản, chợ Phủ Thọ, chợ Cốc Hạ... còn có riêng một khu đất rất rộng tới cả héc-ta phục vụ cho việc mua bán được thuận lợi.

Một góc bán gia súc ở chợ Bản (Yên Định) xưa (ảnh tư liệu).

Trong các phiên chợ tết, hàng hóa bao giờ cũng rất phong phú, đủ loại để đáp ứng nhu cầu cho người đi sắm tết. Còn người có hàng bán cũng là dịp để thu lời lãi được nhiều hơn. Dù giá cả hàng hóa trong những phiên chợ tết có đắt hơn ngày thường nhưng ai cũng vui vẻ, hài lòng khi mua bán. Có một điều đặc biệt, ngoài những người đi chợ để bán, hoặc mua hàng tết, còn có rất nhiều người đến chỉ để chơi chợ và ăn chợ. Chơi chợ chủ yếu là các nhóm, các cặp thanh niên nam, nữ. Họ đến chợ là để mua sắm quần áo, giày, dép, và đồ trang sức ăn vận trong ngày tết, rồi dạo chơi ở trong chợ hết chỗ này, chỗ khác cho đến khi tan chợ mới thôi. Nếu còn tiền thì mời nhau ăn uống vui vẻ ở trong chợ. Và cứ như vậy mà chỉ sau vài lần đi chợ, nhiều trai thanh, gái lịch đã kết thành đôi lứa. Riêng các quán ăn nhậu ở trong các lều chợ cũng là nơi để nhiều bậc trung niên, buôn bán có tiền vào ăn, nhất là thịt chó, lòng lợn,... để giải đen lúc cuối năm, chợ tết còn là nơi hành nghề của các gánh xiếc bán thuốc dạo và cả những tốp hát xẩm, hành khất xin tiền bố thí. Nếu là những phiên chợ tết ở miền núi như chợ Phong Ý (Cẩm Thủy), chợ Mèn (Ngọc Lặc), chợ Hồi Xuân (Quan Hóa), ngoài người địa phương trong vùng, còn có sự tham gia đông đúc của người Kinh từ dưới xuôi lên, người các dân tộc ít người từ vùng núi cao khác và cả người Lào xuống với nhiều trang phục màu sắc càng làm cho chợ trở nên sinh động hơn. Ở trong, ngoài chợ còn có chỗ để bán tranh dân gian và câu đối đỏ cùng nhiều loại cây cảnh và hoa các loại... Tất cả hòa lại với nhau thành một bức tranh tổng thể phản ánh một cách tương đối đầy đủ và chân thật về sự sinh hoạt quan trọng không thể nào thiếu được trong đời sống kinh tế - xã hội của các cộng đồng dân cư trên vùng đất xứ Thanh từ xưa cho tới nay. Nhìn về chợ quê, trong những ngày tết sắp đến và xuân sắp về là nhìn thấy cuộc sống đã đủ đầy, no ấm chưa.

Dẫu trong quá khứ chợ tết nói riêng và chợ quê nói chung có lúc bị “ngủ” dài và không còn hoạt động sôi động bởi chiến tranh (chống Pháp, chống Mỹ) hoặc bởi chính sách sai sót thời quan liêu bao cấp, nhưng từ khi công cuộc đổi mới mở ra thì hoạt động của hệ thống chợ trong tỉnh lại có điều kiện để phục hồi và phát triển nhanh chóng theo xu hướng văn minh, hiện đại hơn. Vì vậy mà hiện nay, cảnh mua bán hàng hóa sôi động, tấp nập ở các chợ quê, nhất là trong các phiên chợ tết chỉ còn trong ký ức, kỷ niệm. Nhưng dẫu sao mỗi khi nhớ lại, ký ức của chợ quê, chợ tết lại ùa về làm cho bất kỳ ai đã từng chứng kiến, trải qua cũng đều thấy bồi hồi, lưu luyến.

Để lấy lại hình ảnh sôi động, đông đúc của những phiên chợ tết trước kia, hàng năm tỉnh cũng cho tổ chức hội chợ trong những ngày trước tết để phục vụ Nhân dân cũng mang lại những hiệu quả đáng mừng, góp phần kích thích nền kinh tế hàng hóa phát triển mỗi ngày một phong phú, đồng thời tạo ra sự giao lưu, kết nối hàng hóa giữa các địa phương, vùng miền trong ngoài tỉnh ngày càng phát triển hơn. Đặc biệt, ngoài hội chợ hàng hóa, còn có cả hội chợ cây cảnh, đào, quất cũng làm cho bức tranh ngày tết trên đất xứ Thanh cũng đa sắc màu và gây được nhiều dấu ấn cho bất kể một ai khi đến tham dự hội chợ. Đó cũng là sắc thái văn hóa nổi bật trong đời sống sinh hoạt của xứ Thanh hiện nay cứ mỗi dịp tết đến, xuân về.

PHẠM TẤN

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/xu-thanh-cho-tet-va-van-hoa-cho-tet/206516.htm